Đề xuất 10 nguyên tắc xử lý sai phạm, giải quyết các vụ trong kinh doanh
(Dân trí) - Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân đề xuất 10 nguyên tắc xử lý sai phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh.
Hồ sơ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân vừa được Bộ Tư pháp công bố.
10 nguyên tắc xử lý các sai phạm
Nghị quyết dự kiến áp dụng đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Tại dự thảo, Bộ Tài chính (cơ quan soạn thảo) đề xuất 10 nguyên tắc xử lý các sai phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh:
Thứ nhất, phân định rõ giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm của pháp nhân và trách nhiệm của cá nhân.
Thứ hai, đối với sai phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.
Thứ ba, trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự.

Bộ Tài chính đề xuất một loạt cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công (Ảnh: Lê Hoàng Vũ).
Thứ 4, đối với sai phạm đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.
Thứ 5, không được áp dụng hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Thứ 6, đối với các vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng phải sớm có kết luận và thực hiện công bố công khai kết luận này.
Thứ 7, bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án.
Thứ 8, đảm bảo việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; bảo đảm giá trị niêm phong, kê biên, tạm giữ, phong tỏa tương ứng với dự kiến hậu quả thiệt hại trong vụ án.
Thứ 9, phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản, thu nhập có được từ hành vi vi phạm pháp luật, tài sản khác liên quan đến vụ án; giữa tài sản, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp với tài sản, quyền, nghĩa vụ của cá nhân người quản lý doanh nghiệp trong xử lý các sai phạm và giải quyết các vụ việc.
Thứ 10, sử dụng hợp lý các biện pháp cần thiết để bảo đảm giá trị tài sản liên quan đến vụ án, giảm thiểu tác động của điều tra đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sau khi có ý kiến thống nhất của các cơ quan tố tụng và không ảnh hưởng đến hoạt động điều tra.
Về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra, dự thảo nghị quyết nêu rõ: Không được thanh tra, kiểm tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng.
"Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp", dự thảo nêu.
Dự thảo nghị quyết đề xuất mở rộng trường hợp, căn cứ để tòa án xem xét, quyết định việc giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn đối với các doanh nghiệp. Việc giải quyết này phải bảo đảm rút ngắn tối thiểu 30% về thời gian, điều kiện, trình tự, thủ tục giải quyết so với thủ tục thông thường.
Đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành đến năm 2030
Dự thảo nghị quyết đề xuất các chính sách đặc thù hỗ trợ tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hỗ trợ thuê nhà, đất là tài sản công; hỗ trợ tài chính, tín dụng; hỗ trợ thuế, lệ phí; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số…
Trong đó, các địa phương được sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, vườn ươm công nghệ để các chủ đầu tư này phải cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thuê lại đất khi có nhu cầu.
Doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm khi vay vốn để thực hiện các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG).

"Không được thanh tra, kiểm tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng", dự thảo nêu rõ (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).
"Bãi bỏ hình thức nộp thuế theo phương pháp khoán thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh từ ngày 1/7/2026. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh áp dụng phương pháp khai thuế, tính thuế theo pháp luật về quản lý thuế. Bãi bỏ lệ phí môn bài quy định tại mục 3.III phần B Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Phụ lục số 01 (Danh mục phí, lệ phí) của Luật Phí, lệ phí số 97/2015 từ ngày 1/1/2026", dự thảo nêu rõ.
Đáng chú ý, theo dự thảo, gói thầu sử dụng ngân sách nhà nước có giá không quá 20 tỷ đồng được dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa do thanh niên, phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, người yếu thế, người khuyết tật làm chủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở miền núi, biên giới, hải đảo.
"Bố trí ngân sách nhà nước để triển khai Chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành đến năm 2030. Cung cấp miễn phí một số dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế, nhân sự, pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh", dự thảo nêu.
Ngoài ra, dự thảo cũng đưa ra nhiều chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp vừa và lớn, tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.
Do yêu cầu xử lý những việc cấp bách của đất nước nên dự thảo nghị quyết được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua đối với dự thảo nghị quyết trên tại kỳ họp thứ 9 theo quy trình một kỳ họp.
Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4/5 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững...
Nghị quyết 68 giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo xây dựng, trình Quốc hội ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt ngay trong kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV vào tháng 5.