DNews

Tổng cục trưởng Thi hành án nói về áp lực vụ Vạn Thịnh Phát, FLC, Thuận An

Thế Kha

(Dân trí) - Kế hoạch thu hồi tài sản trong các đại án như Vạn Thịnh Phát, FLC, "chuyến bay giải cứu", Alibaba, Tập đoàn Thuận An, Đại Ninh… sẽ được ngành thi hành án triển khai như thế nào?

Tổng cục trưởng Thi hành án nói về áp lực vụ Vạn Thịnh Phát, FLC, Thuận An

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Quang Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), nói gặp nhiều áp lực, căng thẳng khi thu hồi tài sản hàng loạt "đại án" như Vạn Thịnh Phát, FLC, "chuyến bay giải cứu"…

Vì sao kết quả thu hồi tài sản liên tục vượt kế hoạch?

 2-3 năm vừa qua, kết quả thi hành án dân sự (THADS) đều vượt kế hoạch, đạt kết quả cao nhất từ trước đến nay. Đâu là những nguyên nhân dẫn tới kết quả ấn tượng đó, thưa ông?

- Đúng là trong những năm gần đây, kết quả THADS của toàn hệ thống luôn đạt, vượt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, đặc biệt năm 2024 kết quả thi hành án về việc, về tiền đạt cao nhất từ trước đến nay: Thi hành xong đạt tỷ lệ 83,86% về việc, tăng gần 46.000 việc và đạt 51,46% về tiền, tăng gần 28.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Đây là kết quả đáng mừng, góp phần quan trọng bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước, quyền và lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân, thực thi công lý, góp phần xây dựng một xã hội trật tự, kỷ cương và ổn định.

Kết quả thi hành án đó cũng giúp khơi thông, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua hoạt động thu hồi nợ, giảm nợ xấu và mở rộng tín dụng, bảo vệ quyền chủ nợ và thu hồi nợ của các tổ chức tín dụng hay nâng cao an sinh xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thông qua xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật.

Tổng cục trưởng Thi hành án nói về áp lực vụ Vạn Thịnh Phát, FLC, Thuận An - 1

Ông Nguyễn Quang Thái trao đổi với phóng viên Dân trí (Ảnh: Thế Kha).

Để đạt được kết quả trên, hệ thống THADS đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về thi hành án luôn được Chính phủ, Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS đặc biệt quan tâm, coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Các nội dung liên quan đến THADS trong Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Đất đai, Luật Đấu giá tài sản... cũng được sửa đổi nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn về pháp luật.

Chúng tôi cũng chú trọng công tác chỉ đạo điều hành. Ngay từ đầu năm, Tổng cục THADS đã ban hành chương trình hành động và giao chỉ tiêu nhiệm vụ; định kỳ hàng quý tổ chức giao ban với các địa phương để kiểm đếm, đôn đốc công việc.

Chúng tôi cũng chỉ đạo kiểm tra, tự kiểm tra nhằm phát hiện vi phạm, nhất là những vi phạm trong đôn đốc tổ chức thi hành án và xử lý nghiêm các chấp hành viên chậm tác nghiệp, để hồ sơ lâu không tổ chức thi hành.

Những khó khăn, vướng mắc của địa phương về nghiệp vụ cũng được hướng dẫn kịp thời. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được chú trọng.

Đặc biệt, Tổng cục đã xác định những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo, trong đó tập trung vào các vụ án lớn, phức tạp, nhất là việc liên quan đến các khoản trong án tín dụng, án hình sự về kinh tế, tham nhũng. Riêng 2 loại án này có số thi hành xong trên 50.000 tỷ đồng, chiếm trên 42% tổng số thi hành xong của các loại án.

Tổng cục cũng chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ số vụ việc có điều kiện đã ra quyết định thi hành án trên một năm chưa thi hành xong. Do đó, kết quả thi hành án đã được nâng cao đáng kể.

Bên cạnh việc tăng cường phối hợp với các bộ, ngành ở Trung ương, Tổng cục THADS đã chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương tranh thủ sự ủng hộ, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành liên quan trong khối nội chính; thường xuyên có văn bản thông báo kết quả đến cấp ủy, UBND các cấp để thông tin và đề nghị phối hợp chỉ đạo thi hành án trên địa bàn.

