1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đề nghị thi hành dứt điểm các bản án hành chính tồn đọng nhiều năm

Thế Kha

(Dân trí) - Bộ Tư pháp đề nghị các bộ ngành, địa phương rà soát, tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực nhưng kéo dài nhiều năm chưa được thi hành xong.

Bộ Tư pháp vừa có công văn gửi các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị quan tâm, phối hợp, chỉ đạo đối với công tác thi hành án hành chính.

Trong đó phải rà soát, tổ chức thi hành, chỉ đạo tổ chức thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của tòa án về vụ án hành chính đã có hiệu lực nhưng chưa được thi hành xong mà người phải thi hành án là cá nhân, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý. Bộ Tư pháp đặc biệt lưu ý những bản án đã kéo dài nhiều năm hoặc đã có quyết định buộc thi hành án hành chính của tòa án.

Đối với những bản án, quyết định có khó khăn, vướng mắc thì các bộ ngành, địa phương chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp và bộ, ngành có liên quan để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đề nghị thi hành dứt điểm các bản án hành chính tồn đọng nhiều năm - 1

Cơ quan thi hành án thành phố Uông Bí, Quảng Ninh họp bàn tháo gỡ các vụ việc phức tạp, tồn đọng trên địa bàn (Ảnh minh họa).

"Chỉ đạo kiểm tra, xem xét và xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý vi phạm nghĩa vụ thi hành án hành chính theo đúng quy định của Luật Tố tụng hành chính, Nghị định số 71/2016 và Chỉ thị số 26/CT-TTg, nhất là đối với những bản án tồn đọng nhiều năm chưa thi hành xong"- Bộ Tư pháp nêu rõ.

Đặc biệt, Bộ Tư pháp đề nghị UBND các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Bình Định, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hải Dương, Phú Thọ, Phú Yên, Trà Vinh, Vĩnh Long căn cứ tình hình thực tế ở địa phương, có văn bản phân công cho một cơ quan tham mưu giúp UBND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý công tác thi hành án hành chính theo quy định.

Các bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo thông tin kịp thời kết quả thi hành án cho tòa án đã xét xử sơ thẩm và cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án đó theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính. Định kỳ 6 tháng, 10 tháng và hàng năm gửi báo cáo công tác thi hành án hành chính về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ và Quốc hội.

Bộ Tư pháp kỳ vọng các bộ ngành, địa phương sẽ quan tâm, phối hợp, chỉ đạo đối với công tác thi hành án hành chính nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính nhà nước; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc chấp hành pháp luật thi hành án hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả đối với công tác quản lý về thi hành án hành chính.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm