1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đề án quy hoạch báo chí khiến anh em báo chí “tâm tư”

(Dân trí) - Tại buổi gặp mặt Kỷ niệm 90 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức chiều 19/6, Tổng biên tập Báo Tiền Phong chia sẻ, đề án quy hoạch lại báo chí đang khiến anh em trong giới báo chí có “nhiều tâm tư”.

“Người phát ngôn” không bao giờ nói gì!

“Người phát ngôn” không bao giờ nói gì!

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết cả nước hiện có 849 cơ quan báo chí in với 1.111 ấn phẩm; 66 Đài Phát thanh - Truyền hình với hơn 100 kênh truyền hình, hơn 90 kênh phát thanh trong nước và 40 kênh truyền hình nước ngoài phát tại Việt Nam; 98 báo chí điện tử, 250 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí, hơn 1.500 trang thông tin điện tử tổng hợp. Đội ngũ những người làm báo Việt Nam cũng không ngừng lớn mạnh. Hiện có hơn 3 vạn người đang làm việc tại các cơ quan báo chí, trong đó có hơn 20.000 trực tiếp là phóng viên, biên tập viên, 18.000 người đã được cấp thẻ nhà báo; hơn 95% những người làm báo có trình độ đại học, trên đại học.

“Đến nay, hơn 95% dân số đã được nghe đài, xem truyền hình; 36% dân số truy cập thông tin hàng ngày trên internet”- ông Son cho biết.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Sơn (Ảnh: Ngô Xuân Lộc).
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son (Ảnh: Ngô Xuân Lộc).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước đang chịu nhiều tác động bởi truyền thông, số hóa, sự bùng nổ thông tin đòi hỏi các cơ quan quản lý, cơ quan báo chí, những người làm báo Việt Nam hơn lúc nào hết cần nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, trau dồi nghiệp vụ và đạo đức, đấu tranh với các luận điệu sai trái, định hướng dư luận xã hội. Đồng thời nghiêm khắc với hạn chế, yếu kém của chính mình, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Chính phủ và nhân dân.

Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân Phạm Văn Huấn và Tổng biên tập Báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn đều bày tỏ lo ngại về cơ chế cung cấp thông tin cho báo chí hiện nay. “Nhiều trường hợp chậm xử lý, chậm cung cấp thông tin khiến mạng xã hội, cơ quan truyền thông nước ngoài thông tin trước, đẩy chúng ta rơi vào thế bị động thông tin và phải làm thông tin chạy theo. Trong thời buổi bây giờ một cái tin “sống” được vài giờ mà mất vài ngày để xác minh thì không còn là thông tin nữa. Một số bộ ngành đã phát huy tốt về cơ chế phát ngôn nhưng vẫn có hiện tượng Bộ trưởng giới thiệu “đây là người phát ngôn” nhưng không bao giờ thấy họ nói gì”- ông Lê Xuân Sơn nói.

Ông Lê Xuân Sơn cho rằng việc người dân chuyển sang đọc báo điện tử khiến các tờ báo giấy rất khó khăn, còn công ty phát hành tư nhân cũng không sống nổi. “Chủ một công ty phát hành tư nhân lớn nhất ở Miền Nam mà tôi gặp năm ngoái đã nói họ bị giảm 40% lượng phát hành. Tuy nhiên thực tế là phần lớn nhân dân không có điều kiện tiếp cận với báo chí, khi cần nắm rất kỹ thông tin nào đó thì các phương tiện như truyền hình, phát thanh qua đi rồi không thể lấy lại được nữa”- ông Sơn nói.

Bên cạnh đó, ông Lê Xuân Sơn thừa nhận đề án quy hoạch lại báo chí đang khiến anh em trong giới báo chí có “nhiều tâm tư”. “Chúng ta có nhiều cơ quan báo chí thật, nhưng tôi đọc được thông tin về số lượng đầu báo trên đầu người ở nước ta rất thấp so với các nước trên thế giới. Nếu loại bỏ thì tỷ lệ đó còn thấp hơn nữa, sẽ ảnh hưởng tới truyền tải thông tin. Tôi nghe còn có chủ trương mỗi cơ quan chủ quản chỉ có một cơ quan báo chí cũng băn khoăn, bởi nếu cơ quan báo chí mạnh thì có lý do để tồn tại dù cùng cơ quan chủ quản với những tờ báo khác. Nếu cứ chủ trương và làm không cân nhắc hết tất cả các khía cạnh, những tờ báo mạnh, đang phát huy tác dụng, đóng góp cho ngành tư tưởng rất lớn thì lại có thể bị nghiên cứu sắp xếp. Đó là điều chúng tôi rất băn khoăn, mong được Thủ tướng ghi nhận”- ông Lê Xuân Sơn bày tỏ quan điểm.

Theo ông Nguyễn Quang Thông - Tổng biên tập Báo Thanh Niên - ngoài những cơ quan báo chí được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước với những mức độ khác nhau, còn lại các cơ quan báo chí phải tự chủ tài chính và đưa sản phẩm ra thị trường. “Đây là sản phẩm hàng hóa đặc biệt, không thoát khỏi quy luật thị trường. Quy hoạch báo chí sắp tới phải tính tới quy luật thị trường, sản phẩm báo chí ít được dư luận quan tâm, chấp nhận thì không hoàn thành nhiệm vụ chính trị”- ông Thông nêu quan điểm.

