1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đề xuất cho phép người dân được đốt pháo hoa

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Công an cho rằng sử dụng pháo hoa với số lượng nhỏ thì tính nguy hiểm sẽ hạn chế vì đây là sản phẩm không gây tiếng nổ, không có thuốc pháo nổ.

Theo hồ sơ dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 36/2009 về quản lý, sử dụng pháo đang được Bộ Tư pháp thẩm định, từ năm 2009 đến nay các lực lượng chức năng đã vận động nhân dân giao nộp gần 30.000 kg pháo; phát hiện, bắt giữ 19.300 vụ, trên 23.700 đối tượng, thu hơn 369 tấn pháo các loại.

Bên cạnh kết quả đã đạt được thì Nghị định 36 cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu, xây dựng quy định thay thế để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật.

Đơn cử như Nghị định số 36 chưa quy định về công tác quản lý, bảo quản, tiêu hủy pháo, trong khi pháo, thuốc pháo là sản phẩm dễ gây cháy, nổ, nguy cơ mất an toàn cao, ảnh hưởng đến môi trường. Hiện nay Nhà máy Z121 đang được Chính phủ, Bộ Quốc phòng giao sản xuất, cung ứng pháo hoa nổ, pháo hoa phục vụ cho các trường hợp được phép bắn pháo hoa nổ nhưng do chưa có quy định cụ thể về công tác quản lý, bảo quản, tiêu huỷ pháo nên quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Đề xuất cho phép người dân được đốt pháo hoa - 1

Sản phẩm pháo hoa không tiếng nổ của Nhà máy Z121 (Ảnh tư liệu).

Được đốt pháo hoa dịp tết, sinh nhật, cưới hỏi

Dự thảo quy định, pháo bao gồm pháo nổ và pháo hoa. Trong đó, pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây ra tiếng nổ.

Pháo hoa nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây ra tiếng rít, tiếng nổ, hiệu ứng màu sắc trong không gian.

Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo hoa có đường kính dưới 90 mm hoặc tầm bắn dưới 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo hoa có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m…

Góp ý với cơ quan soạn thảo, tỉnh An Giang đề nghị nghiên cứu lại quy định “Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm”.

“Nếu quy định như dự thảo sẽ dẫn đến nhu cầu sử dụng pháo hoa tăng cao, sử dụng tràn lan gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác quản lý”- địa phương này lo ngại.

Tuy nhiên, Bộ Công an cho rằng thực tế hiện nay có nhu cầu sử dụng pháo hoa của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong các dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và không cần xin phép. Vì vậy, dự thảo quy định theo hướng cho phép người dân sử dụng pháo hoa. Mặt khác, sử dụng pháo hoa với số lượng nhỏ thì tính nguy hiểm sẽ hạn chế vì đây là sản phẩm không gây tiếng nổ, không có thuốc pháo nổ.

Về thủ tục cấp giấy phép mua pháo hoa, tỉnh Hoà Bình phản ánh chưa có quy định về thủ tục cấp giấy phép mua pháo hoa trong trường hợp cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng pháo hoa trong dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm.

“Dự thảo quy định theo hướng cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng pháo hoa trong các dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và không cần xin phép”- Bộ Công an giải đáp.

Dự thảo nghị định cũng nhấn mạnh: Tổ chức, doanh nghiệp được nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải duy trì thường xuyên, liên tục các điều kiện về an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa, ứng phó sự cố, bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Đồng thời chỉ được mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo theo giấy phép do cơ quan công an có thẩm quyền cấp…

Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch được giao theo dõi, kiểm tra việc tổ chức bắn pháo hoa nổ của các địa phương; tổng hợp tình hình, báo cáo đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức bắn pháo hoa nổ.

Đồng thời chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hội thi bắn pháo hoa quốc tế tại Việt Nam sau khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép. Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thống nhất báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thay đổi tầm bắn, thời lượng bắn pháo hoa nổ.