1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

ĐBSCL sản xuất lúa vụ 3: “Không khéo sẽ tự nguyện uống thuốc độc...”

(Dân trí) - Câu chuyện ĐBSCL tăng diện tích lúa thu đông đang tạo ra nhiều dư luận trái chiều về tính hiệu quả của nó. Đây là vụ lúa mà nhiều nông dân ví von là “đánh bài cào” với ông Trời, còn chuyên gia thì nói nếu "không khéo sẽ tự nguyện uống thuốc độc..."!

Cuối tháng 10/2014, hàng ngàn nông dân thu hoạch lúa trong thời tiết mưa giông chịu thiệt hại nặng nề. Vì vậy dư luận càng "soi" vào chủ trương khuyến khích tăng diện tích lúa vụ 3.

Thực tế việc làm lúa vụ 3 lâu nay tạo ra dư luận trái chiều khá gay gắt. Trong đó, cho rằng việc khai thác triệt để làm lúa vụ 3 sẽ kéo theo nhiều hệ lụy: đất bạc màu, hệ sinh thái đa dạng sẽ bị đe dọa: tận dụng diện tích sản xuất làm lúa vụ 3 sẽ làm giảm nguồn lợi về thủy sản.

Nông dân Hậu Giang cắt lúa vụ ba bị đổ sập do thời tiết
Nông dân Hậu Giang cắt lúa vụ ba bị đổ sập do thời tiết

Thế nhưng, chủ trương của Cục Trồng trọt là khuyến khích tăng diện tích lúa vụ 3 trong năm nay. Theo Cục Trồng trọt, diện tích gieo sạ lúa vụ 3 ở ĐBSCL vượt qua ngưỡng 800.000 ha. Đây được xem là diện tích lớn nhất của lúa vụ 3 từ trước tới nay! Điều này hoàn toàn trái ngược với sự “lo lắng” của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát hồi tháng 3/2014: “Vừa thu hoạch xong lúa đông xuân, nông dân Đồng Tháp đã xuống giống 30.000 ha lúa hè thu. Điều này sẽ tạo thêm áp lực cho khâu tiêu thụ lúa hàng hóa”!

Ngày 15/3, tại hội nghị, sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo vùng ĐBSCL, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận đồng ý với chủ trương giảm 112.000 ha đất trồng lúa ở ĐBSCL. Nhưng cũng lưu ý, giảm những diện tích ở những nơi năng suất thấp để trồng màu hoặc thủy sản mà có thị trường. Chính phủ sẽ có chính sách hỗ trợ cho vùng chuyển đổi đất lúa. Nay Cục Trồng trọt lại khuyến khích tăng diện tích lúa vụ 3 và kèm theo khuyến cáo “ở những vùng có đê bao chống lũ vững chắc”!

Chưa vui gì giá, thì hàng ngàn nông dân Hậu Giang phải khổ sở thu hoạch lúa lúa vụ 3 khi dính mưa dầm. Nông dân Hậu Giang đã thu hoạch hơn 2.000 ha lúa vụ 3 trong số hơn 50.000 ha lúa vụ 3 đã gieo sạ. Hiện thương lái mua lúa của nông dân tại ruộng với giá dao động từ 4.600 đồng – 5.000 đồng/kg (tùy theo giống lúa). “Với năng suất khoảng 800 kg/công, bán lúa tươi với giá 4.600 đồng/kg, tính ra một héc-ta gia đình tôi đạt lợi nhuận khoảng 20 triệu, cao gấp 3 lần nông dân trồng mía hiện nay” – lão nông Sáu Nam ở huyện Vị Thủy – Hậu Giang cho biết. Đây là những nông hộ may mắn thu hoạch lúa vào những ngày nắng.

