“Sau lưng là 4.000 năm lịch sử, trước mặt là 90 triệu đồng bào”

(Dân trí) - Chia sẻ với những trăn trở của cử tri vì công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, tranh chấp trên biển Đông, Chủ tịch nước tâm sự: “Đằng sau lưng, trước mặt mình là 90 triệu đồng bào, tôi nhớ chứ! Là 4.000 năm lịch sử, tôi nhớ chứ! Không quên được đâu!”.

Đảng và Nhà nước không lùi trong vấn đề biển Đông

Ngày 18/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp tục cùng Tổ Đại biểu Quốc hội - Đơn vị số 1 TPHCM tiếp xúc cử tri quận 4 (TPHCM) trước Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII.

Quang
cảnh buổi tiếp xúc cử tri quận 4
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri quận 4

Tại hội nghị này, 15 cử tri đã phát biểu trực tiếp tại hội trường, chất vấn tổ đại biểu nhiều vấn đề còn tồn tại trong quá trình điều hành đất nước thời gian qua như tình hình biển đảo, tham nhũng, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, bất cập trong giáo dục, y tế, an toàn thực phẩm…

Về vấn đề biển đảo, cử tri Trần Tâm phát biểu: “Qua báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình biển Đông, Trung Quốc đã có những hành động dã tâm với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta. Trong khi đó chúng ta chưa có chủ trương cứng rắn với Trung Quốc, chủ yếu là bằng đường ngoại giao, thì họ càng lấn tới. Cụ thể là Trung Quốc đã xây dựng thành phố Tam Sa, xây dựng hạ tầng cơ sở, xây dựng khu du lịch…”.

Cử tri Võ Thanh Thảo cũng đồng tình và bổ sung: “Sau biển Đông, họ tiến hành phá hoại kinh tế của nước ta như vụ trái thanh long, trái dứa ở Tiền Giang; vụ khoai lang ở Vĩnh Long, Trà Vinh; vụ cua biển ở Cà Mau, vụ trái dừa ở Bến Tre… thể hiện rất rõ âm mưu thâm độc của Trung Quốc”.

Đây cũng là nội dung mà nhiều cử tri quận 1, quận 3 đã kiến nghị lên Chủ tịch nước trong 2 buổi tiếp xúc cử tri ngày 17/10. Nhiều cử tri khác còn nhắc đến vụ doanh nghiệp Trung Quốc nuôi cá ngay tại Cam Ranh, sát cạnh cảng quân sự lớn nhất nước ta, hàng năm trời mà không ai biết.

Cử tri Trần Tâm yêu cầu: “Trong thời gian tới, Chính phủ cần có chính sách vừa cứng rắn, vừa mềm dẻo để bảo vệ chủ quyền biển đảo của nước ta”.

Cử tri Võ Thanh Thảo thì đề nghị: “Chúng tôi mong Đảng và Chính phủ có phương án rõ ràng, đề ra phương sách kiên quyết và công bố cho nhân dân được rõ, được yên tâm”. Dù tuổi cao sức yếu, ông cũng giơ cao cánh tay nắm chặt mà rằng: “Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu hết mình vì tổ quốc!”.

Nhiều
cử tri yêu cầu Đảng và Nhà nước phải cứng rắn trong vấn đề biển Đông
Nhiều cử tri yêu cầu Đảng và Nhà nước phải cứng rắn trong vấn đề biển Đông

Trả lời thẳng thắn trước 300 cử tri quận 4, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định: “Chủ trương bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia là không bao giờ thay đổi!”.

Về những vấn đề xảy ra trên biển Đông vừa qua, Chủ tịch nước cho rằng: “Không phải những vấn đề có sự tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc, Đảng và Nhà nước chỉ phó thác cho Bộ Ngoại giao ứng phó. Các đồng chí nói thế là oan ức cho chúng tôi quá! Không lẽ Đảng và Nhà nước để anh Nghị (ông Lương Thanh Nghị, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao- PV) phát biểu vài câu là xong à? Không phải! Không phải Đảng và Nhà nước này phó mặc cho Bộ Ngoại giao, một mình Bộ Ngoại giao cũng không làm được!”.

Chủ tịch nước khẳng định cùng với phát ngôn khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Bộ Ngoại giao, Đảng và Nhà nước còn tiến hành song song hàng loạt công việc thể hiện rõ chủ trương bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của chúng ta.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Các đồng chí coi, ở biển Đông, công cuộc phát triển kinh tế chúng ta có dừng lại không? Không dừng. Và kinh tế biển mang lại cho Việt Nam bao nhiêu phần trăm GDP? Hàng năm nó mang về cho ngân sách quốc gia bao nhiêu chúng tôi đều có báo cáo nhiều lần. Mong cô bác anh chị hiểu, Đảng và Nhà nước có lùi đâu? Không lùi! Mặc dù Trung Quốc tuyên bố 9 lô xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam, chúng ta vừa tuyên bố phản đối và hoạt động kinh tế biển chúng ta vẫn diễn ra bình thường; khai thác dầu khí, thủy sản, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế… vẫn diễn ra”.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết thêm: “Về chủ quyền pháp lý, gây sức ép ghê gớm để Quốc hội Việt Nam không thông qua Luật Biển. Nhưng Quốc hội Việt Nam đã làm gì các đồng chí biết không? Luật Biển đã thông qua, nó chứng minh rất rõ ý chí của ban lãnh đạo hiện nay có nhân nhượng không, có khuất phục phương Bắc hay không?”.

