Đẩy mạnh thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế
(Dân trí) - Quý I năm nay, Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo, tập trung giải quyết các vụ thi hành án trọng điểm, phức tạp, kéo dài và đẩy mạnh thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Tại buổi họp báo thông tin về kết quả công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ quý I/2025, sáng 16/1, đại diện Bộ Tư pháp cho biết năm qua công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Các cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện xong gần 620.700 việc (tăng trên 45.800 việc so với năm 2023 và cao hơn 0,63% so với chỉ tiêu được giao); thi hành xong hơn 116.500 tỷ đồng (tăng hơn 27.000 tỷ đồng so với năm 2023).
Bộ Tư pháp đã phối hợp xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Quy định số 183/2024 quy định bảo vệ các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Công tác phối hợp với các bộ, ngành và cấp ủy địa phương tiếp tục được thực hiện kịp thời, chặt chẽ, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành án.
"Nhờ đó, kết quả thi hành án dân sự năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay, nhất là thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế", đại diện Bộ Tư pháp nhấn mạnh.
Thông tin về những nhiệm vụ trong quý I năm nay, đại diện Bộ Tư pháp nói sẽ tiếp tục chỉ đạo và tổ chức thi hành án, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu được giao năm 2025. Trong đó tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đẩy mạnh thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, Bộ Tư pháp sẽ tập trung xây dựng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án, văn bản, đề án do bộ chủ trì.
Cụ thể gồm: Nghị quyết của Quốc hội giải quyết vướng mắc, phát sinh trong các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi); Luật Tương trợ tư pháp về dân sự; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2026, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; Đề án "Định hướng xây dựng pháp luật của Chính phủ trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI".
Đặc biệt, Bộ Tư pháp tập trung rà soát cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, đề xuất và triển khai các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bảo đảm tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với quy định, chỉ đạo của Trung ương.
Công tác quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp… theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, thanh tra… tạo thuận lợi tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp cũng sẽ được tăng cường.
Giúp người dân thuận lợi trong thực hiện các quyền dân sinh
Bộ Tư pháp đánh giá, năm 2024 công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tiếp tục được triển khai thực hiện nề nếp, kịp thời giải quyết các nhu cầu của người dân, bám sát các nhiệm vụ giao tại các đề án trong lĩnh vực này.
Việc triển khai Đề án "Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc" được tập trung triển khai thực hiện, nổi bật là phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử được kết nối, chia sẻ dữ liệu thông suốt với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Từ việc số hóa sổ hộ tịch và thực hiện liên thông 2 nhóm về đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí,… đã giúp cho người dân ngày càng thuận lợi trong việc thực hiện các quyền dân sinh.