1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Dạy viết chữ “Người” giữa đầm lầy

8 năm trước, gần nghìn học viên cai nghiện ma túy tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội (GDLĐXH) Hải Phòng “nổi loạn”, đập phá tài sản, tấn công cán bộ rồi phá trại, trốn ra ngoài, gây náo loạn kinh hoàng trên địa bàn xã Gia Minh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Dạy viết chữ “Người” giữa đầm lầy

Ông Nguyễn Mạnh Cường (trái, ảnh) - người cai nghiện thành công và xin ở lại trung tâm hướng dẫn các học viên làm gốm xuất khẩu. Ảnh: Chí Tùng

 

Nay, trung tâm ấy đã không cần hàng rào bảo vệ, vì hơn 1.000 mảnh đời lầm lạc vì ma túy đang quyết tâm ở lại học lại cách làm người và xây dựng khu đầm lầy, nước lợ này thành một khu sinh thái lớn nhất Hải Phòng.

 

Giám đốc bất đắc dĩ

 

Trung tâm GDLĐXH Hải Phòng, thuộc Tổng đội TNXP Hải Phòng nằm tận nơi “cuối đất, cùng trời” là khu vực đầm lầy, nước lợ hoang vu của huyện Thủy Nguyên. Sau khi xảy ra sự kiện “nổi loạn” ngày 28.4.2005 với gần một nghìn con nghiện phá trại trốn ra ngoài, các cơ quan chức năng ở Hải Phòng đã có kết luận nguyên nhân là do cơ sở vật chất thiếu thốn, người nghiện được giữ trong những căn phòng chật chội, tối tăm, tứ bề đầm lầy, nước lợ, cách biệt với thế giới bên ngoài, cán bộ lại đối xử với học viên bằng dùi cui và mệnh lệnh...

 

Trong ngày phá trại ấy, tôi gặp một người đi lẫn vào “đoàn quân nghiện” là trung tá Nguyễn Quang Toàn - Đội trưởng đội truy nã, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm hình sự, Công an Hải Phòng. Khi đó, ông Toàn được Công an Hải Phòng yêu cầu có mặt ngay tại điểm nóng để nắm tình hình. Chính sự “nhập vào đoàn quân nghiện” ấy của ông Toàn, toàn bộ những đối tượng cầm đầu gây rối đã được xác định và bị công an Hải Phòng bắt lại ngay sau đó.

 

“Những tưởng như thế là nhiệm vụ của tôi đã hoàn thành, nào ngờ cái ngày định mệnh đó đã buộc chặt cuộc đời tôi với trung tâm này” - ông Toàn có vẻ chưa thôi ấm ức vì bị điều động về Trung tâm GDLĐXH.

 

Ông kể: “Sau khi bắt được những kẻ cầm đầu phá trại, Công an Hải Phòng đã biệt phái tôi về làm Phó Giám đốc trung tâm 6 tháng. Là dân truy bắt tội phạm, tôi chẳng khoái tý nào khi về ngồi một chỗ, nhưng nhiệm vụ giao thì phải làm. Hết thời hạn tôi xin về, nhưng lãnh đạo CA Hải Phòng lại yêu cầu ở lại thêm một thời gian vì sau vụ học viên phá trại, cán bộ trung tâm hoang mang, bỏ đi nhiều. Rồi Giám đốc trung tâm chuyển công tác, thế là tôi trở thành  giám đốc bất đắc dĩ...”.

 

 

Học viên luyện tập yoga để rèn luyện tinh thần, sức khoẻ.
Học viên luyện tập yoga để rèn luyện tinh thần, sức khoẻ.

