1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đề nghị chuyển quyền xét thưởng danh hiệu thi đua toàn quốc cho Chủ tịch nước

(Dân trí) - Theo Hiến pháp, Chủ tịch nước thay mặt nhà nước xét tặng thưởng cho bất kỳ tập thể, cá nhân nào xứng đáng. Không nhất thiết để Chính phủ thống nhất quản lý về vấn đề này vì mọi việc sẽ dồn về Thủ tướng…

Chiều 22/10, Quốc hội dành thời gian thảo luận, cho ý kiến về dự thảo luật Thi đua khen thưởng. Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật do Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai trình bày nêu rõ định hướng đổi mới như nâng cao tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng; phân cấp và mở rộng thẩm quyền khen thưởng đối với một số hình thức khen thưởng; tăng thời gian xét tặng đối với các danh hiệu như “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và “Anh hùng lao động”...

Các vấn đề quy định cụ thể hình thức khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp giữ như tinh thần pháp luật hiện hành. Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng giữ quan điểm tăng tỷ lệ khen thưởng đối với kết quả lao động sáng tạo; giảm bớt hình thức khen thưởng cấp nhà nước; quy định thống nhất các hình thức khen thưởng trong hệ thống chính trị và đối với các tổ chức, cá nhân.
Đề nghị chuyển quyền xét thưởng danh hiệu thi đua toàn quốc cho Chủ tịch nước
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy: "Nên tránh tình trạng hàng năm trên khen, dưới thưởng, chồng chéo, tràn lan, lãng phí".

Chủ nhiệm Trương Thị Mai nhận định, quy định của dự thảo Luật đã đảm bảo mối quan hệ gắn kết giữa thi đua và khen thưởng. Đối với cá nhân, tuy không lấy danh hiệu thi đua làm căn cứ để xét khen thưởng nhưng trên thực tế các cá nhân được suy tôn, khen thưởng đều thông qua các phong trào thi đua, được bình xét, tôn vinh trong phong trào thi đua; nhiều trường hợp khen đột xuất được phát hiện từ các phong trào thi đua.

Trình ra Quốc hội lần này, dự luật đã được rà soát, nghiên cứu, quy định cụ thể hơn, theo hướng nâng cao tiêu chuẩn đối với các danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”, “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Lao động tiên tiến”, đồng thời bổ sung tiêu chuẩn của “Chiến sĩ thi đua cơ sở” đối với các đối tượng trong quân đội nhân dân và công an nhân dân trên cơ sở Luật hóa quy định của các Nghị định hiện hành; cụ thể hóa tiêu chuẩn “Lao động tiên tiến” đối với công nhân, nông dân, người lao động...

Đề xuất “nới” định kỳ xét danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn quốc” từ mỗi năm một lần lên mức 5 năm một lần, nhận được nhiều sự ủng hộ, tán thành của các đại biểu.

Đại biểu Khúc Thị Dềnh (Thái Bình) lại tỏ ý băn khoăn với quy định về “chiến sỹ thi đua toàn quốc”. Theo quy định, xét cho các cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong những cá nhân có 2 lần liên tục để đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua của cấp bộ, cấp ngành, cấp tỉnh, cấp đoàn thể, cấp trung ương. Quy định về sự liên tục này, theo đại biểu, có thể cũng rất ảnh hưởng tới thành tích vì tính ra, phải đạt 6 năm chiến sỹ thi đua cấp cơ sở thì mới đạt thi đua cấp tỉnh, cấp ngành. Mà nếu 1 năm không đạt khó có thể đạt được tiêu chí 2 lần liên tục. Khi đó, để cố “nuôi” thành tích, các địa phương, đơn vị có thể phát sinh lắt léo, tiêu cực để chạy xét duyệt danh hiệu.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) chỉ ra điểm bất cập khi nhiều hình thức khen thưởng phụ thuộc vào năm công tác. Ông Sơn lấy ví dụ đối với các lao động nữ, số năm công tác không thể bằng nam được, cho nên nếu cũng theo cùng một tiêu chuẩn thì sẽ không đảm bảo khuyến khích được cán bộ nữ.

Trường hợp khác, cán bộ nữ hầu hết đều phải trải qua những giai đoạn nghỉ thai sản đến 6 tháng trong một năm. Như vậy khi xét cuối năm có thể lao động nữ đó không được xét vì nghỉ thời gian dài nhưng 6 tháng còn lại trong năm, cán bộ đó đều làm việc hết sức tích cực, lập được rất nhiều thành tích tốt. Bình luận quy định chưa đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, ông Sơn chỉ rõ, việc đó sẽ không có tác dụng động viên khuyến khích giới nữ.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) kiến nghị thay đổi quy định về thẩm quyền xét khen thưởng. Theo đại biểu, không nhất thiết để Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về vấn đề này vì như thế mọi việc sẽ dồn về Thủ tướng. Trong khi đó, Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước về đối nội và đối ngoại. Do đó, Chủ tịch nước thay mặt nhà nước, căn cứ quy định của pháp luật xét tặng thưởng cho bất kỳ tập thể, cá nhân nào xứng đáng. Đại biểu phân tích, chức năng, nhiệm vụ này của Chủ tịch nước đã được quy định trong Hiến pháp.

Đại biểu đề xuất, đối với phần về khen thưởng nhà nước, tất cả các loại huân chương, huy chương, danh hiệu vinh dự nhà nước là thẩm quyền của Chủ tịch nước đối với toàn xã hội. Còn phần thi đua, nếu là những danh hiệu thi đua trong phạm vi toàn quốc vẫn thuộc thẩm quyền Chủ tịch nước, còn lại phân theo nhánh, cơ quan nào quản lý cán bộ, công chức có hình thức khen thưởng và hình thức tặng thưởng thì cơ quan đó được khen thưởng.

Mặt khác, nữ đại biểu lưu ý, khen thưởng còn liên quan đến ngân sách, cụ thể là việc phân bổ ngân sách hàng năm của từng cơ quan, đơn vị, tránh tình trạng trên khen, dưới thưởng, đồng thời qua đó cũng sẽ quản lý chặt chẽ, tránh chồng chéo, phân tán, tránh tràn lan.

P.Thảo