1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đề nghị giám sát giá điện bán lẻ để người tiêu dùng không bị thiệt

Thế Kha

(Dân trí) - Hội Bảo vệ người tiêu dùng đề nghị có cơ chế giám sát giá điện bán lẻ bình quân để người dùng không bị thiệt, tránh tình trạng lạm dụng giá khi đầu vào giảm nhiều nhưng giá bán lẻ giảm ít.

Quan điểm đó được Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đưa ra khi góp ý cho dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 24/2017 của Thủ tướng quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, do Bộ Công Thương chủ trì xây dựng và vừa gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định.

"Việc tăng/giảm giá là những sự thay đổi diễn ra hàng năm, cần được kiểm tra, giám sát như nhau", Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nêu quan điểm.

Trong hồ sơ dự thảo gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công Thương cho biết đã quy định mọi trường hợp điều chỉnh đều có sự giám sát.

Đề nghị giám sát giá điện bán lẻ để người tiêu dùng không bị thiệt - 1

Bộ Công Thương khẳng định đã xây dựng quy định mọi trường hợp điều chỉnh giá điện đều có sự giám sát (Ảnh minh họa: An Linh).

Cụ thể, khi giá điện được điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5%, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng. Sau khi tăng giá phải lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để kiểm tra, giám sát. 

Khi giá điện tăng từ 5% đến dưới 10% và trong khung giá, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận. Sau khi tăng giá, EVN lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước để kiểm tra, giám sát.  

Trường hợp giá điện tăng từ 10% trở lên hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô thì Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước kiểm tra, rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến.

Dự thảo cũng bổ sung trách nhiệm của Tổng cục Thống kê trong việc đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đến các chỉ số giá tiêu dùng (CPI), chỉ số giá sản xuất (PPI) và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để minh bạch hơn quy trình điều chỉnh giá điện.

 3 lần điều chỉnh tăng giá điện

Bộ Công Thương cho biết, thực hiện cơ chế điều chỉnh giá điện theo quy định tại Quyết định 24/2017, trong các năm 2017-2023, giá bán điện được điều chỉnh 3 lần.

Lần thứ nhất, tăng giá điện 6,08% lên 1.720,65 đồng/kWh, áp dụng từ ngày 1/12/2017.

Lần hai, tăng giá điện 8,36% lên mức 1.864,44 đồng/kWh, áp dụng từ 20/3/2019.

Lần ba, tăng giá điện 3% lên mức 1.920,37 đồng/kWh, áp dụng từ 4/5/2023.

Các nguyên tắc và cơ chế được phê duyệt tại Quyết định số 24/2017 đã tạo cơ sở pháp lý cho việc điều hành linh hoạt, hiệu quả giá bán điện. Giá bán điện đã được điều chỉnh kịp thời khi có sự biến động của các thông số đầu vào, gồm giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ và cơ cấu sản lượng điện phát, một cách rõ ràng và minh bạch.

Trong quá trình làm việc với Thanh tra Chính phủ về kiểm tra việc điều chỉnh giá điện năm 2019 Thanh tra Chính phủ đã trao đổi với Bộ Công Thương về việc hoàn thiện cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện tại Quyết định số 24/2017.