 

Lấy chí nhân để thay cường bạo

 

Từ một khu đầm lầy, nước lợ hoang vu, cách biệt với thế giới bên ngoài giờ đây đã trở thành một khu sinh thái, chăn nuôi lớn nhất Hải Phòng. Học viên, cán bộ sống với nhau, chăm sóc nhau như người trong một nhà. Giám đốc Nguyễn Quang Toàn nói: Hiếm nơi nào phức tạp như ở đây vì có tới 70% số người vào cai nghiện có tiền án tiền sự, là những tay giang hồ cộm cán; trên 40% số người nghiện nhiễm HIV/AIDS và rất nhiều người đã mắc AIDS ở giai đoạn cuối. Hầu hết những người này khi vào trung tâm, nhân cách đã biến dạng. Nhiều người còn chẳng màng đến sự sống và cái chết nên sống bất cần đời, luôn gây gổ đánh nhau và gây sự với cán bộ.

 

“Nhiều gia đình đã coi họ là đồ bỏ đi, là mầm độc hại và tai họa của xã hội nên xa lánh họ. Vậy phải làm gì để giúp đỡ những người này trở về cộng đồng mà không mang họa cho xã hội? Câu hỏi ấy cứ làm tôi trăn trở mãi” - ông Toàn tâm sự.

 

Thế rồi với kinh nghiệm của hơn 20 năm làm công an, hiểu rõ tâm lý tội phạm, ông đã có cách hành xử khiến tất cả các trại viên từ những kẻ giang hồ cộm cán đến những cậu ấm không may vướng vào ma túy cũng đều nể phục.

 

“Gần 60 tuổi, 35 năm nghiện ma túy và hơn 30 năm ngồi tù ở đủ các trại giam vì phạm nhiều loại án, tôi chưa từng gặp một con người nào hảo hán như ông Toàn” - ông Nguyễn Mạnh Cường - học viên đã cai nghiện thành công và đang tình nguyện ở lại Trung tâm để lao động sản xuất - nói về giám đốc của mình.

 

Ông Cường nhớ lại: Ngày ông ấy mới về, học viên đánh nhau và trốn trại xảy ra như cơm bữa. Một hôm, ông ấy đề nghị tập hợp tất cả các trại viên trước sân trung tâm rồi nói: “Ở đây có nhiều anh tự cho rằng mình giỏi đánh nhau nên hay gây lộn, vậy anh nào giỏi võ nhất lên đây, đánh tay đôi sòng phẳng với tôi một trận, nếu tôi thua, mai tôi không làm ở đây nữa”.

 

Nói rồi ông ấy cởi áo chờ. Cả ngàn con người ngồi dưới im thít. Không thấy ai đứng lên, ông ấy bắt đầu thuyết một hồi về cuộc sống, về gia đình, vợ con và nhân cách của người nghiện. Tôi cứ tưởng ông ấy chỉ giỏi bắn súng và đánh võ, nào ngờ ông ấy nói hay thế, khiến bản thân tôi lúc ấy cũng mủi lòng, tủi thân. Ông Toàn nói thêm một hồi nữa đã thấy nhiều người khóc.

 

Rồi ông hỏi lớn: “Các anh có phải là đồ bỏ đi không? Có muốn làm lại cuộc đời không? Có quyết tâm không? Nếu quyết tâm, tôi sẽ giúp các anh làm lại”. Tiếng hô “có” ở dưới vang dậy.

 

Ông hỏi tiếp: “Vậy thì từ mai có trốn trại, có đánh nhau không?” “Không!” - tiếng ở dưới vang lên. “Vậy từ mai sẽ phá bỏ hàng rào trại, ai thích làm người thì ở lại, ai không thích thì trốn hẳn đi đừng để tôi phải đi bắt lại. Nếu lên cơn vật quá thì tự lấy xích, xích chân lại ở trong phòng, không ra ngoài. Tất cả có đồng ý không?’ “Đồng ý!”.

 

Ông Toàn nói tiếp: “Từ mai, tất cả cán bộ phải chăm sóc học viên như chăm sóc người thân của mình, bất kỳ cán bộ nào có hành vi sỉ nhục hay dùng vũ lực với học viên, tôi sẽ kỷ luật nặng”.

 

Tưởng ông ấy đùa, hôm sau ông cho các trại viên đã cắt cơn nghiện ra phá bỏ hàng rào thật. Vài tháng sau thấy tình hình yên ổn, một hôm, ông Toàn thu hồi hết tất cả dùi cui và công cụ hỗ trợ của cán bộ và yêu cầu nhà bếp bổ sung vào tất cả các suất ăn một cái đùi gà thật to.

