Đấu giá tài sản kê biên Công ty thép Gia Sàng có những vi phạm nào?

(Dân trí) - Thanh tra Bộ Tư pháp đã kiến nghị Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với các cá nhân có sai phạm trong việc tổ chức bán đấu giá tài sản bị kê biên của Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng.

Liên quan đến việc vừa qua Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên kiểm tra nội dung phản ánh của bà Vũ Thị Kiều Oanh về bán đấu giá tài sản bị kê biên của Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng (gọi tắt là Công ty Gia Sàng) gây ồn ào dư luận suốt thời gian dài, thông tin từ Bộ Tư pháp cho biết tháng 7/2018 Thanh tra Bộ này đã ban hành Kết luận số 28/KL-TTr xác minh những tố cáo của bà Oanh đối với việc tổ chức thi hành án và bán đấu giá tài sản.

Theo kết luận của Thanh tra Bộ Tư pháp, Báo cáo số 139/2014 của Bộ Công Thương cho thấy Công ty Gia Sàng gồm các cổ đông: Công ty Gang thép Thái Nguyên (39,66%), Công ty cổ phần Địa Nam (10%), bà Vũ Thị Kiều Oanh (10,4%), ông Lê Xuân Hộ (19,56%); cổ đông là cán bộ nhân viên (20,38%). Ông Hộ và bà Oanh là vợ chồng.

Nha may thep Gia Sang.JPG

Một góc nhà máy thép Gia Sàng, tỉnh Thái Nguyên.

Theo cơ quan thanh tra, nội dung tố cáo của bà Vũ Thị Kiều Oanh có một phần cơ sở. Đó là việc chấp hành viên ban hành Quyết định số 04/QĐ-CCTHA về việc sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án là trái pháp luật, kê biên tài sản không phải tài sản thế chấp cho Ngân hàng Công thương nhưng lại đảm bảo thi hành án cho ngân hàng, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình bà Oanh là người đã dùng tài sản của mình bảo lãnh cho Công ty Gia Sàng vay tiền của Ngân hàng Đông Á.

Hoạt động bán đấu giá tài sản không khách quan, minh bạch. Cụ thể là đưa vào quy chế bán đấu giá những điều kiện bắt buộc trái pháp luật với người tham gia đấu giá.

Trong quá trình tổ chức thi hành các bản án đối với người phải thi hành án là Công ty Gia Sàng, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên có một số tồn tại, vi phạm: Không kê biên những tài sản không phải là tài sản thế chấp của Ngân hàng Công thương để đảm bảo thi hành án cho Ngân hàng Đông Á mà lại tổ chức kê biên tài sản của người bảo lãnh; trả lại đơn yêu cầu của Ngân hàng Đông Á khi Công ty Gia Sàng còn tài sản để bảo đảm thi hành án là không thực hiện đúng Luật Thi hành án dân sự năm 2008.

Việc làm nói trên làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ông Hộ, bà Oanh là người bảo lãnh cho Công ty Gia Sàng vay tiền của Ngân hàng Đông Á.

Để tránh những hậu quả xấu xảy ra và không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của Ngân hàng Đông Á (người được thi hành án có đơn đầu tiên nhưng bị trả lại đơn trái quy định pháp luật) và quyền lợi của ông Hộ, bà Oanh (người bảo lãnh cho Công ty Gia Sàng vay tiền), trong số tiền trên 17,4 tỷ đồng hiện đang giữ tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên cần xử lý như sau: Số tiền trên 9 tỷ đồng trả cho Ngân hàng Đông Á; đối với số tiền trên 8,3 tỷ đồng mà chi cục thi hành án dự kiến thanh toán lãi chậm thi hành án cho Ngân hàng Công thương cũng cần phải tính toán lại vì có giá trị một số tài sản chưa đủ cơ sở để ưu tiên thanh toán cho ngân hàng.

Ngoài ra, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên tiếp tục xử lý tài sản của Công ty Gia Sàng là kho hàng, 1 xe ô tô Toyota Camry LE được Ngân hàng Công thương giải toả thế chấp theo quy pháp luật.

