1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đề xuất chứng nhận quyền sở hữu công trình là condotel, officetel

Phùng Minh

(Dân trí) - Chủ sở hữu công trình xây dựng là condotel, officetel, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng,... được chứng nhận quyền sở hữu phải đáp ứng đủ điều kiện theo Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các cơ quan, doanh nghiệp và người dân.

Đáng chú ý, dự thảo nghị định đề xuất bổ sung Điều 32a Nghị định 43/2014 của Chính phủ quy định về việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ - khách sạn (condotel), văn phòng lưu trú (officetel), biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch và công trình khác (công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch) trên đất thương mại, dịch vụ

"Chủ sở hữu công trình xây dựng là khách sạn, căn hộ - khách sạn, văn phòng lưu trú, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng, nhà nghỉ du lịch và công trình khác (công trình phục vụ mục đích lưu trú, du lịch) được chứng nhận quyền sở hữu phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản"- dự thảo nêu.

Việc chứng nhận quyền sở hữu được thực hiện theo quy định tại Điều 32 của Nghị định 43/2014.

Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 32 Nghị định 43 phải đúng mục đích và thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Đề xuất chứng nhận quyền sở hữu công trình là condotel, officetel - 1

Dự án condotel "mọc" dày đặc bên đường Trần Phú, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa (Ảnh: Hà Phong).

Lý giải đề xuất này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng thực tế triển khai việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với các công trình nêu trên gặp nhiều khó khăn tại các địa phương.

"Có địa phương chưa triển khai thực hiện được việc cấp Giấy chứng nhận hoặc có địa phương đã triển khai thực hiện được việc cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với các công trình, tuy nhiên không phù hợp với quy định của pháp luật (như xác định loại đất là đất ở hoặc đất ở không hình thành đơn vị ở với thời hạn sử dụng lâu dài), dẫn đến ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư cũng như của người nhận chuyển nhượng quyền sở hữu"- Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay.

Vì vậy, để thống nhất trong cách triển khai thực hiện tại các địa phương và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận cho các loại công trình trên, dự thảo nghị định đã bổ sung thêm Điều 32a vào Nghị định 43/2014.

Tiêu chí cho phép chuyển đổi đất trồng lúa, đất rừng

Dự thảo nghị định cũng bổ sung một điều mới (Điều 69a, Nghị định 43/2014) quy định về các tiêu chí cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích nhằm định chi tiết Nghị quyết số 39/2021 của Quốc hội về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 - 2025.

Cụ thể như sau:

- Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác để thực hiện dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thì phải đảm bảo:

+ Sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch tỉnh, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được phê duyệt và đang còn hiệu lực;

+ Sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được phê duyệt (nếu có);

+ Sự phù hợp với quy định về phương án trồng rừng thay thế đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc văn bản hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác; phù hợp với phương án sử dụng tầng đất mặt theo quy định của pháp luật về trồng trọt đối với dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác.

- Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai thì ngoài các tiêu chí như đối với trường hợp thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thì phải xem xét đến sự phù hợp của mục đích sử dụng đất sau khi chuyển mục đích so với quy định của pháp luật chuyên ngành liên quan đến dự án đầu tư.

Về việc cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do bị mất (Điều 77), dự thảo đã bổ sung quy định theo hướng quy định rõ thời gian niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở UBND cấp xã.

Bổ sung quy định đối với trường hợp thửa đất ở có vườn ao được hình thành trước ngày 18/12/1980 và tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận trước đây người sử dụng đất không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định số 43/2014. Nếu người sử dụng đất có nhu cầu hoặc khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật Đất đai thì được xác định lại diện tích đất ở.

UBND cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện, tập quán và tình hình quản lý đất đai tại địa phương ban hành quy định việc xác định lại diện tích đất ở đối với trường hợp nêu trên bảo đảm không vượt quá diện tích đất ở đối với trường hợp có giấy tờ về quyền sử dụng đất.

"Bỏ cọc" bị cấm tham gia đấu giá đất trong 5 năm

Như Dân trí đã thông tin, tại dự thảo nghị định này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đề xuất: Người trúng đấu giá đất mà không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa thì Nhà nước sẽ thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai và không bồi thường.

Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý hủy kết quả trúng đấu giá không có lý do chính đáng, ngoài tiền đặt trước, người tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền tương đương 50% giá trị quyền sử dụng đất trúng đấu giá và các chi phí đấu giá vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì trong thời gian 5 năm không được tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.