1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đầu tư công năm 2022 "lẹt đẹt", Hà Nội ra chỉ đạo nóng

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Trước thực trạng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công "lẹt đẹt", Hà Nội yêu cầu các cơ quan liên quan vào cuộc quyết liệt; truy trách nhiệm nếu triển khai dự án, giải ngân kế hoạch vốn không đạt trên 90%.

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị 10/CT-UBND về tăng cường thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022.

Đầu tư công năm 2022 lẹt đẹt, Hà Nội ra chỉ đạo nóng - 1

Dự án đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư khoảng 2.538 tỷ đồng, được khởi công đầu tháng 1/2021 và dự kiến hoàn thành trong năm 2023 (Ảnh: Quân Đỗ).

Truy trách nhiệm nếu giải ngân kế hoạch vốn không đạt trên 90%

Theo đó, ngoài thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định từ đầu năm, UBND TP yêu cầu tăng cường hoạt động một cách quyết liệt và thực chất hơn của 6 Tổ công tác về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

UBND TP giao Giám đốc các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Giám đốc các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành TP; các chủ đầu tư dự án cần tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương, công khai, minh bạch trong thực hiện kế hoạch đầu tư công.

Các đơn vị thực hiện nghiêm chế độ báo cáo định kỳ hằng tháng, quý, năm và đột xuất về công tác giải ngân kế hoạch đầu tư công theo đúng thời gian, nội dung và các biểu mẫu quy định. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tổ chức giao ban hằng tháng về tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Đáng chú ý, UBND TP giao các chủ đầu tư nghiên cứu các giải pháp để giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022 và năm 2021 kéo dài của các dự án được giao (đạt tỷ lệ 100%) theo quy định của Luật Đầu tư công.

Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các chủ đầu tư xác định rõ nguyên nhân, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân liên quan trong việc triển khai thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch vốn không đạt trên 90% kế hoạch.

Kế hoạch của UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các sở chuyên ngành hướng dẫn, tạo mọi điều kiện hỗ trợ thủ tục cho các đơn vị, sớm thẩm định, trình phê duyệt dự án, thiết kế bản vẽ thi công - dự toán để sớm khởi công công trình; khẩn trương nghiên cứu, rà soát hoàn thiện khung pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tham mưu cho cấp có thẩm quyền để kịp thời loại bỏ, tháo gỡ các rào cản khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư, xây dựng cơ bản.

Đầu tư công năm 2022 lẹt đẹt, Hà Nội ra chỉ đạo nóng - 2

Dự án cầu vượt kết cấu thép hình chữ C nối Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc được khởi công từ tháng 9/2021 dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2022 nhưng đến nay, dự án chỉ đạt tỷ lệ giải ngân là 3,5%... (Ảnh: Ngọc Huyền).

Tỷ lệ giải ngân "lẹt đẹt"

Đối với UBND các quận, huyện, thị xã, Hà Nội yêu cầu phải nỗ lực triển khai đẩy nhanh tiến độ dự án và nâng cao tỷ lệ giải ngân cả dự án cấp thành phố và cấp huyện khi được thành phố phân cấp mạnh và giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư các dự án cấp thành phố.

Đối với các chủ đầu tư cần nâng cao trách nhiệm, quyết tâm trong thực hiện kế hoạch đầu tư công; Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư dự án, chủ động dự báo các khó khăn, vướng mắc khi lập, thẩm định và phê duyệt dự án…

Theo UBND TP Hà Nội, đến nay, ở một số đơn vị, công tác triển khai thực hiện còn hạn chế, chưa hiệu quả, thiếu quyết liệt, chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra; vẫn có một số dự án triển khai chậm, không bảo đảm tiến độ thực hiện, dẫn đến giá trị giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đạt thấp, ảnh hưởng đến tình hình thực hiện kế hoạch của toàn thành phố.

Về lũy kế giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội, từ đầu năm đến ngày 30/6, đạt 10.777 tỷ đồng (bằng 21,1% kế hoạch giao), trong đó, cấp TP giải ngân đạt 18,3% kế hoạch và cấp huyện (gồm vốn ngân sách cấp huyện và ngân sách TP hỗ trợ) đạt 23,4% kế hoạch. Đây là mức giải ngân thấp, không đạt được kết quả theo yêu cầu.

Ngoài ra, đối với kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài, theo quy định sẽ chỉ được giải ngân đến hết ngày 31/12/2022, nhưng đến 30/6, tỷ lệ giải ngân cũng rất thấp. Cụ thể, đối với ngân sách cấp TP mới giải ngân được 109,3 tỷ đồng, đạt 8,76%. Đối với ngân sách cấp huyện, giải ngân được 342,7 tỷ đồng, đạt 24,33%.