Đề xuất dựng các quảng trường ở bãi giữa sông Hồng
(Dân trí) - Lãnh đạo quận Ba Đình cho rằng cần dựng quảng trường tại khu vực bãi giữa sông Hồng, tạo các điểm nhấn về không gian, thị giác để kết nối với công trình khác như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân...
Ngày 24/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức hội thảo về đề án xây dựng công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng.
Phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng
Tại đây, KTS Nguyễn Bá Nguyên, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nhận định mặc dù sông Hồng chảy qua Hà Nội chỉ là đoạn ngắn so với chiều dài toàn tuyến, nhưng đóng góp rất lớn đối với sự hình thành yếu tố cảnh quan, là nét văn hóa đặc trưng của thủ đô.
Trong đó, bãi giữa sông Hồng được xem là nguồn lực tự nhiên để tạo lập không gian kiến trúc, cảnh quan sinh thái, tạo đà giúp Hà Nội thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Hồi năm 1994 và 2006, từng có nhà đầu tư Singapore lựa chọn xây dựng trên mảnh đất ngoài đê ở An Dương và sự giúp đỡ của phía Hàn Quốc trong việc lập quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Nhưng đến nay, thành phố chưa thể triển khai do còn nhiều vướng mắc.
"Có nhiều lý do khiến Hà Nội chưa khai thác được nhiều giá trị sông Hồng, trong đó có vấn đề về đê điều", ông Nguyên nói.
Tuy nhiên thời gian qua, Hà Nội đã tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo. Đồng thời, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND TP phê duyệt.
"Đây chính là điều kiện thuận lợi để phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan quan trọng, đặc biệt là khu vực bãi giữa sông Hồng, trong đó có các không gian văn hóa sáng tạo và phát triển kinh tế xã hội của thủ đô", Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết.
Phát biểu tại hội thảo, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, nhấn mạnh sông Hồng và không gian bãi giữa có vai trò là không gian xanh sinh thái đệm quan trọng của thủ đô, là di sản thiên nhiên, trục cảnh quan thiên nhiên, trục giao thông đường thủy quan trọng kết nối khu vực nội đô cũ với các khu vực mới phát triển...
Do đó, ông Chiến đề xuất các ý tưởng xây dựng công viên sông Hồng bao gồm khu vực đầu tư mới có phạm vi toàn bộ bãi giữa và ven sông, khu vực cải tạo chỉnh trang - là khu dân cư tập trung ngoài đê của các phường Phúc Tân, Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Phúc Xá (quận Ba Đình), Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân (quận Tây Hồ) và Ngọc Thụy (quận Long Biên).
Lãnh đạo quận Ba Đình cũng đề nghị kết nối các yếu tố kiến trúc có giá trị như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân, tháp nước Hàng Đậu… thuộc khu phố cổ, phố cũ.
Đồng thời, ông Chiến đề xuất tạo dựng các quảng trường tại khu vực bãi giữa, tạo các điểm nhấn về không gian, về thị giác tại đây để kết nối với các điểm nhấn đô thị sẵn có như cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân - chợ Long Biên, tháp nước Hàng Đậu.
Hạn chế bê tông hóa với khu vực bãi giữa
Nhìn nhận dự án công viên bãi giữa sông Hồng là cơ hội để phát huy lợi thế cảnh quan mặt nước, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long đánh giá dự án còn tăng khả năng tiếp cận của sông Hồng với khu vực nội đô, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của người dân tại khu vực có mật độ dân cao, thiếu không gian công cộng.
Cùng với mục tiêu trên, quận Hoàn Kiếm đang mở tuyến đường Chương Dương Độ từ chân đê ra đến mép sông. Trong tương lai, quận tiếp tục thực hiện các tuyến đường tăng kết nối trong đê và ngoài đê, triển khai bến thủy nội địa trên địa bàn quận.
Đồng thời, ông Long thông tin quận Hoàn Kiếm sẽ tổ chức một cuộc thi tập trung các ý tưởng nhằm khai thác khu vực sông Hồng một cách hiệu quả.
Quan tâm đến vấn đề giao thông đường thủy và đường bộ khu vực sông Hồng, ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch UBND quận Long Biên, cho biết bãi giữa sông Hồng là khu vực cần giải quyết nhiều vấn đề về hạ tầng kỹ thuật, giải phóng mặt bằng.
Vì thế, vấn đề cần được ưu tiên xử lý là hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, sau đó đến hệ thống giao thông tiếp cận đường bộ, đường thủy kết nối đa phương thức gắn với các giải pháp đảm bảo an toàn thoát lũ, thích ứng với điều kiện thủy văn.
Lãnh đạo quận Long Biên nêu thông điệp "hạn chế bê tông hóa với khu vực bãi giữa" và cho rằng cần giữ lại cũng như khai thác được cầu Long Biên.
Theo ông Hà, việc này thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ. Trong đó, cầu Long Biên cần được xác định là yếu tố quan trọng, tất yếu, có vị trí xứng đáng trong bất kỳ quy hoạch nào của thủ đô.