Đấu giá biển số xe ô tô trực tuyến: Tiết kiệm chi phí, khó xảy ra tiêu cực
(Dân trí) - Theo Cục CSGT, người dân có thể ngồi ở nhà để tham gia đấu giá biển số xe ô tô trên môi trường Internet. Người dân ở Hà Nội có thể đấu giá ở TPHCM và ngược lại.
Ngày 10/1, Bộ Công an đã họp công bố quyết định thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định quy định chi tiết một số điều Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số ô tô.
Trong khuôn khổ cuộc họp, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đã báo cáo một số nội dung chính của Nghị quyết số 73/2022/QH15; xin ý kiến các đại biểu một số nội dung về trình tự, thủ tục đấu giá; tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá; quy định giao đơn vị mở tài khoản tạm thu tại tổ chức tín dụng để thu tiền đấu giá biển số xe ô tô…
Theo đó, Bộ Công an đề xuất đấu giá trực tuyến biển số xe ô tô hoàn toàn trên môi trường Internet.
Người trúng đấu giá biển số ô tô có thể nhận biển và đăng ký ở mọi nơi
Trao đổi với phóng viên Dân trí về thủ tục, lợi ích của việc đấu giá trực tuyến biến số ô tô trên môi trường Internet, đại diện Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) cho biết: Hiện Cục CSGT đang xây dựng dự thảo nghị định để hướng dẫn, quy định một số điều của Nghị quyết số 73. Trong đó, nghị quyết quy định đấu giá biển số ô tô trực tuyến thì Cục CSGT sẽ căn cứ vào Luật đấu giá tài sản năm 2016 và Nghị định 62, hướng dẫn về đấu giá trực tuyến.
Về hình thức, thủ tục tổ chức đấu giá biển số ô tô trực tuyến, đại diện Cục CSGT cho biết sẽ thực hiện theo Nghị định 62, và theo Luật đấu giá thông thường. Ngoài ra, Cục CSGT sẽ xây dựng một quy định cụ thể, chi tiết hơn như việc đấu giá sẽ hoàn toàn trên môi trường Internet.
Ví dụ, bình thường các tổ chức đấu giá, đấu giá tài sản thông thường, họ sẽ chỉ có khâu đấu giá là trực tuyến, còn tất cả các khâu khác như niêm yết, mua hồ sơ, ký hợp đồng... thì vẫn thực hiện một cách trực tiếp. Tuy nhiên đối với việc đấu giá biển số ô tô trực tuyến này, Cục CSGT sẽ đưa vào nghị định, dự thảo hoàn toàn trên môi trường Internet.
"Tuy nhiên có một bất cập của Luật đấu giá và Nghị định 62, là không quy định mọi trình tự thủ tục của cuộc đấu giá trực tuyến đều trên môi trường Internet, mà mới chỉ quy định mỗi phần đấu giá, còn phần niêm yết, mua hồ sơ, ký hợp đồng... đều chưa có trên môi trường Internet. Hiện Cục CSGT đang xin ý kiến một số bộ, ngành có chịu sự tác động, và Cục CSGT đang họp ban soạn thảo để xây dựng nghị định", vị đại diện Cục CSGT chia sẻ.
Theo đại diện Cục CSGT, khi đấu giá xong, Cục sẽ cấp văn bản xác nhận cho người dân trúng đấu giá biển số ô tô, sau đó Cục CSGT sẽ thu tiền đấu giá và nộp vào ngân sách nhà nước.
Người dân có thể tham gia đấu giá hoàn toàn trên môi trường Internet, Cục CSGT sẽ làm truyền thông, tuyên truyền và có trang web để hướng dẫn cụ thể việc đấu giá.
"Tức là, sẽ có quy chế hướng dẫn đấu giá cụ thể như một quy trình đấu giá thông thường. Người dân có thể ở nhà tham gia đấu giá trên môi trường Internet. Người dân ở Hà Nội có thể đấu giá ở TPHCM và ngược lại", đại diện Cục CSGT nói.
Theo Cục CSGT, sau khi người dân trúng đấu giá biển số ô tô, thì họ phải nộp tiền, sau đó Cục CSGT sẽ cấp một văn bản xác nhận trong vòng 12 tháng, người dân phải đi đăng ký xe.
Ví dụ, người dân đăng ký ở TPHCM thì Cục CSGT sẽ cấp biển ở TPHCM, người dân đăng ký ở Hà Nội thì Cục CSGT sẽ cấp biển ở Hà Nội. Tức là người dân có thể đấu giá biển số trên toàn quốc, và Cục CSGT sẽ làm thủ tục và cấp biển số cho người dân ở khắp mọi nơi.
Về hình thức chuyển biển số trúng đấu giá cho người dân, Cục CSGT sẽ chuyển bằng hình thức qua đường bưu điện.
