"ĐBQH trẻ em" tự tin khi hóa thân thành lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ

Hoài Thu

(Dân trí) - Tại phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận sự chững chạc, phong thái tự tin của đại diện trẻ em cả nước, khi đóng vai lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ...

Điều này được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi phát biểu tại Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ nhất, ngày 10/9.

Theo Chủ tịch Quốc hội, mô hình phiên họp Quốc hội giả định nhằm thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích của trẻ em, hướng trẻ trở thành những công dân có trách nhiệm với đất nước, xã hội và khả năng trở thành những nhà lãnh đạo trong tương lai.

ĐBQH trẻ em tự tin khi hóa thân thành lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ - 1

Toàn cảnh phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ nhất (Ảnh: Nghĩa Đức).

Nghị quyết của phiên họp giả định là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ và các ban, ngành, đoàn thể nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình ban hành chính sách về vấn đề liên quan đến trẻ em.

Chia sẻ với các đại biểu Quốc hội trẻ em tại phiên họp giả định, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ biểu dương thành tích, sự nỗ lực của các em.

Theo ông, các đại biểu trẻ em đã thể hiện sự chững chạc, phong thái tự tin, có suy nghĩ chín chắn, sâu sắc khi đóng vai những đại biểu Quốc hội, thậm chí lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ trong điều hành, thảo luận, và có nhiều đề xuất, kiến nghị rất xác đáng để giải quyết những vấn đề của trẻ em.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn các đại biểu Quốc hội trẻ em tiếp tục phấn đấu, có hoài bão, ước mơ, sau này đóng góp thật nhiều cho sự phát triển của đất nước.

Ông Huệ kỳ vọng trong số các đại biểu Quốc hội trẻ tham dự chương trình sẽ có nhiều cháu khi trưởng thành, qua quá trình rèn luyện, phấn đấu, nhận được sự tín nhiệm của nhân dân và trở thành đại biểu Quốc hội thực sự.

ĐBQH trẻ em tự tin khi hóa thân thành lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ - 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Phiên họp giả định (Ảnh: Nghĩa Đức).

Theo ông Huệ, những ý kiến thảo luận tại Phiên họp giả định, và đặc biệt là Nghị quyết của phiên họp giả định, sẽ là cơ sở để Quốc hội, Chính phủ và các ban, ngành, đoàn thể nghiên cứu, tiếp thu, có sự chuẩn bị tốt hơn trong quá trình ban hành các chính sách pháp luật về các vấn đề có liên quan tới trẻ em.

Nhấn mạnh Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em, ông Huệ cho biết Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để khẳng định các quyền của trẻ em và trách nhiệm của các cơ quan trong chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Dù vậy, Chủ tịch Quốc hội nhìn nhận công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ trẻ em vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng trẻ bị bạo lực, xâm hại, tai nạn, thương tích còn xảy ra ở nhiều địa phương; rất nhiều trẻ đang bị ảnh hưởng tiêu cực từ những thông tin trên mạng Internet; tình trạng trẻ em thiếu các sân chơi lành mạnh, bổ ích, an toàn còn khá phổ biến.

"Thực trạng đó cho thấy chúng ta còn rất nhiều việc phải làm để bảo vệ và chăm sóc tốt hơn nữa cho thế hệ tương lai của đất nước", theo lời Chủ tịch Quốc hội.

ĐBQH trẻ em tự tin khi hóa thân thành lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ - 3

Các đại biểu Quốc hội trẻ em tại phiên họp giả định (Ảnh: Nghĩa Đức).

Ông Huệ yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, tổ chức chính trị - xã hội, tăng cường giám sát việc thực hiện quyền trẻ em, kịp thời tổ chức các phiên giải trình về những vấn đề thời sự cấp bách có liên quan đến trẻ em.

Trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu nghiên cứu để đưa quy trình thẩm tra nội dung bảo đảm quyền trẻ em thành một khâu bắt buộc trong hoạt động lập pháp, tương tự việc thẩm tra về bình đẳng giới hiện nay.

Đối với Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ để giải quyết những vấn đề nổi lên trong công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, nhất là những vấn đề các em đã kiến nghị tại phiên họp Quốc hội giả định.