1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đầu tư dàn trải, còn lâu Việt Nam mới phát triển!

(Dân trí) - Làm thế nào để quản lý nguồn vốn đầu tư có hiệu quả và tránh đầu tư dàn trải vẫn là vấn đề “nóng” được các đại biểu tập trung thảo luận trong buổi sáng 22/10.

Khắc phục đầu tư dàn trải

 

Vấn để đầu tư dàn trải luôn được nhiều đại biểu quan tâm, đóng góp ý kiến trong các kỳ họp Quốc hội. Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được đề nghị các đại biểu cần phát biểu đưa ra những giải pháp để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải.

 

Phó chủ tịch cho rằng, trong báo cáo của Chính phủ, nêu sự tập trung và tăng cường đầu tư vốn cho các lĩnh vực như giáo dục đào tạo, y tế, văn hoá, thông tin, khoa học công nghệ. Nhưng điều lo lắng là sự dàn trải sẽ dẫn đến hiệu quả đầu tư không cao. Ông nêu ví dụ: “Có những nơi xây dựng bệnh viện nhưng bên trong không có thiết bị, có những nơi đưa thiết bị về nhưng không có phòng để chứa các thiết bị đó...”.

 

Đồng quan điểm với Phó chủ tịch Quốc hội, đại biểu Lê Quốc Dung - tỉnh Thái Bình, lưu ý, nếu cứ đầu tư nhỏ giọt và dàn trải như thế này, không biết đến bao giờ mới có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và thu nhập tại chỗ cho dân. Ông cũng nêu ví dụ điển hình về đầu tư dàn trải: “Đầu tư xây dựng hạ tầng của làng nghề như Thái Bình có 4 tỷ, Nam Định có 4 tỷ, Ninh Bình có 2 tỷ đồng. Riêng Thái Bình có 172 làng nghề mà 4 tỷ làm như thế thì không biết làm cái gì về giao thông, về nước, về môi trường và về các điều kiện khác…”

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Trân - Tỉnh An Giang, đặt câu hỏi: “Nếu chúng ta cứ đầu tư dàn trải thế này, và chỉ quản lý đầu vào mà không quản lý chặt ở đầu ra thì có thể nói: chúng ta gieo trong gió, còn hạt nó đi đâu thì đi, không làm sao giữ lại được”.

 

Đại biểu Tào Hữu Phùng cho rằng, việc năm nào cũng chi vượt ngân sách là không thể chấp nhận. Trung bình mỗi năm chi vượt ngân sách xấp xỉ 20.000 tỷ. Ông khẳng định: “Tôi xin đảm bảo với Quốc hội năm 2005 này chắc chắn phải vượt hơn 30.000 tỷ”. Và ông đặt câu hỏi: “Không có lý gì chúng ta cứ lập dự toán song lại vượt với con số cao như vậy, thì tính nghiêm minh của dự toán như thế nào? Dự toán ngân sách được Quốc hội biểu quyết thông qua coi như một đạo luật xem xét hàng năm và phải được thực hiện nghiêm”.

 

Phải minh bạch vốn đầu tư và quan tâm đến hiệu quả đầu tư

 

Trong hai ngày thảo luận vừa qua, ý kiến của đại biểu tỉnh An Giang, Nguyễn Ngọc Trân được nhiều người quan tâm bởi chất lượng của ý kiến. Sáng nay, ông lại nêu lên những vấn đề khá bức xúc như Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, hiệu quả của việc đầu tư ngân sách nhà nước. Ông đặt câu hỏi về tính minh bạch trong sử dụng ngân sách: “Trong số liệu năm 2005 của Bộ Tài chính có mục chi thực hiện các nhiệm vụ ngân sách Trung ương theo chế độ qui định là 4632 tỷ đồng, và trong này có mục chi lại dính đến giáo dục đào tạo, dính đến khoa học công nghệ… Nhất là ở mục chi khác có số liệu 1120 tỷ đồng, một khoản rất quan trọng như vậy mà không biết nội dung bên trong đó là gì. Nếu được, đề nghị Bộ Tài chính nói rõ chi khác này là gì?”.

 

Về chương trình đầu tư trồng mới 5 triệu héc ta rừng, đại biểu Trân khẳng định đây là một chương trình rất quan trọng, liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế xã hội, môi trường và đời sống của nhân dân các vùng núi, trung du. Quốc hội đã quyết định có một chương trình trọng điểm cấp Nhà nước bắt đầu từ năm 1998-2010 với tổng số vốn chi 30.000 tỷ đồng, mục tiêu đến năm 2010 trồng được hai triệu ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và ba triệu ha rừng sản xuất. “Tuy nhiên, phải nói rằng, hiện nay dư luận xã hội rất bức xúc với hiệu quả của chương  trình  này”, ông khẳng định. Hầu hết các mục tiêu đều chưa đạt so với yêu cầu đưa ra, có chỉ tiêu mới chỉ đạt… 9%. Trong khi năm 2004 chi 500 tỷ, năm 2005 chi 550 tỷ, năm 2006 dự kiến chi hơn 600 tỷ.

 

Nhưng quan trọng hơn, theo đại biểu Trân là đánh giá nguyên nhân như thế nào, vì sao kết quả thấp như vậy? thì hầu hết đều đổ lỗi cho khách quan, tới bây giờ cũng chưa biết được nguyên nhân chủ quan như thế nào. Trong khi đó tiền ngân sách cứ tiếp tục đổ vào đây một khoản chi rất lớn mà hiệu quả đạt rất thấp. Ồng đề xuất: “Tôi đề nghị, hoặc chúng ta dừng ngay chương trình này từ năm nay, chuyển 650 ngàn tỷ đồng này cho những mục chi khác hoặc chúng ta gia hạn cho Ban chủ trì của dự toán một năm để làm rõ nguyên nhân chủ quan của mình và cải tiến cơ cấu cơ chế quản lý để đạt được hiệu quả cao hơn”.

 

Nghịch lý trong đào tạo lao động

 

Đại biểu Phương Hữu Việt, Hà Nội đưa ra một vấn đề khá bức xúc hiện nay, đó là chất lượng lao động. Ông cho rằng, trong quá trình phát triển, đến năm 2010 chúng ta cần khoảng 1,5 triệu nhà đầu tư; 3,5 triệu nhà quản lý và 10 triệu người lao động.

 

Những người này cần phải được đào tạo về chuyên môn, về các kiến thức cơ bản khác để đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, đội ngũ cán bộ công nhân viên trong các doanh nghiệp hầu hết chưa qua đào tạo, kể cả sinh viên đại học. Mặc dù họ được học rất nhiều môn, nhưng lại không được trang bị những kiến thức cơ bản về doanh nghiệp, về quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động, về văn hóa doanh nghiệp, về làm việc theo nhóm và các  kỹ năng chuyên môn khác. Ông khẳng định “đó chính là nghịch lý”.

 

Hiện nay, doanh nghiệp cần người nhưng tuyển không được, còn người lao động kể cả sinh viên thất nghiệp, nhưng không xin được việc làm.

 

Đại biểu Việt đưa ra giải pháp: “Về lâu dài cần có các giải pháp đồng bộ về đội ngũ giáo viên giảng viên, về giáo trình cơ sở vật chất, trường học thực hành và một hệ thống đồng bộ cả Nhà nước đầu tư cũng như xã hội hóa từ trường phổ thông, dạy nghề, Viện nghiên cứu đến trường đại học. Có như vậy mới đào tạo ra những nhà đầu tư, nhà quản trị và người lao động có trình độ và kỹ năng chuyên nghiệp, để làm việc đạt hiệu quả cao nhất trong doanh nghiệp”.

                                                                                               

Đức Hòa - Hồng Hạnh