Nhìn lại nhiều năm về trước có thể thấy không ít vụ có tỷ lệ thu hồi tài sản đạt kết quả không cao, thu hồi được rất ít tài sản như vụ Đinh La Thăng (cựu Bí thư Thành ủy TPHCM), Dương Chí Dũng (cựu Chủ tịch Vinalines), Trịnh Xuân Thanh (cựu Chủ tịch Tổng công ty PVC), Phạm Thị Bích Lương (cựu Giám đốc Agribank Nam Hà Nội)... Có phải sau khi có Chỉ thị 04 của Ban Bí thư về phối hợp thu hồi tài sản tham nhũng, kết quả THADS đã có những chuyển biến rõ nét?

- THADS là khâu cuối cùng, khép lại hoạt động của cả quá trình tố tụng. Trong vụ án hình sự nói chung và tham nhũng, kinh tế nói riêng có liên quan đến chủ thể khá đặc biệt, thường "rơi" nhiều vào các chủ thể am hiểu pháp luật, có vị trí quan trọng trong các cơ quan tổ chức.

Xưa ông bà ta có câu "bứt dây, động rừng". Trong lĩnh vực này cũng vậy, vụ án hình sự ngay từ giai đoạn đầu của quá trình tố tụng (thậm chí tiền tố tụng), chỉ cần có thông tin liên quan thì các đối tượng sẽ tẩu tán, dịch chuyển... Nếu không làm tốt khâu kiểm soát ngay từ đầu thì đến khi THADS sẽ không còn tài sản để thi hành.

Tổng cục trưởng Thi hành án nói về áp lực vụ Vạn Thịnh Phát, FLC, Thuận An - 2

Thông tin chưa thu hồi được trên 591 tỷ đồng của ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang thu hút sự quan tâm của dư luận (Ảnh: Phú Thọ)

Nhận thức rõ yêu cầu đó, khi chưa có Chỉ thị số 04-CT/TW/2021 của Ban Bí thư, các cơ quan tiến hành tố tụng đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn. Đến khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 04 thì nhiệm vụ này càng được coi trọng hơn.

Đây được coi như là trách nhiệm và phương châm hành động của các cơ quan tố tụng, và thực tế đã phát huy hiệu quả khi cùng một lúc vừa điều tra tội phạm vừa tiến hành áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng có liên quan đến bồi thường.

Ông có thể dẫn chứng một số vụ việc đạt kết quả thu hồi tài sản nhiều nhất trong thời gian qua?

- Có thể kể đến một số vụ việc thu hồi được giá trị tài sản rất lớn vừa qua như vụ Tân Hoàng Minh đã thi hành được 8.575 tỷ đồng; vụ Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn với giá trị thu hồi trên 7.335 tỷ đồng; vụ Tổng công ty sản xuất, xuất nhập khẩu Bình Dương với giá trị thu hồi 1.300 tỷ đồng...

Có thể lập Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương thi hành các vụ đặc biệt phức tạp, giá trị lớn

 Kế hoạch thu hồi tài sản trong các đại án như FLC, "chuyến bay giải cứu", Alibaba, Vạn Thịnh Phát, Tập đoàn Thuận An, dự án Đại Ninh (Lâm Đồng)… đã và đang được các ông chuẩn bị như thế nào?

- Đối với các đại án, Tổng cục THADS đã chỉ đạo cơ quan THADS trong phạm vi thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng khi nhận bàn giao tang vật cần rà soát, đối chiếu, phân loại tiền, tài sản, vật chứng cũng như các vấn đề về kỹ thuật khác để bảo đảm có thể tổ chức thi hành được ngay khi bản án có hiệu lực.

Chúng tôi cũng yêu cầu xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể, xác định các giải pháp, chuẩn bị sẵn các điều kiện cần thiết về con người, vật chất để kịp thời tiếp nhận, ra quyết định và tổ chức thi hành.

Trường hợp cần thiết có thể nghiên cứu, tham mưu thành lập Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương để tổ chức thi hành vụ việc đặc biệt phức tạp, giá trị lớn.

Đơn cử như trong vụ Vạn Thịnh Phát, Tổng cục THADS đã chỉ đạo Cục THADS TPHCM chủ động phối hợp nghiên cứu, rà soát toàn bộ bản án, dự liệu những vấn đề khó khăn, vướng mắc, giải pháp và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thi hành.

Đồng thời tổ chức rà soát, phân loại tài sản phải thi hành án theo tiêu chí về đơn vị hành chính, đối tượng phải thi hành án, tài sản chung, tài sản riêng, tài sản theo loại đất để tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức và kiểm soát quá trình xử lý tài sản đảm bảo thi hành án.

Tổng cục trưởng Thi hành án nói về áp lực vụ Vạn Thịnh Phát, FLC, Thuận An - 3

Vạn Thịnh Phát được coi là vụ lớn nhất trong lịch sử ngành thi hành án dân sự. Trong ảnh, bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tại phiên tòa mới đây (Ảnh: Trịnh Nguyễn).

Tổng cục cũng sẽ chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, phòng ngừa và xử lý vi phạm trong công tác thu hồi tài sản, nhất là công tác thẩm định giá, bán đấu giá tài sản. Kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong công tác thu hồi tài sản.

Toàn ngành sẽ tranh thủ kịp thời và tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp, nhất là sự vào cuộc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế.

Đi liền với đó, chúng tôi cũng yêu cầu phát huy hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp liên ngành ở Trung ương và địa phương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, hỗ trợ tối đa các nguồn lực đảm bảo cho các cơ quan THADS hoàn thành nhiệm vụ. Đặc biệt là phối hợp với các VKSND trên địa bàn để chủ động kiểm sát hồ sơ các vụ việc đưa tài sản ra bán đấu giá, đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật.

Về phía tổng cục sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác thu hồi tài sản.

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm và xử nghiêm minh cán bộ vi phạm

Thống kê mới đây cho thấy một Chấp hành viên trung bình phải thực hiện 233 vụ thi hành án, tương ứng trên 127 tỷ đồng. Đó là một áp lực không hề nhỏ để hoàn thành các nhiệm vụ được giao?

- Đây quả là khó khăn, thách thức đối với toàn hệ thống, nhất là những địa bàn trọng điểm, có số lượng án nhiều, án lớn, án phức tạp thì không chỉ là 233 mà là hơn 400, thậm chí có nơi Chấp hành viên còn nhận nhiều án hơn.

Trong bối cảnh đó, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện đồng thời nhiều giải pháp. Bên cạnh việc giao chỉ tiêu phù hợp với đặc điểm tình hình của từng đơn vị, tổng cục sẽ cân nhắc kỹ lưỡng việc cắt giảm biên chế của từng địa phương (không cào bằng) và bổ sung hợp lý Chấp hành viên cho các địa phương trên cơ sở cơ cấu vị trí việc làm được Bộ Tư pháp giao.

Chúng tôi cũng sẽ phát huy cao độ nội lực của từng địa phương với việc điều động biệt phái, tăng cường từ nơi khó khăn ít đến nơi khó khăn nhiều và chủ trương điều động, biệt phái từ các địa phương khác đến. Thực hiện nghiêm túc chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống THADS tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả đi đôi với kiểm tra, tự kiểm tra nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ và đẩy mạnh phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, vi phạm trong hoạt động THADS.

Toàn hệ thống cũng tiếp tục xác định trọng tâm, trọng điểm, trong đó chú trọng thi hành có hiệu quả các khoản thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Thủ trưởng các cơ quan còn phải chỉ đạo Chấp hành viên tiến hành rà soát kỹ lại hồ sơ từng vụ việc, nâng cao hiệu quả trong hoạt động kê biên, thẩm định, bán đấu giá tài sản để bảo đảm kiểm soát đối với 100% vụ việc liên quan đến đấu giá tài sản. Các vụ việc có điều kiện thi hành phải xây dựng kế hoạch để tổ chức thi hành dứt điểm.

Theo Quy định số 183-QĐ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án thì cán bộ thi hành án và người thân sẽ được bảo vệ khi thi hành công vụ. Các cơ quan thi hành án đã đón nhận thông tin này như thế nào?

- Các công chức trong toàn hệ thống THADS, đặc biệt là Chấp hành viên rất vui mừng và phấn khởi. Bởi lẽ đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị quy định một cách đầy đủ, chi tiết về các biện pháp, cách thức bảo vệ người thi hành công vụ trong hoạt động THADS và người thân của họ.