Ở chiều ngược lại nhiều nông dân cũng đang “dở khóc, dở cười” vì lúa vụ 3 bị sập trầm trọng trên diện rộng. Đây là rủi ro lớn nhất trong sản xuất lúa vụ 3 hiện nay, thường xuyên đối diện với thời tiết mưa giông liên tục, lũ sớm, triều cường chụp đồng. Trong một tuần qua, trên địa bàn tỉnh liên tục xuất hiện mưa dầm, khiến diện tích lúa sập gia tăng nhanh. “Cách đây hơn 10 ngày, thương lái đến đặt cọc mua với giá 4.600 đồng/kg. Song, khi lúa bị sập thương lái hạ giá mua xuống chỉ còn 3.100 đồng/kg, giảm 1.500 đồng/kg. Chẳng biết nói sao bây giờ” – lão nông Trần Văn Bảnh ở huyện Vị Thủy Hậu Giang chua chát nói”.

 Chớ vội “hám giá” trước mắt!

Thực tế, Cục Trồng trọt có khuyến cáo tăng hay giảm diện tích lúa vụ 3 chỉ là “định hướng kỹ thuật”, quyết định quan trọng vẫn là người nông dân làm chủ trên chính mảnh đất của họ. Những năm trước, lúa vụ 3 cũng chỉ được khuyến khích sản xuất ở vùng có đê bao vững chắc. Nhưng nông dân vẫn xuống giống làm tuốt ở vùng chưa có đê bao an toàn.

Những nông dân này “bị gọi là xé rào” xuống giống lúa vụ 3 ngoài vùng đê bao an toàn. Và trong số đó, nhiều nông dân vùng Tứ giác Long Xuyên lãnh đủ khi An Giang xả lũ, nước chụp đồng gây thiệt hại cho nông dân trồng lúa vùng Kiên Giang. Có lúc lãnh đạo hai tỉnh này phải “ngồi lại” để bàn thời điểm xả lũ! Đáng suy nghĩ hơn, trong 3 năm gần đây, một số địa phương liên tục bị vỡ đê ở khu vực sản xuất lúa vụ 3, gây thiệt hại nặng nề cho nông dân. Đây là hậu quả nhãn tiền khi thân đê mềm, yếu nhưng địa phương vẫn bất chấp để nông dân sản xuất lúa vụ 3.

Một chuyên gia nước ngoài khuyến cáo vựa lúa ĐBSCL nên nhìn nhận lại quá trình sản xuất lúa lúa, gạo trong hai thập niên qua ai thắng, ai thua và những được mất của tài nguyên môi trường. Dễ thấy nhất tác hại của việc làm lúa vụ 3 là nguồn tài nguyên thủy sản cạn kiệt. Khi lượng cá tự nhiên cạn kiệt của tác động đến sinh kế của nhiều người sống bằng nghề khai thác thủy sản. “Làm lúa vụ 3 là không hiệu quả nhưng phải đánh đổi rất lớn. Xuống gặp nông dân, họ nói: mấy thầy nói tôi cũng không tin lắm!? Có thể nói, việc sản xuất lúa vụ 3, phải tăng chi phí do nông dân bón thừa phân bón, gây ô nhiễm môi trường” – tiến sĩ Nguyễn Văn sánh (Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL) chỉ ra những tác hại của làm lúa vụ 3.

“Cần phải tính toán chỉ sản xuất 2 vụ, thậm chí 1 vụ (thay vì 3 vụ/năm như hiện nay). Xin đừng ngó lơ vấn đề khí thải do nông nghiệp thải ra. Phải thuyết phục chính nông dân và chính quyền địa phương nhận ra vấn đề. Làm lúa ít đi, đồng thời tăng cường sinh kế bằng các giải pháp khác để tăng thu nhập thêm cho nông dân” - GSTS Võ Tòng Xuân nhận định.

“Làm lúa 3 vụ, có lợi trước mắt, sau đó có hại. Nói chung là chúng ta “tự nguyện uống thuốc độc để chết từ từ” – ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang ví von một cách chua xót cho hệ lụy của việc sản xuất lúa vụ 3.

Cao Phong - Phạm Tâm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm