1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

ĐBSCL: 5 năm đầu tư hơn 52.000 tỷ đồng cho giao thông đường bộ

(Dân trí) - Chiều 10/12, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức tổng kết 5 năm (2010 – 2015) công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải vùng Tây Nam Bộ.

 


Cầu Cần Thơ, một trọng những công trình giao thông đường bộ trọng điểm được khánh thành năm 2010

Cầu Cần Thơ, một trọng những công trình giao thông đường bộ trọng điểm được khánh thành năm 2010

Theo báo cáo của Bộ GTVT, trong lĩnh vực đường bộ: Từ năm 2010 đến nay, vùng ĐBSCL đã đầu tư hoàn thành khoảng 34 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 52.471 tỷ đồng. Trong đó khoảng 1.036 km đường và 60,2 km cầu được đầu tư xây dựng và nâng cấp mở rộng.

Một số dự án quan trọng như cầu Cần Thơ, cầu Hàm Luông, cầu Cổ Chiên, cầu Năm Căn, cầu Rạch Miễu, cầu Mỹ Lợi, tuyến cao tốc Hồ Chí Minh – Trung Lương, đường Quản  Lộ - Phụng Hiệp, đường Nam Sông Hậu, mở rộng QL1 Cần Thơ - Phụng Hiệp, nâng cấp các quốc lộ: QL91 đoạn Châu Đốc - Tịnh Biên – Hà Tiên, QL53, QL54...

Hiện Bộ GTVT đang tiếp tục triển khai 24 dự án trong thời gian tới, trong đó có 6 dự án sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước; 6 dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; 5 dự án sử dụng nguồn vốn ODA; 7 dự án đầu tư theo hình thức BOT.

Ở lĩnh vực đường thủy, đã hoàn thành dự án nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư 787 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên một số đoạn của các tuyến đường thủy nội địa Trung ương đang được tiến hành nạo vét duy tu hàng năm đảm bảo an toàn giao thông thủy, phát huy lợi thế sông nước của vùng ĐBSCL để tăng thị phần vận tải bằng đường thủy nội địa.


Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị chiều 10/12

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị chiều 10/12

Đối với hàng không, giai đoạn 2010-2015 đã hoàn thành 4 dự án với tổng mức đầu tư 5.331 tỷ đồng, gồm: Dự án cải tạo, nâng cấp đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay CHKQT Cần Thơ bằng nguồn vốn TPCP; đài kiểm soát không lưu CHK Cần Thơ bằng nguồn vốn của Tổng công ty quản lý bay Việt Nam; nhà ga hành khách - CHKQT Phú Quốc và xây dựng đường đường hạ cất cánh, đường lăn, sân đỗ máy bay - CHKQT Phú Quốc bằng nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam.

Đặc biệt giao thông nông thôn, từ năm 2008 đến nay, Chính phủ đã đầu tư cho ĐBSCL xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo được khoảng 44.084 km đường giao thông nông thôn, tổng số 19.877 cây cầu với tổng kinh phí đầu tư ước tính khoảng 24.379 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 12/2014, toàn vùng có 344/1.284 xã đạt chuẩn tiêu chí số 2 về giao thông trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới (19 tiêu chí).

Phát biểu tại hội nghị Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: Việc phát triển hạ tầng giao thông vận tải là hết sức quan trọng, không những góp phần phát triển kinh tế - xã hội mà còn giúp cho vấn đề an ninh chính trị của vùng. Vì vậy, nhiều dự án đã được triển khai, đặc biệt là các công trình lớn, công trình có tính cấp bách.

Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh chỉ đạo: Tới đây, các dự án cần tăng cường triển khai theo hình thức xã hội hoá và đa dạng hoá các phương thức đầu tư. Ngoài ra, đơn vị đầu tư, ngành chức năng cần có cái nhìn xa hơn, để không lãng phí các dự án và có tính đến những tác động biến đối khí hậu…

Phạm Tâm

 

ĐBSCL: 5 năm đầu tư hơn 52.000 tỷ đồng cho giao thông đường bộ - 3