Tổng cục THADS đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt các nội dung cơ bản của Quy định 183-QĐ/TW trong toàn hệ thống và đang tham mưu Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai quy định này.

Đây cũng là cơ sở chính trị quan trọng để Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật THADS nhằm tiếp tục cụ thể hóa, luật hóa cơ chế bảo vệ cơ quan, tổ chức, người thi hành công vụ trong hoạt động thi hành án và thực hiện đồng bộ, thống nhất.

Tôi tin rằng với việc triển khai thực hiện hiệu quả Quy định 183, đội ngũ công chức thi hành án sẽ yên tâm công tác hơn và hạn chế được tình trạng công chức làm việc cầm chừng, sợ sai, không dám làm.

Tổng cục trưởng Thi hành án nói về áp lực vụ Vạn Thịnh Phát, FLC, Thuận An - 4

Bị cáo Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC được dẫn giải đến phiên tòa hồi tháng 8 vừa qua (Ảnh: Nguyễn Hải).

Quan điểm chỉ đạo của ông sau những lần nhận đơn thư phản ánh về cán bộ tổ chức thi hành án chưa đúng pháp luật?

- Hoạt động THADS liên quan trực tiếp đến quyền con người. Khi bảo vệ quyền lợi của bên được thi hành án tất yếu sẽ tác động đến quyền lợi của bên phải thi hành án, nên luôn có xung đột về quyền lợi giữa các bên đương sự.

Bên được thì muốn nhanh, bên phải thi hành án thì muốn chậm, như vậy bên nào cũng có thể khiếu nại, tố cáo. Vấn đề quan trọng là phải lắng nghe cả hai để có cách xử lý phù hợp.

Về giải pháp nhằm ngăn chặn từ xa, Tổng cục THADS đã đưa ra rất nhiều giải pháp, trong đó giải pháp căn cơ đầu tiên đã làm và đang làm đó là thể chế. Chúng tôi cố gắng khắc phục những khe hở trong các quy định của pháp luật liên quan và tiến tới sửa đổi toàn diện Luật THADS theo hướng rút ngắn thời gian, giảm thiểu chi phí, khắc phục triệt để những điểm nghẽn về thể chế.

Việc kiểm tra công vụ, nội bộ sẽ được tiến hành thường xuyên hơn nhằm kịp thời chấn chỉnh, xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu các đơn vị thực hiện không hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra theo kế hoạch của Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động THADS giai đoạn 2023-2026.

Chúng tôi cũng phòng ngừa thông qua việc quán triệt, tổ chức rút kinh nghiệm và có giải pháp đồng bộ để thực hiện nghiêm các kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, kiểm sát và các vụ việc bị xem xét trách nhiệm. Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của Bộ Chính trị, Trung ương về kiểm soát quyền lực trong hoạt động thi hành án. Đề cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, thủ trưởng cơ quan trong quản lý, không để xảy ra tình trạng "khoán trắng" công việc cho Chấp hành viên.

Mọi trường hợp, mọi hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thi hành án, các trường hợp sai phạm phát hiện sau thanh tra, kiểm tra, giám sát sẽ được xử nghiêm.

Vụ thi hành án lớn nhất lịch sử

Vạn Thịnh Phát được coi là vụ lớn nhất trong lịch sử ngành thi hành án dân sự. Giai đoạn 1 của vụ án, cơ quan thi hành án TPHCM đã thi hành tổng số tiền hơn 22.000 tỷ đồng, hơn 1.000 bất động sản, hơn 1 tỷ cổ phần và các tài khoản. Giai đoạn 2, cơ quan thi hành án TPHCM có nghĩa vụ thi hành hơn 31.000 tỷ đồng; bồi thường cho hơn 43.000 người.

Vụ Alibaba có số lượng bị hại là hơn 4.500 người, với tổng số tiền chiếm đoạt trên 2.400 tỷ đồng.

Tổng số tiền và tài sản phải tổ chức thi hành liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát trên 50.000 tỷ đồng - bằng 1/3 tổng số tiền mà cơ quan thi hành án TPHCM phải thi hành trong năm 2024.

Vụ Công ty CP công nghệ Việt Á với hơn 1.100 tỷ đồng, vụ án ở Tập đoàn FLC với gần 28.000 bị hại, số tiền gần 2.000 tỷ đồng… cũng dự kiến được thi hành trong năm 2025.