1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đề xuất đầu tư hơn 94 tỷ đồng một km đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Theo nghiên cứu tiền khả thi, dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ có 6 làn xe cao tốc với tốc độ 100km/h và giá thành cao nhất là hơn 94 tỷ đồng/km.

Thông tin nêu trên được đại diện Tổng Công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đưa ra tại hội thảo tham gia ý kiến về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, đường vành đai 4 có chiều dài 112,8 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 94.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến giai đoạn 2021-2028. Dự án sẽ đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố, gồm Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.

Quy mô hoàn chỉnh gồm 6 làn xe cao tốc và hệ thống đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dự trữ cho đường sắt vành đai…

Đề xuất đầu tư hơn 94 tỷ đồng một km đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô - 1

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội thảo về dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô, diễn ra sáng 14/2 (Ảnh: Phú Khánh).

Dự án này đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc với thiết kế 100km/h, thành phần gồm đường cao tốc và tuyến nối theo hướng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long; đoạn 4 làn xe và đường bên có tốc độ 60-80 km/h. Sẽ có 3 cầu vượt sông thuộc dự án này, gồm 2 cầu vượt sông Hồng và một cầu vượt sông Đuống.

Về nội dung tính toán khái toán tổng mức đầu tư, theo đơn vị tư vấn, đơn giá xây dựng một km đường của dự án bao gồm: Đơn giá xây dựng một km đường cao tốc 17 m được tính toán quy đổi từ chỉ tiêu xây dựng đường cao tốc 4 làn xe trong suất vốn đầu tư (quy đổi theo bề rộng nền đường và mặt đường). Tỷ trọng chi phí mặt đường/nền đường vào khoảng 55%/45% (tham chiếu từ các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1). Chỉ tiêu xây dựng khoảng 94,69 tỷ đồng/km.

Bên cạnh đó, đơn giá xây dựng một km đường bên - đường đô thị loại 1 và đường bên đường đô thị loại 2 tham chiếu theo suất đầu tư ô tô cấp 3 đồng bằng và đường ô tô cấp IV đồng bằng với chỉ tiêu 24,07 tỷ đồng/km; Chỉ tiêu xây dựng cầu 1 m2 mặt cầu bình quân 25,71 triệu đồng/m2...

Chú ý kiểm soát quy hoạch toàn tuyến, kết nối với sân bay thứ 2

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, trong thời điểm tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng thành phố vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của thành phố là thực hiện phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, tạo động lực, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sự phát triển của vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

"Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 có ý nghĩa tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội và toàn bộ Vùng Thủ đô, góp phần kết nối các tuyến đường quốc lộ, cao tốc hướng tâm, mà hiện nay tuyến đường vành đai 3 đang đảm nhiệm và đã chịu quá tải trầm trọng. Khi có tuyến đường vành đai 4 sẽ giảm ùn tắc cho Vành đai 3; góp phần phát triển đô thị 2 bên tuyến; phục vụ công tác an ninh, quốc phòng" - ông Ngọc Anh khẳng định và đề nghị các đại biểu phát huy kinh nghiệm lãnh đạo, kiến thức khoa học, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng để giúp Hà Nội hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đề xuất đầu tư hơn 94 tỷ đồng một km đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô - 2

Hình ảnh Dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô được đề xuất sẽ có 8 nút giao chính và 3 cầu vượt sông (Ảnh chụp màn hình).

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá nghiên cứu tiền khải thi đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô đã làm rõ sự cần thiết của việc đầu tư tuyến đường này.

Theo PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, vành đai 4 là tuyến cao tốc đô thị nên yếu tố quy hoạch, cảnh quan rất quan trọng; đồng thời, một trong những yêu cầu ngặt nghèo của cao tốc là vấn đề quản lý, vận hành, vì vậy cần quan tâm đến vấn đề này khi khai thác, vận hành. 

Trong khi đó, PGS.TS Tống Trần Tùng - Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật, Bộ Giao thông vận tải - có ý kiến về việc nút giao với sân bay thứ 2 của Thủ đô chưa được nêu trong báo cáo tiền khả thi. Ông cũng kiến nghị về việc số lượng các nút giao của dự án tại phía Nam còn ít và cần rút kinh nghiệm từ nút giao Pháp Vân - Cầu Giẽ. Bên cạnh đó, cần quan tâm mật độ xây dựng, mật độ dân số quanh vành đai 4 và cần có chỉ tiêu ngay từ đầu bởi nếu xây dựng chằng chịt sẽ không còn khái niệm cảnh quan của cả tuyến đường.

Theo PGS.TS Hoàng Hà - Chủ tịch Hội Cầu đường Việt Nam, với tình hình giao thông hiện tại của Việt Nam nên tiến hành phương án đi theo đường trên cao để giải quyết xung đột giao thông nội vùng; vấn đề ảnh hưởng của dự án đối với các tuyến đường khác; tính toán kỹ vấn đề thoát nước của đường vành đai 4…