1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ninh Bình:

“Đệ nhất” tượng, nhà đá Ninh Vân

(Dân trí) - Nếu ai một lần đến Ninh Vân sẽ bị cuốn hút trước những bức tượng, ngôi nhà... làm bằng đá đồ sộ đủ thể loại. Từ tượng đức Bồ tát nhân hậu đến bộ tứ linh thiêng Long - Ly – Quy - Phượng và những ngôi nhà làm bằng đá rực rỡ...

Những công trình kiến trúc độc đáo đó đều bắt nguồn từ đôi bàn tay tài hoa, khéo léo, điêu luyện của người dân xã Ninh Vân, tỉnh Ninh Bình.

Cách thành phố Ninh Bình khoảng 8km, xã Ninh Vân - nơi có nghề trạm khắc cổ truyền nổi tiếng khắp cả nước đang vươn lên mạnh mẽ và từng bước khẳng định thương hiệu “làng đá mĩ nghệ”. Nơi đây hầu như hộ gia đình nào cũng có người theo nghề đục, gọt, mài...đá. Nghề không chỉ góp phần làm cho lao động địa phương có công ăn việc làm tại chỗ ổn định và thu nhập cao mà còn khẳng định vị thế bức tranh quê ngày càng thay da đổi thịt.

Ông Nguyễn Xuân Diệu - Trưởng Ban quản lý làng nghề cho biết: “Ninh Vân được công nhận làng nghề năm 2008. Xã có tất cả 13 thôn thì cả 13 thôn đều theo nghề làm đá. Nghề đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân và đưa Ninh Vân từ một xã nghèo vươn lên làm giàu”.

Ninh Vân được nhiều người biết đến với những bàn tay do người thợ nơi đây nặn lên nhiều công trình kiến trúc độc đáo mang tầm vóc quốc gia như tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng ở TP Hồ Chí Minh, tượng đài nghĩa trang Trường Sơn, tượng Mẹ Suốt ở Quảng Bình, tượng Bác Hồ ở Nghệ An… Không chỉ có thế, Ninh Vân còn lộng lẫy với những ngôi nhà được làm toàn bộ bằng đá có giá trị hàng trăm năm lịch sử nay vẫn giữ nguyên giá trị.

 
Gia đình bác Lương Văn Thiện, chủ nhân của ngôi nhà bằng đá khá độc đáo. Toàn bộ ngôi nhà từ cổng vào đều được xây dựng bằng đá rất tinh xảo, nét và điêu luyện. Bên trong ngôi nhà, tất cả các trụ cột cũng được xây dựng bằng đá, mọi thứ trang trí xung quanh cũng được khoác lên mình bộ áo bằng đá.
 
 Bác Thiện cho biết: “Gia đình tôi là một trong những gia đình hiếm hoi còn lưu giữ được nhà xây bằng đá. Ngôi nhà hiện đã trải qua ba đời, từ đời cụ cố đến nay vẫn nguyên hiện trạng, không cần tu bổ hay cải tạo gì”.

Dọc con đường dẫn vào xã Ninh Vân đâu đâu cũng có hình chạm khắc đủ các thể loại, từ những chú sư tử ngộ nghĩnh đến những tượng đài cao ngất nghểu; từ những cây kiệu hoành tráng với những họa tiết hoa văn độc đáo, đến những con rùa nặng cả ngàn ký…

Những thớ đá to khổng lồ được người dân đục khoét ngày đêm nay đã biến thành những công trình nghệ thuật độc đáo. Đặc biệt, nghề không chỉ dành riêng cho nam giới mà nữ giới cũng tham gia rất đông và hăng say.

Để làm được những công trình có giá trị và ý nghĩa trên, các nghệ nhân của vùng đất nghệ thuật này phải có lòng yêu nghề và biết thổi hồn vào các tác phẩm của mình. Một sản phẩm ra đời phải trải qua rất nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo.

Nói về Ninh Vân, ông Lê Quốc Hội - Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Số nghệ nhân lão làng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Thời gian tới chúng tôi sẽ liên kết với các doanh nghiệp thành lập trang web để vừa lưu giữ, phát triển, vừa quảng bá thương hiệu nghề trạm khắc đá của xã rộng rãi ra các tỉnh khác trong nước và cả Quốc tế. Đồng thời vận động người dân sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật để vừa đảm bảo an toàn, vừa không ảnh hưởng đến môi trường”.

Một số hình ảnh những ngôi nhà, tượng... bằng đá do Dân trí ghi lại giới thiệu cùng bạn đọc:

“Đệ nhất” tượng, nhà đá Ninh Vân - 1
“Đệ nhất” tượng, nhà đá Ninh Vân - 2
“Đệ nhất” tượng, nhà đá Ninh Vân - 3
Bức tượng cụ rùa nặng hàng tấn đang trong giai đoạn hoàn thành
“Đệ nhất” tượng, nhà đá Ninh Vân - 4
“Đệ nhất” tượng, nhà đá Ninh Vân - 5
“Đệ nhất” tượng, nhà đá Ninh Vân - 6
“Đệ nhất” tượng, nhà đá Ninh Vân - 7
“Đệ nhất” tượng, nhà đá Ninh Vân - 8
Toàn bộ hoa văn họa tiết đều được làm bằng đá
“Đệ nhất” tượng, nhà đá Ninh Vân - 9
Ngôi nhà làm bằng đá của gia đình bác Thiện
“Đệ nhất” tượng, nhà đá Ninh Vân - 10
Trải qua hàng trăm năm, phần nóc của ngôi nhà vẫn vẹn nguyên
“Đệ nhất” tượng, nhà đá Ninh Vân - 11
“Đệ nhất” tượng, nhà đá Ninh Vân - 12
Ông Nguyễn Xuân Diệu, trường ban di tích làng nghề giới thiệu về ngôi đình được làm bằng đá
 

Thanh Việt - Nguyễn Duy