"Người dân tham gia đấu giá trực tuyến biển số ô tô sẽ hưởng lợi ích như đấu giá trực tuyến tài sản thông thường. Ví dụ, người dân không phải đổ dồn về Hà Nội để tham gia đấu giá, việc này sẽ giảm thiểu chi phí đi lại, ăn ở. Ngoài ra thông tin đấu giá cũng được công khai minh bạch. Người dân tham gia phòng đấu giá của mình sẽ biết được có bao nhiêu người cùng tham gia đấu giá, hình thức trả giá như nào. Hình thức này rất công khai và minh bạch", đại diện Cục CSGT chia sẻ.
Khó xảy ra tiêu cực
Về vấn đề nếu có tiêu cực trong quá trình đấu giá, theo Cục CSGT, việc này sẽ khó xảy ra hơn bởi đấu giá qua môi trường Internet sẽ công khai và minh bạch hơn.
Ngoài ra, trong quá trình lựa chọn các đơn vị tổ chức đấu giá, Cục CSGT sẽ phải lựa chọn những đơn vị nào đáp ứng được các yêu cầu như đảm bảo an ninh, an toàn mạng, có đủ điều kiện để có thể kết nối được với phần mềm quản lý công tác đấu giá của Cục CSGT.
Tiếp đó, Cục CSGT còn có các đơn vị chức năng như Cục An ninh mạng, Cục Công nghệ thông tin... tất cả các cục đó sẽ vào cuộc để đảm bảo tính an toàn và công khai minh bạch trước và trong quá trình đấu giá. Cục CSGT sẽ chống các đối tượng xấu xâm nhập bất hợp pháp, khi kết nối với phần mềm đấu giá của Cục.
Theo Cục CSGT, trong Nghị quyết đã nêu rõ, Cục CSGT sẽ thuê đơn vị tổ chức đấu giá để tổ chức đấu giá trực tuyến, Cục CSGT sẽ không đứng ra để tổ chức. Bởi vậy, nếu đơn vị tổ chức đấu giá đó làm sai, để xảy ra tình trạng "thông thầu", "quân xanh quân đỏ", có sự can thiệp vào quá trình tổ chức đấu giá thì đơn vị tổ chức đấu giá sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước pháp luật.
"Ở đây có thể hiểu đơn giản Cục CSGT là người có tài sản, đi thuê đơn vị khác để tổ chức đấu giá, nên nếu có xảy ra tình trạng tiêu cực thì đơn vị tổ chức đấu giá sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm", đại diện Cục CSGT nói.
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông luật cho biết, đấu giá trực tuyến có lợi thế là sẽ ngăn chặn được hoàn toàn thế lực nào đó đứng ở cửa phòng đấu giá để o ép, đe dọa, không cho khách hàng trả giá như thực trạng một số vụ việc báo chí phản ánh thời gian qua.
Đấu giá trực tuyến sẽ rất khách quan, minh bạch, giá trả cao nhất luôn hiển thị trên màn hình, khách tham gia đấu giá thì sẽ hiển thị giá trả của mình trên màn hình để tự mình kiểm soát.
"Các mức giá sẽ theo hình thức trả giá lên, đã có người trả giá rồi thì người khác buộc phải trả giá cao hơn mức trước đó nên sẽ không có câu chuyện trả trùng mức giá. Hết giờ đấu giá thì hệ thống mạng tự động ngắt không nhận các lệnh trả giá.
Biên bản đấu giá được lập trình sẵn sẽ gửi đến email của khách hàng trúng đấu giá ngay sau khi kết thúc cuộc đấu giá. Do vậy, việc này sẽ giúp Nhà nước không thất thoát ngân sách", ông Bình nhận định.
Cũng theo luật sư Bình, tại Điều 13 Nghị định 62/2017/NĐ-CP quy định, điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến như sau: Tổ chức đấu giá tài sản thiết lập trang thông tin điện tử để tổ chức cuộc đấu giá dưới hình thức đấu giá trực tuyến theo quy định của Luật đấu giá tài sản phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có hệ thống hạ tầng kỹ thuật để thực hiện đấu giá trực tuyến.
b) Có đội ngũ nhân viên điều hành hệ thống kỹ thuật trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến.
c) Có phương án, giải pháp kỹ thuật bảo đảm vận hành an toàn hệ thống kỹ thuật trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến.
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật để thực hiện cuộc đấu giá trực tuyến phải có các chức năng tối thiểu sau đây:
a) Đảm bảo tính an toàn, bảo mật về tài khoản truy cập và toàn vẹn dữ liệu, việc tham gia trả giá, giá đã trả và các thông tin về người tham gia đấu giá.
b) Ghi nhận và lưu trữ tất cả mức giá được trả trong cuộc đấu giá, việc rút lại giá đã trả và những thông tin cần thiết khác trong quá trình diễn ra cuộc đấu giá trực tuyến.
c) Hiển thị công khai, trung thực giá trả của người tham gia đấu giá; trích xuất được lịch sử việc trả giá trên hệ thống đấu giá trực tuyến.
d) Hiển thị mức giá cao nhất được hệ thống đấu giá trực tuyến ghi nhận 30 giây một lần để những người tham gia đấu giá có thể xem được.