Chủ tịch nước mong mỏi nhân dân, đặc biệt là Đảng viên cần phải bình tĩnh, nhận định rõ tình hình, có cái nhìn toàn diện, đừng kích động theo luận điệu xuyên tạc của kẻ thù trên các trang mạng. Chủ tịch nước cho rằng: “Trong việc trị quốc phải bình tĩnh, tim phải nóng nhưng đầu phải lạnh; chứ không phải tim lạnh, đầu nóng, nguy hiểm cho đất nước!”.

Chủ
tịch nước Trương Tấn Sang: “Việc trị quốc phải bình tĩnh, tim phải nóng nhưng
đầu phải lạnh”
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Việc trị quốc phải bình tĩnh, tim phải nóng nhưng đầu phải lạnh”

Để kết thúc phần phát biểu chủ đề bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, Chủ tịch nước tâm sự cùng các cử tri: “Đằng sau lưng, trước mặt mình là 90 triệu đồng bào, tôi nhớ chứ! Là 4.000 năm lịch sử, tôi nhớ chứ! Không quên được đâu!”.

Nếu sợ thì hãy làm đơn xin nghỉ

Trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 18/10, các cử tri quận 4 cũng tiếp tục chất vấn tổ đại biểu về vấn đề tham nhũng. Cử tri Võ Thanh Thảo phát biểu: “Tham ô hối lộ ở nước ta có khi còn cao hơn các nước Châu Phi. Có nên xem đây là quốc nạn hay không? Thực tế là tham ô hiện nay phát hiện ít mà còn bị che giấu, không bị xử lý, thậm chí là bị bẻ cong”.

Và ông đề nghị Quốc hội, Đảng, Chính phủ có biện pháp mạnh mẽ hơn. Ông nói thẳng: “Nhiều cán bộ có tư tưởng “hy sinh đời bố, củng cố đời con”. Dù họ bị xử lý nhưng vẫn để lại tài sản hàng tỷ đồng cho vợ con. Cần quy định rõ, nếu tham ô trên 1 tỷ thì xử chung thân, trên 2 tỷ thì tử hình”.

Cử tri
quận 4 tiếp tục bức xúc về vấn đề tham nhũng, xử lý trách nhiệm cán bộ
Cử tri quận 4 tiếp tục bức xúc về vấn đề tham nhũng, xử lý trách nhiệm cán bộ

Cử tri Dương Xuân Miễn thì bức xúc về cách xử lý trách nhiệm của cán bộ: “Luật chúng ta rất đầy đủ, nhiều nhưng thực thi pháp luật chưa ổn. Ví dụ như vụ Tiên Lãng, Hải Phòng đã xác định rõ vi phạm, đã khởi tố rồi nhưng gần 1 năm vẫn chưa đưa ra xử lý. Không hiểu vì sao nó kéo dài? Trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị này ra sao? Có bao che hay không?”.

Cử tri Đỗ Duy Sơn thì đề nghị Đảng, Nhà nước và Quốc hội chú ý đến công tác cán bộ, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để xảy ra sai phạm. Ông nói: “Chúng ta nói nhiều rồi, làm rồi nhưng làm chưa đến nơi đến chốn”.

Cử tri Dương Xuân Miễn khẳng định: “Lòng tin của cử tri đang bị giảm sút, xói mòn vì cách xử lý vi phạm kỳ cục của chúng ta”. Còn cử tri Phạm Văn Tài thì phát tiết bất bình với những cán bộ đã, đang tham nhũng, gây hại cho dân, cho nước: “Trách nhiệm cá nhân của Đảng viên có còn không?”.

Đáp lời cử tri, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc lại nội dung đã trình bày trong ngày 17/10 về việc Quốc hội đang chuẩn bị cơ sở pháp lý để chuyển công tác chỉ đạo phòng chống tham nhũng từ Chính phủ sang cho Đảng, Ban Nội chính Trung ương đang được khôi phục để làm cơ quan chuyên trách cho công tác này. Chủ tịch nước cho biết: “Điều đó cho thấy tình hình nghiêm trọng thế nào. Đảng và Nhà nước đang dồn sức mạnh mẽ nhất cho hoạt động này”.

Chủ
tịch nước khẳng định Đảng và Nhà nước đang dồn sức mạnh mẽ nhất để chống tham
nhũng
Chủ tịch nước khẳng định Đảng và Nhà nước đang dồn sức mạnh mẽ nhất để chống tham nhũng

Chủ tịch nước cũng nhắc lại công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng là của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chứ không phải của riêng ai. Quần chúng chính là con mắt sáng nhất của Đảng, của Nhà nước trong công tác này.

Ông chia sẻ thêm: “Đúng là trong thực tế có những người đấu tranh bị trù dập rõ ràng, gia đình tan nát. Chúng tôi có lỗi lớn là không bảo vệ được những con người đó, nên gây ra sự sợ hãi. Tôi có gặp nhiều cán bộ, có cán bộ khá lớn gặp tôi cũng than vãn: “Ông à, liệu chúng tôi đấu tranh thì chúng tôi có tồn tại được không?”. Tôi nói đơn giản thôi, nếu chúng ta hèn nhát, làm đơn gởi cho Đảng, chúng ta nghỉ. Chứ chúng ta hèn nhát, không làm tròn trách nhiệm của mình mà nhân dân giao phó thì để đồng chí có trí tuệ, dũng cảm làm!”.

Tùng Nguyên