Đề xuất Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng vụ hủy giấy khai sinh học sinh lớp 12
(Dân trí) - Chủ tịch Hà Nội đề nghị Bộ Tư pháp miễn bản sao thẻ thường trú và báo cáo Thủ tướng trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định cho học sinh lớp 12 bị hủy giấy khai sinh được nhập quốc tịch Việt Nam.
Liên quan đến việc Hà Nội thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh của cháu T.H.N. (học sinh lớp 12, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) mà Dân trí phản ánh, lãnh đạo UBND TP Hà Nội vừa ký văn bản đề nghị Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định cho cháu Zhang Hao Ran (tên Việt Nam là T.H.N.) được nhập quốc tịch Việt Nam.
Theo UBND TP Hà Nội, ngày 18/6, Bộ Tư pháp có văn bản đề nghị bổ sung hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam của cháu Zhang Hao Ran là bản sao thẻ thường trú.
Đến ngày 12/7, bà Đỗ Hồng Diệp (mẹ cháu N.) có đơn nói rằng không thể xin được cấp thẻ thường trú.
Do cháu Zhang Hao Ran có mẹ đẻ là công dân Việt Nam nên UBND TP Hà Nội khẳng định, căn cứ khoản 1, 2 Điều 19 và khoản 1, 2 Điều 20 Luật Quốc tịch Việt Nam, cháu được miễn điều kiện "đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam và Giấy tờ chứng minh về chỗ ở, thời gian thường trú ở Việt Nam (thẻ thường trú)".
"Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Tư pháp miễn bản sao thẻ thường trú và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định cho ông Zhang Hao Ran được nhập quốc tịch Việt Nam", lãnh đạo Hà Nội nêu trong văn bản gửi Bộ Tư pháp.
Đây là vụ việc rất hi hữu được Dân trí liên tục phản ánh trong thời gian qua, thu hút sự quan tâm của dư luận.
Bà Đỗ Hồng Diệp lấy chồng người Trung Quốc. Năm 2008, do sức khỏe của cháu N. không tốt nên cả gia đình quyết định từ Trung Quốc về Việt Nam sinh sống.
Bà Diệp tới Sở Tư pháp Hà Nội làm các thủ tục và nộp đủ giấy tờ theo yêu cầu để nhập quốc tịch Việt Nam cho con trai.
Sau khi được cấp giấy khai sinh với tên gọi T.H.N., cháu N. đã sinh sống, học tập ổn định, liên tục gần 18 năm ở Hà Nội.
Đến tháng 3 năm nay, UBND TP Hà Nội và Sở Tư pháp Hà Nội ra quyết định thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh đã cấp năm 2008 cho cháu T.H.N. Bà Diệp nói sự việc gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con trai mình.
Con trai bà Diệp không được cấp căn cước; bước vào lớp 12 quan trọng với cuộc đời mỗi con người nhưng vẫn đang "nợ" nhà trường mã số học sinh (chính là 12 số căn cước).
Thậm chí, bà Diệp nói sau khi bị thu hồi giấy khai sinh, hiện nay không rõ tên của con trai mình có còn được coi là T.H.N. hay không?
Suốt thời gian dài vừa qua, gia đình bà Đỗ Hồng Diệp sống trong lo lắng khi cháu N. sắp tới sẽ bước vào hàng loạt cuộc thi quan trọng, ngưỡng cửa tương lai cuộc đời.