Thanh tra Bộ Tư pháp cũng đề nghị Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên tiếp tục thi hành buộc Công ty Gia Sàng phải trả lại gia đình bà Oanh, ông Hộ số tiền 4 tỷ đồng đã trả cho Ngân hàng Đông Á thay Công ty Gia Sàng.

Đồng thời tổ chức họp kiểm điểm, xác định trách nhiệm cá nhân, có hình thức xử lý kỷ luật người có trách nhiệm, liên quan tương xứng với hành vi sai phạm.

Trong quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản bị kê biên, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tỉnh Thái Nguyên có nhiều vi phạm, thiếu sót: Ký phụ lục hợp đồng sau khi đã tổ chức bán đấu giá tài sản; quy chế bán đấu giá quy định thời gian đấu giá không cụ thể, rõ ràng, quy định hình thức đấu giá không có sự thống nhất của người có tài sản bán đấu giá; thiếu trách nhiệm trong việc quản lý hồ sơ bán đấu giá tài sản; bán đấu giá tài sản khi có một người đăng ký nhưng lại đang có khiếu nại về quá trình thi hành án, bán đấu giá tài sản.

Thanh tra Bộ Tư pháp cho rằng Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tỉnh Thái Nguyên phải xem xét, xác định trách nhiệm cá nhân và có hình thức xử lý nghiêm, tương xứng với các vi phạm.

“Quá trình thanh tra chưa phát hiện được sự thông đồng, dìm giá của người mua đấu giá với Trung tâm và những vi phạm nói trên chưa đủ căn cứ để áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là huỷ kết quả bán đấu giá theo Nghị định 110/2013 của Chính phủ”- cơ quan thanh tra cho hay.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ Tư pháp đã kiến nghị Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Thái Nguyên, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên thực hiện đúng và đầy đủ kết luận thanh tra này.

luyen can thep Gia Sang.jpg

(Ảnh tư liệu).

Phải cam kết khôi phục nhà máy

Theo kết luận của Thanh tra Bộ Tư pháp, tháng 12/2015, Công ty Gia Sàng có Nghị quyết số 05/NQ-HĐQT trong đó có nội dung: “HĐQT thống nhất lựa chọn Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng là nhà đầu tư thực hiện kế hoạch khôi phục và phát triển sản xuất Công ty cổ phần luyện cán thép Gia Sàng”.

Tháng 2/2016, Công ty Gia Sàng đề nghị cơ quan thi hành án kê biên toàn bộ tài sản, vật tư, các phụ kiện kèm theo của công ty để đảm bảo thi hành án. Đến tháng 3/2016, Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Thái Nguyên thực hiện kê biên toàn bộ nhà làm việc, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, dụng cụ quản lý, kho bãi, vật kiến trúc và các công trình phụ trợ khác của Công ty Gia Sàng. Trong số các tài sản kê biên có 9 loại tài sản không phải là tài sản thế chấp của ngân hàng.

Ngày 16/3/2016, Công ty Gia Sàng có văn bản kiến nghị Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho Chi cục Thi hành án dân sự bán những tài sản kê biên nói trên cho Công ty Thái Hưng.

Ngày 24/5/2016, Chi cục Thi hành án dân sự và Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Thái Nguyên ký hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản cố định, trong đó có nội dung: Tổ chức, cá nhân đăng ký mua tài sản phải có đề án tái cơ cấu sản xuất, có kinh nghiệm về thép và tiêu thụ sản phẩm, không được tháo dỡ máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất, phải cam kết khôi phục nhà máy, đưa nhà máy vào sản xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Đến ngày 7/7/2016, Trung tâm bán đấu giá tài sản tổ chức bán đấu giá, người mua trúng là Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng với giá trên 56,8 tỷ đồng (cao hơn giá khởi điểm 50 triệu đồng).

Ngày 22/7/2016, Chi cục Thi hành án dân sự Thái Nguyên đã tiến hành bàn giao toàn bộ tài sản đấu giá cho Công ty Thái Hưng.

Thế Kha