Quy hoạch báo chí: Vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Trước kiến nghị, phản ánh của lãnh đạo các cơ quan báo chí, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tiến hành sửa đổi Luật Báo chí phải làm sao để tạo điều kiện cho báo chí phát triển, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.

“Phải tạo điều kiện để báo chí lớn mạnh hơn, hoạt động của nghề báo tốt hơn, đảm bảo sự quản lý của Đảng và Nhà nước, nhưng cũng đảm bảo quyền tự do ngôn luận của người dân theo quy định của Hiến pháp”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Về quy hoạch báo chí, Thủ tướng cho biết mục đích là để báo chí làm tốt hơn chức năng nhiệm vụ, vai trò của mình; giúp báo chí phát triển nhanh mà vững chắc hơn. “Cách làm quy hoạch, chúng tôi có giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng đề án, lấy ý kiến địa phương, bộ ngành, trình Bộ Chính trị 2-3 lần rồi mới trình Trung ương. Trung ương cơ bản đồng tình, giao Chính phủ triển khai phê duyệt quy hoạch, thực hiện. Vừa rồi họp Chính phủ, chúng tôi yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông trên cơ sở đề án trình Trung ương làm việc với từng cơ quan xem cơ quan đó đề xuất giải pháp, lộ trình thế nào, để từ đó tổng hợp nên. Khi Thủ tướng phê duyệt thì đồng thuận, cùng nhau chung sức làm, vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh”- Thủ tướng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Sơn (Ảnh: Ngô Xuân Lộc).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết mục đích của việc quy hoạch lại báo chí là để báo chí làm tốt hơn chức năng nhiệm vụ, vai trò của mình; giúp báo chí phát triển nhanh mà vững chắc hơn (Ảnh: Ngô Xuân Lộc).

Thủ tướng lấy ví dụ về trường hợp Trung ương Đoàn hiện có các tờ báo như Tiền Phong, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Hoa Học Trò, ngoài báo in còn có báo điện tử. “Chúng tôi yêu cầu Trung ương Đoàn và Bộ Thông tin và Truyền thông ngồi với nhau xem phát triển thế nào đi. Tinh thần là phải chấp hành chủ trương của Trung ương để người làm báo phát huy tốt hơn. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh cho phù hợp”- Thủ tướng cho biết.

Liên quan đến vấn đề cung cấp thông tin cho báo chí, Thủ tướng Chính phủ nói: “Việc cung cấp thông tin bây giờ không kịp thời thì gay go. Sai sót của báo chí cũng một phần do khuyết điểm chậm cung cấp thông tin. Vừa nghe hai máy bay đụng nhau, tôi điện ngay cho Bộ trưởng Quốc phòng yêu cầu cung cấp thông tin ngay đi, đừng để 2-3 ngày sau mới cung cấp. Chính phủ đã quán triệt cái này rồi, nhưng làm sao cho nhanh nhạy với thời đại thông tin bây giờ, ta không đưa thì người khác đưa, khi nói lại rất khó vì mạng bây giờ rất nhanh. Việc này sẽ tính toán lại thêm, bởi như vấn đề biển đảo, chủ quyền quốc gia phải yêu cầu nhanh nhạy, kịp thời, chính xác nhưng lại còn cả yêu cầu đối ngoại nữa”.

Thủ tướng cho biết Chính phủ có người phát ngôn của Chính phủ. Cổng thông tin điện tử Chính phủ luôn có thông cáo báo chí cập nhật từng sự kiện và đăng tải công khai, kịp thời. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng các Bộ và địa phương cần phải chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. “Có thể chủ động mời báo chí tới để cung cấp thông tin, góp phần định hướng đúng đắn, vừa thực hiện quyền được thông tin của người dân, vừa góp phần cho báo chí thực hiện nhiệm vụ.

          Lợi dụng báo chí để chi phối quyền lực xã hội

Nhà báo Hữu Thọ - nguyên Trưởng ban Văn hóa Tư tưởng Trung ương - cho biết thế giới đã tổng kết có 3 thứ chi phối xã hội: thế lực chính trị, tài chính và truyền thông. “Hai thế lực kia đang lợi dụng báo chí truyền thông để chi phối quyền lực xã hội. Người làm báo không cảnh giác đã bị lợi dụng ngoài mong muốn chuẩn mực đạo đức của mình. Bài viết, ngòi bút không trung thực, không “phò chính trừ tà”, thấy việc làm đúng đắn tốt đẹp phải hết lòng ủng hộ, thấy việc ác độc bất nhân phải cực lực phê phán”- nhà báo Hữu Thọ nói. 

Theo ông, chúng ta đang sống chung với thế giới mạng có đặc thù ẩn danh và tự do cá nhân, không chịu trách nhiệm. “Người phát ngôn nào cũng không thể đi nhanh được so với tin đồn thông tin trên mạng, xấu tốt giả thật lẫn lộn. Trong cuộc hội thảo vừa rồi, những đại biểu đến từ nước Đức cũng nói đó là thách thức lớn cho đạo đức của người làm báo ở Đức, thách thức toàn cầu. Chúng ta phải có chế tài ngay, lọc cái xấu tiếp thụ cái tốt, lọc cái thật bỏ cái giả. 

Việc làm báo sau laptop, chỉ cần có máy tính là có thể sao chép đã tạo ra lớp phóng viên lười nhác đi thực tế, không gặp người nào vẫn có những bài báo, làm hư hỏng đội ngũ, không gắn với thực tế”- nhà báo Hữu Thọ thẳng thắn.

 Thế Kha