TPHCM:
Đề xuất cấm kinh doanh bia rượu sau 23h
(Dân trí) - Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt TPHCM đề nghị nên cấm kinh doanh bia rượu sau 23h để hạn chế tai nạn chết người do bia rượu gây ra, khi người say xỉn điều khiển phương tiện giao thông. Tuy nhiên đề xuất này chưa được TP thông qua.
Theo Ban An toàn giao thông TPHCM, trong 4 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố đã xảy ra hơn 1.500 vụ tai nạn giao thông, làm 247 người chết, bình quân mỗi ngày có 2 người chết vì tai nạn giao thông. Tỷ lệ 2 người chết/ngày vì tai nạn giao thông là mức trung bình trong quý 1/2013, thời điểm tai nạn tăng đột biến do trùng thời gian lễ tết. Sau đó, UBND TP đã có nhiều cuộc họp tháo gỡ và yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp kìm hãm, giảm thiểu tai nạn và số người thương vong.
Tuy nhiên, số tai nạn và số người chết trong tháng 4 vẫn không giảm. Riêng trong tháng 4 đã xảy ra 373 vụ tai nạn làm 67 người chết, cao hơn mức 2 người chết/ngày. Nguyên nhân gây ra tai nạn nhiều nhất vẫn là do sai phạm của người tham gia giao thông như chạy xe không đúng làn đường quy định, chạy ngược chiều; chạy quá tốc độ; uống rượu bia khi tham gia giao thông…
Tại cuộc họp giao ban an toàn giao thông tháng 4 vào ngày 7/5, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín phê bình các quận, huyện để xảy ra tai nạn giao thông tăng và yêu cầu Ban An toàn giao thông thành phố tăng tốc độ triển khai các giải pháp giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông đã được duyệt như gắn camera giám sát tại các điểm đen, trang bị thêm ôtô tuần tra… Ông cũng yêu cầu các địa phương và công an thành phố tăng cường xử lý hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, nhất là trường hợp chạy quá tốc độ, lấn tuyến, uống rượu bia khi tham gia giao thông…
Cũng trong cuộc họp này, thượng tá Trần Thanh Trà, Trưởng phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt TPHCM tiếp tục kiến nghị thành phố xem xét biện pháp quản lý việc kinh doanh bia rượu sau 23h. Trước đó, Phòng CSGT đã đề nghị nên cấm kinh doanh bia rượu sau 23h để hạn chế tai nạn chết người do bia rượu gây ra khi người say xỉn điều khiển phương tiện giao thông.
Theo ông, có đến 70% số vụ tai nạn giao thông là do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Đặc biệt tai nạn nghiêm trọng thường xảy ra vào buổi tối các ngày cuối tuần, khi lượng người tham gia ăn nhậu rồi tham gia giao thông tăng cao. Trong khi đó, dịch vụ kinh doanh bia rượu về đêm ở TPHCM lại tràn lan, khó kiểm soát.
Đề xuất này vẫn chưa được Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín thông qua, vì theo ông nó còn liên quan đến rất nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên, ông cho biết sẽ giao các cơ quan liên quan triển khai nghiên cứu đề xuất này để xem xét tính khả thi. Trong khi chờ đợi giải pháp quản lý hiệu quả, ông đề nghị Công an Thành phố tăng cường công tác kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông để tăng ý thức không uống rượu bia khi tham gia giao thông của người dân.
Tùng Nguyên