1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Trình Thủ tướng "siêu dự án" xây dựng đường trên cao dài nhất Việt Nam

(Dân trí) - Chủ tịch TP Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc vừa trình Thủ tướng, xin chấp thuận chủ trương đầu tư "siêu dự án" đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô theo phương án toàn tuyến đi trên cao.

Dự án 98km, đầu tư 135.000 tỷ đồng 

Theo quy hoạch giao thông vận tải (GTVT) Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến đường vành đai 4 được xác định là tuyến đường kết nối liên vùng, kết nối Hà Nội với các tỉnh thuộc Vùng Thủ đô; đồng thời giải quyết nhu cầu giao thông trực tiếp cho khu vực đô thị trung tâm, đô thị vệ tinh của TP Hà Nội.

Tuyến đường vành đai 4 dài khoảng 98km đi qua địa phận TP Hà Nội (56,5km), Hưng Yên (20,3km), Bắc Ninh (21,2km). Hai tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang nằm ngoài phạm vi đầu tư xây dựng nhưng có vị trí tiếp giáp với điểm đầu và điểm cuối tuyến vành đai 4.

Việc đầu tư tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô tạo điều kiện, tiền đề để các thành phố và các tỉnh phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế đô thị và nông thôn khu vực 2 bên tuyến đường nói riêng, Vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.

Chủ tịch TP Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc cho rằng việc đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô lúc này là hết sức cần thiết, cần tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện.   

Trình Thủ tướng siêu dự án xây dựng đường trên cao dài nhất Việt Nam - 1

Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô được đề xuất xây dựng theo phương án cao tốc đi toàn bộ trên cầu cạn, như đường vành đai 3 Hà Nội đã triển khai (Ảnh: N.Q).

Đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư, 5 tỉnh và thành phố thống nhất, thay vì tách thành các dự án độc lập, đầu tư từng phân đoạn theo địa phận của từng địa phương thì sẽ triển khai đầu tư nối thông toàn tuyến, không chia nhỏ thành các đoạn nhằm đảm bảo tính kết nối.

Đặc biệt, Chủ tịch UBND của 5 tỉnh, thành phố đề xuất, ngoài quy hoạch chi tiết đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ nghiên cứu thêm phương án quy hoạch xây dựng phần đường cao tốc là cầu cạn trên cao thay cho việc đi bằng với quy mô 4 - 6 làn xe cao tốc.

Qua rà soát, tính toán sơ bộ để đầu tư tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô, kinh phí đầu tư dự án theo phương án cao tốc đi bằng cần khoảng 105.000 tỷ đồng. Dự án triển khai làm cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến có kinh phí xây dựng khoảng 135.000 tỷ đồng (đã bao gồm 2 cầu lớn vượt sông Hồng). Ngoài ra, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án ước tính khoảng 25.000 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND 5 tỉnh, thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án đầu tư cao tốc đi trên cầu cạn toàn tuyến, tương tự như phương án đường cao tốc trên cao vành đai 3 - Hà Nội đã xây dựng, khai thác.  

Theo thuyết minh trong tờ trình, phương án xây dựng đường cao tốc trên cao sẽ giải quyết được cơ bản khoảng 23 giao cắt cùng mức với các tuyến đường khác nhau, đảm bảo kết nối giao thông, liên kết đô thị 2 bên tuyến đường (trường hợp đường cao tốc đi bằng sẽ chia cắt 2 bên tuyến đường), tận dụng được không gian mặt đất dưới gầm cầu cạn để làm đường, phục vụ giao thông đi lại…

Với mức kinh phí xây dựng nói trên, việc đầu tư toàn bộ tuyến đường bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước là khó khả thi, thời gian thực hiện sẽ kéo dài. Vì vậy, lãnh đạo 5 tỉnh, thành phố đề xuất nghiên cứu đầu tư dự án theo hình thức hỗn hợp giữa đầu tư công và đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Trong đó, toàn bộ phần cao tốc đi trên cao sẽ thực hiện 100% bằng hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.

Hà Nội giữ vai trò "cầm trịch"

Trên thực tế, từ giữa năm 2011, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, với quy mô 6 làn xe, kinh phí đầu tư khoảng 66.500 tỷ đồng.

Thủ tướng giao các địa phương nơi dự án đi qua chủ động lập dự án và huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng theo từng phân đoạn qua địa bàn. Tuy nhiên, sau 10 năm, chỉ Hà Nội đã khởi động được một số đoạn tuyến bằng hình thức BT, nhưng sau thời gian ngắn đã phải dừng lại do cơ chế, chính sách thay đổi. Các đoạn tuyến qua địa phận tỉnh Bắc Ninh và Hưng Yên vẫn "bất động".

Cuối tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì nghiên cứu lập báo cáo tiền khả thi để đầu tư toàn bộ tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Mới đây, tại Hội nghị triển khai quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ về tuyến đường vành đai 4, Bộ GTVT và các địa phương đã thống nhất đề cử TP Hà Nội giữ vai trò chủ trì triển khai quy hoạch, phối hợp cùng các địa phương có tuyến đi qua tổ chức nghiên cứu, triển khai đầu tư toàn tuyến.

Bộ GTVT và các địa phương cũng thống nhất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận giao TP Hà Nội là cơ quan đầu mối thay mặt cho các địa phương chủ trì tổ chức triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm triển khai dự án và đàm phán, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.