1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Đấu tranh với cái ác chưa biết bao giờ đến hồi kết!”

(Dân trí) - Bộ trưởng Y tế, Nguyễn Quốc Triệu đã trả lời như vậy khi được chất vấn về vấn đề chất bảo quản độc hại trong hoa quả. Nhiều câu trả lời của ông Triệu được đại biểu cho rằng chưa trúng, cho dù phiên chất vấn có không khí rất sôi nổi.

Ba lần hỏi vẫn… không thông!

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) dẫn lại cảnh báo của Tổ chức y tế thế giới, hàng năm có 24,5% hoa quả ngoại nhập trên thị trường Việt Nam có chất bảo quản độc hại và những chất này tích tụ lâu dài trong cơ thể sẽ phá hủy nội tạng và gây bệnh ung thư. “Bộ trưởng đã cho kiểm tra chất độc hại này chưa?”, bà Mai nêu câu hỏi.

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho rằng, Bộ Y tế là người gác trước khi mầm bệnh vào người. Bộ Y tế sẽ trao đổi với Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn về vấn đề đại biểu nêu.

Chủ toạ lần lượt gọi các Bộ trưởng NN & PTNT, Công thương đứng dậy nói về trách nhiệm với vấn đề đại biểu Mai nêu. Các Bộ trưởng lần lượt đứng dậy, nhưng không làm sáng tỏ được câu hỏi của bà Mai.

Theo bà Mai phải có “nhạc trưởng” chịu trách nhiệm về chất độc hại bảo quản trái cây và đó chính là Bộ Y tế.

“Vấn đề này đòi hỏi không riêng ngành nào, các đại biểu thông cảm cho”, ông Triệu đáp lại. Ông cũng cho rằng, câu chuyện về an toàn thực phẩm là cuộc đấu tranh với những người kinh doanh thiếu đạo đức, đấu tranh với cái ác, chưa biết bao giờ đến hồi kết!

“Ông Thích Ca 2.552 năm đã kêu gọi từ bi đến bây giờ vẫn kêu gọi giữa thiện và ác…”, ông Triệu nối dài câu trả lời của mình khiến hội trường rộ lên những tiếng cười.

Trả lời của ông Triệu không làm đại biểu hài lòng và bà Mai phải thêm một lần nhắc lại câu hỏi. Ông Triệu hứa sẽ trả lời bằng văn bản sau gợi ý của đại biểu này.

“Đấu tranh với cái ác chưa biết bao giờ đến hồi kết!” - 1

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh): Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm chính về chất độc hại bảo quản trái cây. (Ảnh: Lê Anh Tuấn)

Chuyển sang vấn đề rác thải y tế bà Mai đặt câu hỏi, Bộ trưởng có giải pháp gì để không còn tình trạng 60-70% các bệnh viện không có tiền, không có kinh phí để trang bị hệ thống xử lí chất thải. Đại biểu Phan Trung Lý “bồi” thêm, chất thải y tế có thể gây nên những bệnh trầm trọng, Bộ Y tế có biện pháp nào khắc phục?

Ông Triệu thừa nhận, với rác thải độc hại, nguy hiểm, hiện nay mới xử lí được 40% thông qua việc đốt trong các lò đủ tiêu chuẩn. Trong khi còn 33% đốt trong lò thủ công, 27% đốt ngoài trời hoặc chôn lấp. Về nước thải, vẫn còn 30% chưa được xử lí.

Ông Triệu cho rằng, rác thải rắn nguy hiểm tới đây sẽ được xử lí thông qua các lò đốt tập trung. Bộ trưởng Triệu cũng tính toán cần 2.000 tỉ đồng để xây dựng hệ thống xử lí nước thải, rác thải y tế.

Bà Mai cũng chưa hài lòng: “Kinh phí không phải là vấn đề, tôi muốn hỏi khi nào xử lí dứt điểm chất thải độc hại của y tế ra môi trường?”. Tiếc rằng bà Mai sau đó vẫn không nhận được câu trả lời.

“Đấu tranh với cái ác chưa biết bao giờ đến hồi kết!” - 2

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu: Hiện nay mới xử lí được 40% rác thải thông qua việc đốt trong các lò đủ tiêu chuẩn. (Ảnh: Lê Anh Tuấn)

 

Dập dịch rất giỏi, nhưng phòng dịch… kém

Đại biểu Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) dẫn lại một bài báo có tên “Đêm ở phòng cấp cứu” phản ảnh, một số bệnh viện ở TPHCM hành xử rất thờ ơ, xua đuổi bệnh nhân sang bệnh viện khác và lạnh lùng vô cảm theo kiểu “tiền trao, cháo múc”, cho dù đó là những bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch và cái chết cận kề. Đại biểu đặt vấn đề, Bộ xử lí thế nào với vấn đề báo nêu?

Ông Triệu trả lời chung chung, Bộ Y tế có bộ phận theo dõi tất cả các báo, khi nói những vấn đề tích cực thì Bộ trưởng sẽ viết thư khen và thưởng, nhưng nói về vấn đề tiêu cực đều yêu cầu Giám đốc Sở Y tế , Giám đốc bệnh viện ấy báo cáo ngay và cần thì cho thanh tra ngay.

Vẫn nằm trong vấn đề chất lượng phục vụ, đại biểu Lễ phản ảnh việc bệnh nhân có bảo hiểm y tế phải trả nhiều khoản tiền do sử dụng các dịch vụ mà họ không phân biệt được đâu là dịch vụ xã hội hóa và đâu là dịch vụ công. Sự giải thích của các bệnh viện cũng rất “mập mờ”.

“Tôi cho rằng đây là một sự lạm dụng hình thức xã hội hóa ở các bệnh viện công để thu tiền vô tôi vạ của nhân dân. Tôi đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo hoặc có giải pháp như thế nào để quản lý rõ ràng, minh bạch, công khai vấn đề này”, đại biểu Lễ nhấn mạnh.

Ông Triệu trả lời, Nghị định 43 khuyến khích các bệnh viện huy động nguồn lực tư nhân hoặc cán bộ, công nhân viên để mua máy móc, trang thiết bị, tăng thêm khả năng khám, chữa bệnh. Theo ông Triệu, mục tiêu cho cách làm trên rất đúng, nhưng quá trình thực hiện có “mặt trái”.

Tuy nhiên, Chính phủ đã ban hành một nghị định mới, tiến bộ hơn có sự rạch ròi, công ra công, tư ra tư, hạch toán độc lập.

“Đấu tranh với cái ác chưa biết bao giờ đến hồi kết!” - 3

Đại biểu Vi Trọng Lễ (Phú Thọ): Đang có sự lạm dụng hình thức xã hội hóa ở các bệnh viện công để thu tiền vô tôi vạ của nhân dân. (Ảnh: Lê Anh Tuấn)

Chuyển sang vấn đề năng lực của ngành Y tế, đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) cho rằng, chúng ta rất giỏi về dập dịch bệnh, chẳng hạn như dập SAR, tiêu chảy nhưng kém về phòng dịch?

Ông Triệu giải thích, nước ta GDP chưa đến 1.000USD/người, nhà máy, xí nghiệp, đường sá bụi bặm, thức ăn ô nhiễm, phòng bệnh, thuốc men cũng ở mức độ chưa phải đầy đủ. Vì thế theo ông Triệu phải đặt yêu cầu tương xứng với khả năng của ta và những gì đã làm được là rất cố gắng.

Cấn Cường - Phương Thảo