 

Hôm sau, ông lại cho tập hợp tất cả học viên lại và hỏi: “Hôm qua các anh ăn gì đấy? Trả lời: “Ăn đùi gà ạ”. “Ăn có ngon không?”. “Ngon lắm ạ”. “Không phải đùi gà đâu, các anh ăn dùi cui đấy, trại bán hết dùi cui để mua đùi gà cho các anh ăn rồi.”. Những tràng cười nắc nẻ ở dưới vang lên.

 

Ông Toàn bồi tiếp: “Ăn hết dùi cui rồi thì đừng làm gì để phải đi mua lại nhé”. Sau đó, cứ ngày 4 buổi, ông Toàn cho loa phát thanh của trung tâm phát những bài hát, những mẩu chuyện xúc động về tình cha con, tình vợ chồng và đạo đức làm người... “Nghe mãi như thế, đến đá cũng phải mòn nên chúng tôi chẳng ai bảo ai đều động viên nhau dứt bằng được ma túy để sớm về với gia đình’ - ông Cường thổ lộ.

 

Đất chết hồi sinh

 

“Sau khi người nghiện được điều trị cắt cơn theo đúng phác đồ của Bộ Y tế sẽ được luyện tập thể dục, thể thao, tham gia lao động sản xuất với một công việc phù hợp với sức khỏe và trình độ để họ có nghề sinh sống, đủ tự tin sau khi tái hòa nhập cộng đồng” - ông Phạm Hải Anh - Phó Giám đốc trung tâm - hào hứng kể. Ông Hải Anh dẫn chúng tôi đi một vòng quanh trung tâm đẹp như một công viên với hàng nghìn giò lan đang trổ hoa và ríu rít tiếng chim rừng.

 

“Từ ngày về quản lý, ông Toàn đã huy động công sức học viên quy hoạch và xây dựng mấy trăm hécta đầm lầy nước lợ của trung tâm thành các ao thả cá, khu trồng nấm rơm, trồng rau, nuôi giun đất, nuôi lợn rừng, nuôi lợn thịt quy mô công nghiệp, nung vôi, làm vàng mã xuất khẩu sang Đài Loan, đóng giày, làm gốm sứ, nuôi chim và thú rừng, trồng lan... mang lại hiệu quả kinh tế hàng tỉ đồng mỗi năm, nên học viên nào cũng có việc làm và họ đều được trả lương từ những thành quả lao động ấy”.

 

Ở lại một ngày ở trung tâm này, tôi lại phát hiện ra một điều bất ngờ nữa là 100% các học viên được tắm nước nóng quanh năm mà nguồn nhiệt đun nước chính là từ những lốp xe hỏng do cán bộ trung tâm đi thu gom về. Trung tâm còn tổ chức một khu “chợ nghĩa tình” để các học viên bày bán các sản phẩm do chính họ chăn, nuôi và sản xuất được cho những người đến thăm thân nhân, tạo không khí gắn kết giữa các học viên với cộng đồng xã hội. Có lẽ môi trường sống yên lành, lý tưởng như vậy, nên đến nay có hàng chục học viên sau khi cai nghiện thành công đã xin ở lại lao động sản xuất và đã được trung tâm chấp thuận, được cấp thẻ bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ hưu trí.

 

Tôi xin mượn lời Quốc Vụ khanh - Thượng tướng nước LB Nga Saponop - khi đến thăm trung tâm ngày 21.4.2010 để khép câu chuyện này: “Thay mặt đoàn đại biểu cơ quan kiểm soát ma túy Liên bang Nga, tôi xin chúc mừng nồng nhiệt các bạn - những người làm việc vô giá vì lợi ích của dân tộc Việt Nam. Chúng tôi mong rằng mỗi thành công của các bạn sẽ góp phần cho thế giới tốt lành, tươi đẹp và thịnh vượng hơn”.

 

Theo Ngô Chí Tùng
 Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm