Đề nghị tăng phụ cấp cho nhân viên y tế vì "quá thấp, quá lạc hậu"
(Dân trí) - Nhấn mạnh phải có chính sách thỏa đáng với công sức nhân viên y tế đã bỏ ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức đề xuất điều chỉnh phụ cấp đối với đội ngũ này bởi mức hiện nay quá thấp và quá lạc hậu.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ TPHCM chiều 26/10 về tình hình kinh tế - xã hội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức đề xuất điều chỉnh phụ cấp đối với nhân viên y tế.
Nêu quan điểm, ông Thức cho rằng cần có chính sách thỏa đáng với công sức của người lao động như kỹ sư, giáo viên hay nhân viên y tế. Theo vị Thứ trưởng, các khoản phụ cấp cho nhân viên y tế vẫn thực hiện theo Quyết định 73 năm 2011, đến nay đã 13 năm nên rất lạc hậu.
Dẫn chứng, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết mức phụ cấp trực 24/24h hiện nay là 115.000 đồng/người, hỗ trợ tiền ăn 15.000/người đối với bệnh viện hạng 1, hạng đặc biệt.
Mức này quá thấp cho một ca mổ rất khó ở một bệnh viện hạng đặc biệt, theo ông Thức.
Đáng chú ý, với một ca mổ hạng đặc biệt kéo dài 6-8 tiếng, tổng mức phụ cấp là 1.480.000 đồng.
"Ca ghép thận hay phẫu thuật tim đòi hỏi kỹ thuật rất cao, bác sĩ phẫu thuật chính, bác sĩ gây mê chính được bồi dưỡng 280.000 đồng, còn hai bác sĩ phụ mổ, kỹ thuật viên gây mê 200.000 đồng; điều dưỡng 120.000 đồng", Thứ trưởng Bộ Y tế nêu bất cập.
Từ đó, ông kiến nghị Chính phủ chỉ đạo để ngành y tế có cơ sở trình dự thảo nghị định điều chỉnh mức phụ cấp nói trên cho nhân viên y tế.
Chung mối quan tâm, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị trả lời câu hỏi chế độ đãi ngộ cho ngành giáo dục, y tế có gì khác hay không? Nghề nào cũng cao quý nhưng ngành y tế, giáo dục có đặc thù, theo lời nữ đại biểu.
Theo bà, chúng ta vận hành theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các ngành không chờ đến chính sách cứu trợ của Nhà nước hay phụ cấp, mà họ phải tự lo, nhưng họ có sản phẩm.
Còn riêng đối với hai ngành giáo dục và y tế, nếu để tự lo, "giáo dục sẽ ăn trên học sinh và y tế ăn trên người bệnh", theo lời bà Lan.
"Nói thẳng là như vậy, nên chúng ta không thể để tự lo một cách vô tổ chức được, nếu không sẽ diễn ra hệ lụy như vừa qua báo chí phản ánh, rất đau xót", nữ đại biểu đoàn TPHCM nêu quan điểm.
Nhắc lại ý kiến cho rằng không cần đãi ngộ trong ngành giáo dục vì "thầy cô giàu lắm rồi, đi xe hơi đến trường", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan thể hiện không đồng tình, bởi theo bà, đi xe hơi không đánh giá được giàu - nghèo, hơn nữa, đó chỉ là thiểu số.
"Điều cần thiết là phải sống được bằng lương, đặc biệt là đối với những cán bộ y tế, cán bộ giáo dục trẻ mới ra trường", bà Lan nhấn mạnh và cho rằng việc này đã tranh luận rất nhiều, từ khi GS Nguyễn Thiện Nhân làm Bộ trưởng Giáo dục đã đưa ra mục tiêu giáo viên sống được nhờ lương, nhưng đến nay vẫn chưa đạt được.
Ngoài chính sách lương riêng, nữ đại biểu kiến nghị cần quan tâm chính sách về tuyển dụng đối với hai ngành đặc thù như y tế và giáo dục.