Muốn nâng tỷ suất sinh nhưng đảng viên sinh con thứ ba vẫn kỷ luật?
(Dân trí) - Nghịch lý này được đại biểu Quốc hội chỉ ra khi thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội. Đại biểu đề xuất bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba nhằm thay đổi quan điểm về chính sách dân số.
Tình hình kinh tế - xã hội là một trong những nội dung lớn được đại biểu Quốc hội bàn thảo trong phiên họp tổ sáng 26/10.
Tại tổ TPHCM, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan chỉ ra nghịch lý khi Việt Nam đang nỗ lực nâng cao tỷ suất sinh, nhưng đảng viên sinh con thứ ba vẫn bị kỷ luật.
"Cán bộ đảng viên sắp đến kỳ bổ nhiệm mà sinh con thứ ba thì… coi như xong", bà Lan nói và dẫn chứng có gần đến đại hội đảng bộ cơ sở, có cán bộ không có khuyết điểm gì nhưng vẫn bị đơn thư vì sinh con thứ ba.
Thậm chí, bà Lan cho biết có trường hợp đảng viên sinh con thứ ba là do "tai nạn", dù có dùng biện pháp tránh thai. Việc này sau đó được xác nhận bằng cách bác sĩ phải làm việc với cơ quan chức năng để xem việc cấp giấy chứng nhận mang thai ngoài ý muốn như vậy có đúng hay không.
Từ bất cập trong thực tế đã chỉ ra, đại biểu Lan đề nghị sớm sửa đổi quy định kỷ luật đảng viên vì sinh con thứ ba, bởi giai đoạn hiện nay đã khác với trước, khi tỷ suất sinh của Việt Nam đang xuống thấp, cần thay đổi quan điểm và chính sách.
Đây cũng là đề xuất được đại biểu Quốc hội Nguyễn Thiện Nhân (nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM) từng nhiều lần đề cập. Theo ông, do tỷ suất sinh của Việt Nam đang giảm nhanh, các cấp có thẩm quyền cần sớm sửa quy định để tháo gỡ rào cản, xóa bỏ tâm lý cho cán bộ, đảng viên trong việc sinh con thứ ba.
Bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ ba, theo ông Nhân, còn nhằm truyền thông đến người dân về chính sách dân số trong tình hình mới.
Vị đại biểu dẫn chứng năm 2023, mức sinh của Việt Nam là 1,96, trong khi mức sinh thay thế lý tưởng là 2,1 con trên mỗi phụ nữ. Ông cho biết cách đây 7 năm, Trung ương yêu cầu giữ vững tổng tỷ suất sinh thay thế nhưng đến nay đã không giữ được.
Vì thế, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Chính phủ bổ sung chỉ số tổng tỷ suất sinh thay thế vào báo cáo kinh tế - xã hội để có biện pháp nâng mức sinh.
Theo ông, đây là chỉ tiêu hệ trọng quốc gia, liên quan đến phát triển con người và bền vững của đất nước.
Bên cạnh đó, vị đại biểu TPHCM kiến nghị Chính phủ sớm công bố mức sống tối thiểu và tiền lương đủ sống tối thiểu. "Lương đủ sống tối thiểu là một người đi làm nuôi được người phụ thuộc và nuôi được con. Khi đó chúng ta mới nâng được tỷ suất sinh", ông Nhân nói và cho rằng nếu không công bố chỉ số này sẽ không có cách nào nâng cao tỷ suất sinh.
Trước đó, tại hội thảo "Góp ý, hoàn thiện chính sách trong Luật Dân số và gợi ý chính sách chuyển đổi nhân khẩu học của các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương" hồi đầu tháng 8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết công tác dân số đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có mức sinh thay thế chưa thực sự bền vững.
Theo bà Hương, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ là 1,96 và tỷ lệ tăng dân số là 0,84% năm 2023. Đồng thời, bà cho biết xuất hiện xu hướng mức sinh xuống thấp và chênh lệch về mức sinh giữa các vùng.
Trong khi đó, già hóa dân số tăng nhanh, chưa có các giải pháp đồng bộ để phát huy hiệu quả lợi thế của thời kỳ cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số.
Trước thực trạng đó, Bộ Y tế khi được giao chủ trì xây dựng Dự án Luật Dân số đề xuất quy định quyền quyết định của cặp vợ chồng, cá nhân trong việc sinh con, thời gian sinh con, số con và khoảng cách giữa các lần sinh, nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước.
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, cho rằng các nội dung liên quan đến việc xử phạt cặp vợ chồng sinh con thứ ba là quy định đã được áp dụng nhiều năm qua nhưng từng thời kỳ cần có những chính sách khác nhau phù hợp với thực tế và sự phát triển.
Việc không quy định số con, theo ông, sẽ giúp người dân có thể chủ động về thời gian sinh con, số lượng con… Từ đó, tình trạng mức sinh thay thế giảm có thể được khắc phục phần nào.