Chủ tịch Quốc hội: "Sách giáo khoa không chỉ là học liệu đơn thuần"
(Dân trí) - Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sách giáo khoa thể chế hóa nội dung cốt lõi của chương trình giáo dục, dù không thể thay thế vai trò người thầy nhưng không thể nói đó chỉ là học liệu đơn thuần.
Chiều 14/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận nội dung giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Nghị quyết 88 và Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông là đúng đắn. Song việc cải cách không thể ngày một ngày hai, phải vừa làm vừa điều chỉnh, không nóng vội.
Phát hiện, ngăn chặn hành vi sai phạm còn hạn chế
Dù vậy, Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại như công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra chưa tiến hành thường xuyên. Việc phát hiện, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tiêu cực, sai phạm còn hạn chế.
"Điển hình, thời gian qua, một số lãnh đạo sở GD&ĐT, Nhà xuất bản Giáo dục bị xem xét xử lý kỷ luật, thậm chí bị xử lý hình sự", Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ chủ trương "một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa" và mục tiêu cải cách chuyển trọng tâm từ cung cấp kiến thức sang nâng cao năng lực và phẩm chất của người học.
Cho biết có ý kiến băn khoăn chương trình giáo dục phổ thông ban hành chưa thử nghiệm nhưng đã áp dụng đại trà, Chủ tịch Quốc hội góp ý, cần cầu thị xem xét, điều chỉnh.
Về vấn đề chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là chủ trương đúng, tuy nhiên cần phải đánh giá kỹ cách hiểu về Nghị quyết số 88 của Quốc hội khóa XIII. Tinh thần là xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nhưng vẫn phải bảo đảm Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục.
Theo Nghị quyết 88, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa đầy đủ từ lớp 1 đến lớp 12. Các tổ chức, cá nhân khác được khuyến khích tham gia biên soạn sách giáo khoa, một hoặc một số đầu sách theo khả năng, không nhất thiết phải biên soạn đầy đủ một bộ sách giáo khoa.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị lưu ý thực trạng mà Đoàn giám sát đã chỉ ra và yêu cầu thống nhất để Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết về vấn đề này.
"Sách giáo khoa thể chế hóa nội dung cốt lõi của chương trình giáo dục, dù không thể thay thế vai trò người thầy nhưng không thể nhận xét đó chỉ là học liệu đơn thuần", theo lời Chủ tịch Quốc hội.
Không có bộ sách giáo khoa Nhà nước sẽ tạo ra vấn đề gì?
Từ kết quả giám sát, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị, nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương về việc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị nội dung một bộ sách giáo khoa của Nhà nước.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề nghị "hết sức cân nhắc", bởi việc này không chỉ ảnh hưởng lớn tới chủ trương xã hội hóa trong biên soạn và phát hành sách giáo khoa, mà hệ trọng hơn, có thể tác động tới tinh thần đổi mới về mặt phương pháp.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phân tích, theo Nghị quyết 122 năm 2020, khi biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu một môn học đã có ít nhất một bộ sách thì không biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách Nhà nước.
"Việc chưa ban hành được bộ sách theo quy định Nghị quyết 88, Quốc hội đã xem xét nguyên nhân, lý do về việc chậm trễ", theo ông Tùng.
Khi giám sát về nội dung này, ông Tùng đề nghị cân nhắc. "Thay vì đánh giá Bộ Giáo dục chưa ban hành được, chưa xây dựng bộ sách, nên phân tích hạn chế không có bộ sách giáo khoa Nhà nước sẽ tạo ra vấn đề gì vướng mắc", ông nêu quan điểm.
Ông cũng đồng tình với Bộ trưởng Sơn, qua những bất cập nảy sinh trong việc biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, có nhiều cách để giải quyết, không phải chỉ có một giải pháp là biên soạn bộ sách của Nhà nước.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh (Phó trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát) nhấn mạnh, trong Nghị quyết 88, Quốc hội giao Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa.
Sau đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết 122 quy định nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một bộ sách giáo khoa được kiểm định, phê duyệt theo Luật Giáo dục, sẽ không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách Nhà nước.
"Chương trình giáo dục phổ thông mang tính pháp lệnh và chỉ quy định khung kiến thức, còn nội dung kiến thức phổ thông đặc biệt quan trọng, thể hiện trong sách giáo khoa. Nếu Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ giữ vai trò phê duyệt khung nội dung kiến thức như hiện nay, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội xem xét vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng, phát triển nội dung kiến thức phổ thông", ông Vinh nói.
Sau phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết nhất trí với các nội dung cơ bản trong dự thảo Nghị quyết kết quả giám sát chuyên đề.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để hoàn thành dự thảo Nghị quyết.