Đề xuất cưỡng chế, cắt điện, nước để dân di dời khỏi chung cư sắp sập

Hoài Thu

(Dân trí) - Theo Ủy ban Pháp luật, nếu xác định cấp điện, nước cho các căn hộ có nguy cơ sập đổ là giao dịch bị cấm, có thể bổ sung quy định này vào luật để buộc người dân phải di dời.

Sáng 5/6, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV bước sang tuần làm việc thứ ba với việc thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), cơ quan thẩm tra của Quốc hội là Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa luật nhằm khắc phục vướng mắc, bổ sung các vấn đề mới nảy sinh.

Chung cư sắp sập mà chưa di dời được dân, ai chịu trách nhiệm?

Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, cơ quan thẩm tra của Quốc hội nhận định đây là một trong những vướng mắc lớn cần khắc phục khi sửa đổi Luật Nhà ở.

Trong hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 3, Chính phủ đã đề xuất bổ sung quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, nhưng nội dung này không nhận được sự đồng tình. Vì thế, dự thảo Luật trình Quốc hội đã bỏ phương án về thời hạn sở hữu nhà chung cư.

Đề xuất cưỡng chế, cắt điện, nước để dân di dời khỏi chung cư sắp sập - 1

Khu tập thể Ngọc Khánh (Ba Đình) xuống cấp nghiêm trọng, là khu nhà được kiểm định nguy hiểm cấp D (Ảnh: Tố Linh).

Dù vậy, Ủy ban Pháp luật đánh giá nội dung bổ sung trong dự thảo Luật chưa đáp ứng yêu cầu về tính cụ thể, khả thi trong việc quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời cư dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không còn an toàn.

Liên quan đến trình tự, thủ tục di dời người dân, Ủy ban Pháp luật lưu ý quy định này tác động trực tiếp đến các quyền hiến định (quyền có nơi ở hợp pháp, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở, quyền sở hữu nhà ở...) nên phải quy định trong Luật. Tuy nhiên, dự thảo chưa nêu rõ, dẫn đến khó triển khai.

Đặt vấn đề: "Nếu chung cư cũ, hư hỏng, có nguy cơ sập đổ mà chưa di dời được người dân, hậu quả xảy ra ai sẽ chịu trách nhiệm?", cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ quy định cụ thể và bổ sung giải pháp quyết liệt hơn, trong đó có biện pháp cưỡng chế cần thiết để khắc phục tình trạng này.

Đề xuất cưỡng chế, cắt điện, nước để dân di dời khỏi chung cư sắp sập - 2

Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định cụ thể và bổ sung giải pháp quyết liệt hơn, trong đó có biện pháp cưỡng chế cần thiết, để di dời người dân khỏi chung cư nguy hiểm (Ảnh: Ip Thiên).

"Ví dụ, hiện nay chưa có quy định biện pháp cắt điện, nước để buộc thực hiện nghĩa vụ di dời vì nhiều quan điểm cho rằng cung cấp điện, nước là giao dịch dân sự độc lập với yêu cầu thực hiện nghĩa vụ.

Tuy nhiên, nếu xác định việc cung cấp điện, nước cho các căn hộ nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ, buộc phải di dời là giao dịch bị cấm thì có thể bổ sung quy định này vào Luật Nhà ở để tạo áp lực cho các chủ sở hữu căn hộ phải di dời", theo gợi ý của cơ quan thẩm tra.

Chủ đầu tư xây nhà ở thương mại cần góp kinh phí xây nhà ở xã hội

Trong chính sách phát triển nhà ở xã hội, quy định về bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cũng được sửa đổi.

Chính phủ đề nghị quy định rõ việc bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh. 

Để đảm bảo tính minh bạch, khả thi, Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đề xuất tỷ lệ phần trăm tối thiểu của tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành cho việc phát triển nhà ở xã hội.

Việc này, theo cơ quan thẩm tra, để tránh tình trạng các địa phương không bố trí thỏa đáng tiền sử dụng đất thu được cho đầu tư nhà ở xã hội.

Đề xuất cưỡng chế, cắt điện, nước để dân di dời khỏi chung cư sắp sập - 3

Dự án Nhà ở xã hội thuộc Khu dân cư Nguyên Sơn do Công ty cổ phần Bất động sản Nguyên Sơn làm chủ đầu tư tại huyện Bình Chánh, TPHCM (Ảnh: Hải Long).

Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị quy định bổ sung trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng nhà ở xã hội của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.

Về ưu đãi đối với chủ đầu tư nhà ở xã hội, dự thảo Luật quy định nhiều chính sách về miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; ưu đãi về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; ưu đãi vay vốn với lãi suất thấp, thời gian vay vốn dài…

Đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Luật nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội, gia tăng nguồn cung nhà ở xã hội; đồng thời vẫn áp dụng lợi nhuận định mức để Nhà nước có cơ sở kiểm soát giá bán nhà ở xã hội, góp phần giảm giá bán và tăng cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội của người dân.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc dự thảo Luật không xác định tỷ lệ tối đa phần quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại trong dự án nhà ở xã hội mà tỷ lệ này lại phụ thuộc vào quy hoạch chi tiết do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, là không bảo đảm chặt chẽ.

Đây là sơ hở có thể bị lạm dụng dẫn đến tiêu cực trong việc xin phép làm dự án nhà ở xã hội nhưng mục tiêu chính là để có đất xây công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung quy định tỷ lệ tối đa phần quỹ đất riêng xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại trong dự án nhà ở xã hội tại dự thảo Luật.

Dự Luật Nhà ở sửa đổi gồm 12 chương, 196 điều và sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận ở hội trường vào sáng 19/6, trong đợt họp thứ hai của kỳ họp thứ 5.