1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Đề xuất đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào hiến pháp

(Dân trí) - "Việc các đồn biên phòng Việt Nam kiên quyết không đóng dấu vào những hộ chiếu in hình đường lưỡi bò của Trung Quốc là chủ trương đúng. Về lâu dài, cần đưa tuyên bố chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa vào hiến pháp" - cử tri góp ý với Chủ tịch nước.

Ngày 25/11, đoàn Đại biểu Quốc hội gồm Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; TS. Trần Du Lịch - Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM; đại biểu Quốc hội Hoàng Hữu Phước đã có buổi tiếp xúc với cử tri của quận 3 và quận 4 - TPHCM. Trả lời các thắc mắc, chất vấn, lời nhắn gửi của các cử tri, đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch chia sẻ: “Cái gì tốt cho dân cho nước thì chúng tôi không nề hà”.

Cử tri Vũ Hoài Ninh (P.13, Q.4) bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng về quy định xe chính chủ. Cử tri này cũng cho rằng, quy định cho phép CSGT hóa trang mặc thường phục để chặn xe sắp có hiệu lực làm dấy lên lo lắng trong dư luận. “Đảng trao cho các anh nhiệm vụ vinh quang, nhiệm vụ chính của các anh là bảo vệ an ninh, trật tự, gắn với màu cờ, sắc áo. Nhiệm vụ hóa trang để đảm bảo an ninh đã có các lực lượng khác như cảnh sát cơ động, lực lượng an ninh… Giờ thêm CSGT mai phục, truy bắt bất ngờ người đi đường sẽ dẫn tới những hình ảnh không đẹp. Hình ảnh người CSGT của 20 năm trước so với hình ảnh của lực lượng CSGT hôm nay, tôi rất chạnh lòng”, cử tri Ninh phản ánh.

Nhiều cử tri cho rằng, đất nước khó khăn, người dân tự động viên nhau gắng gượng, hy vọng, kỳ vọng vào Quốc hội… Tuy nhiên, họ vẫn chưa yên tâm trước công tác điều hành của Chính phủ. Cử tri Lê Trọng Nhường (P.8, Q.4) cho biết: “Phải quay lại cách đặt vấn đề của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cố Thủ tướng “xé rào” nhằm đem lại lợi ích cho dân. Đây là cuộc cách mạng đầy gian nan, các đồng chí đứng đầu phải dũng cảm, tránh rập khuôn”.

Cử tri Nguyễn Văn Kiều (P.11, Q.4) phản ánh đến đoàn đại biểu Quốc hội về những bất cập trong Luật Đất đai. Cử tri Kiều nêu trường hợp của cá nhân mình có miếng đất ở quận 2 nằm trong đường vành đai phía Đông, nhưng áp giá mỗi lúc mỗi khác. Dự án bỏ không đến nay hơn chục năm nhưng chưa triển khai, người dân thì chịu nhận giá đền bù rẻ mạt (300.000 đồng/m2). Trong khi cùng miếng đất ấy, chủ đầu tư ủi đất, phân lô, bán nền với số tiền 9 - 10 triệu/m2. “Tôi nói vấn đề riêng để chứng minh Luật Đất đai hiện quá rối rắm, xử lý vi phạm về chủ đầu tư để dự án treo cũng không rõ, khiến người dân mất niềm tin”, cử tri Kiều nói. 
 
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri Q.4, Q.3 ngày 25.11
Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang tiếp xúc cử tri Q.4, Q.3 ngày 25.11
(Ảnh: Lao động)

Cử tri Nguyễn Thanh Chiến (P.2, Q.4) cũng cho rằng, quy định mới về cấp phép xây dựng chưa có thông tư hướng dẫn. Người dân khó khăn trong làm thủ tục xin cấp phép xây dựng. Những người nằm trong quy hoạch 1/500 mới được phép xây dựng nhưng hầu hết các khu vực dân cư đều còn quy hoạch chung 1/2.000. Rõ ràng, người dân sẽ gặp vô cùng khó khăn khi triển khai quy định này.

