Đất Tứ Liên tràn ngập nhà giàn trồng quất bon sai
(Dân trí) - Quất đã chuyển màu vàng rực trên khắp cánh đồng Tứ Liên (Tây Hồ, Hà Nội). Tuyến đường đê quai ven sông Hồng cũng bắt đầu nhộn nhịp cảnh mua bán. Quất Tứ Liên vẫn vậy, chỉ khác là có thêm rất nhiều nhà giàn khung sắt chuyên để chăm sóc những cây quất bon sai trồng trong bình gốm.
Từ 2 -3 năm nay, người dân Tứ Liên bắt đầu xây dựng các nhà giàn khung sắt, chia nhỏ cánh đồng quất để bảo vệ thành quả của mình trước thời tiết ngày càng khó lường.
Hệ thống khung giàn bằng thép với mái mềm cơ động, có thể kéo ra kéo vào nhằm chống lại sương gió cho cây quất trong khi vẫn có thể đón ánh nắng mặt trời.
Trung bình khung giàn cũng tốn hàng chục triệu đồng. Nếu đất rộng, hệ thống này có thể tiêu tốn cả trăm triệu đồng của chủ vườn.
Các nhà giàn này chủ yếu trồng quất cảnh dạng bon sai. Loại này khó chăm hơn nhiều bởi quất đều được trồng lọ, đất ít mà cây lại to.
Đôi cây quất bon sai này đã có người đặt mua trước, theo người trồng nó có giá 24 triệu đồng.
Toàn cảnh một hệ thống nhà giàn trồng quất bon sai tại Tứ Liên.
Hệ thống mái của nhà giàn kiểu này đều được làm bằng vải bạt. Thông thường bạt được kéo ra để đón ánh nắng cho quất, khi trời lạnh sẽ được kéo ra che kín chống sương.
Quất bon sai cho thu nhập cao nhưng cũng đòi hỏi người trồng tốn công chăm sóc hơn nhiều so với quất trồng thông thường. Giá quất bon sai cũng vô cùng đa dạng, một lọ nhỏ chỉ vài trăm nghìn đồng cho đến những lọ uốn thế cầu kỳ giá tăng lên vài triệu, thậm chí vài chục triệu đồng.
Quất lớn trồng trên đất theo cách truyền thống có phần giảm nhưng vẫn chiếm phần lớn số quất ở Tứ Liên.
Tại Tứ Liên, rất nhiều hộ trồng đã chuyển sang trồng quất bon sai, hoặc cắt một phần đất để trồng loại này.
Chăm sóc quất bon sai mất rất nhiều công sức, tốn nước tưới, khả năng "thắng" thấp hơn quất trồng trên đất thông thường.
Cảnh mua bán quất giáp Tết Nguyên đán trên con đường đê quai Tứ Liên.
Hữu Nghị