Cử tri mong muốn nhà nước có những biện pháp cấp bách để cứu các doanh nghiệp. Hiện đã có hàng ngàn doanh nghiệp bị giải thể, phá sản do khủng hoảng nghiêm trọng của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường tài chính, ngân hàng. Về vấn đề “giải cứu” doanh nghiệp, cử tri Trần Văn Nhơn (P.3, Q.4) phân vân: “Có 2 cách chủ yếu cho doanh nghiệp tiếp cận vốn là dựa vào ngân hàng hoặc thị trường chứng khoán. Thế nhưng, hiện hai thị trường này cũng đang tụt dốc. Vậy hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách nào đây?”.

Các cử tri cho biết, họ chưa hài lòng với các trả lời chất vấn, giải thích của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ xây dựng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước… Cử tri mong muốn Quốc hội cần có vai trò trong giám sát thi hành luật, làm sao có hiệu quả.

Cử tri Nguyễn Văn Nhơn (P.9, Q.4) cho rằng cần xử lý nghiêm những người có trách nhiệm liên quan, nếu không làm được việc thì buộc phải từ chức, để cải cách, hồi phục kinh tế. Không thể chậm trễ được hơn nữa. Những xử lý đối với Bí thư Hải Dương, Chủ tịch Bình Phước, Chủ tịch Đắk Lắk, dân chưa hài lòng, rõ ràng là “giơ cao đánh khẽ”, kỷ luật cho có hình thức.

Liên quan đến thủy điện 6A ở Đồng Nai, cử tri Nguyễn Minh Ngọc (P.4, Q.4) chất vấn: “Tại sao vẫn đang khảo sát với mức độ mở rộng hơn. Nếu các đập thủy điện hoàn thành mà có các sự cố xảy ra thì ai chịu trách nhiệm? Hàng trăm ngàn hộ dân từ Đồng Nai tới TPHCM bị mất điện, thiếu nước ngọt, ai sẽ lo?”.
 
Cử tri Nguyễn Minh Ngọc cũng cho rằng, việc Trung Quốc in hình “đường lưỡi bò” trên hộ chiếu, dù Việt Nam đã có phản ứng ngoại giao nhưng cần phải mạnh mẽ hơn nữa, cương quyết về chủ quyền. Ông Ngọc cho rằng, động thái của Trung Quốc khi cấp hộ chiếu phổ thông điện tử có in đường 9 đoạn (đường lưỡi bò) là không thể chấp nhận, bất chấp luật pháp quốc tế. Việc các đồn biên phòng Việt Nam không đóng dấu vào những hộ chiếu có in hình đường lưỡi bò là một chủ trương đúng.

Cử tri Ngọc cũng đề nghị đưa tuyên bố chủ quyền của hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa vào Hiến pháp. Ông Nguyễn Minh Ngọc kiến nghị: “Về lâu về dài chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền chủ quyền biển đảo không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài để mọi người dân Việt Nam đều biết. Đồng thời, nên đưa vấn đề này vào Hiến pháp, các đề tài nghiên cứu khoa học, sách vở để các thế hệ tiếp tục đấu tranh”.

Trả lời chất vấn, thắc mắc của các cử tri, TS. Trần Du Lịch cho biết, về xe không chính chủ, Quốc hội sẽ tiếp thu, xem xét cho phù hợp. Về trách nhiệm người đứng đầu, theo ông Trần Du Lịch, bỏ phiếu tín nhiệm là quá trình chúng ta đang làm nhưng cũng phải từng bước. Việc nghị định 64 gây phiền hà về xây dựng, đại biểu Trần Du lịch cho biết sẽ tiến hành kiểm tra. Về cách quản lý vàng, Quốc hội cũng sẽ tham gia.

“Nhiều vấn đề cử tri nêu đúng là còn có bất cập đang chen nhau. Chúng tôi sẽ từng bước thực hiện, cái gì tốt cho dân cho nước thì chúng tôi không nề hà”, tiến sĩ Trần Du Lịch nói.

Công Quang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm