(Dân trí) - Trở thành trung tâm năng lượng lớn nhất nước, trung tâm du lịch - thể thao biển quốc gia, tự chủ ngân sách, hoàn thành sân bay Phan Thiết để "mở cửa bầu trời"… là những đích tỉnh Bình Thuận vươn tới.
Đó cũng chính là những "đặt hàng" mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặt ra cho Bình Thuận sau 30 năm tái lập tỉnh, được Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An chia sẻ trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Dân trí.
Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Bình Thuận cũng trải lòng về nhiều sóng gió mà địa phương phải đối mặt và những bước đi của tỉnh để từng bước vượt qua khó khăn, đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Sau một năm "đầy sóng gió" khi nhiều cán bộ bị kỷ luật và vướng vòng lao lý, cộng với hàng loạt yếu tố tiêu cực tác động tới kinh tế - xã hội, Bình Thuận đã vượt qua những thách thức ấy như thế nào, thưa ông?
- Sau hai năm chịu nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, tình hình khó khăn của năm 2023 tiếp tục đặt ra nhiều thách thức cho Bình Thuận, cũng như nhiều địa phương trên cả nước.
Đầu tiên là yêu cầu phải sớm phục hồi, phát triển mạnh hơn nữa để đạt được chỉ tiêu nhiệm kỳ, bù lại cho những năm trước sụt giảm do dịch bệnh Covid-19 và chịu nhiều tác động ảnh hưởng từ khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước.
Tiếp đó, phải ổn định tình hình sau một năm đầy sóng gió khi nhiều cán bộ bị khởi tố, bị kỷ luật. Cũng từ thực tế này nổi lên tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm trong công tác tham mưu và quyết định các công việc thuộc thẩm quyền của cán bộ, công chức.
Đây là thực trạng chung diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước, là một trong những nguyên nhân chính cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nhận thấy nếu tình trạng này không được khắc phục, Bình Thuận sẽ chậm chân và bỏ lỡ thời cơ phát triển nên tỉnh xác định nhiều giải pháp trọng tâm. Bên cạnh việc động viên, khích lệ cán bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận rất kiên quyết trong điều chuyển, bố trí công tác với cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, làm việc không hiệu quả.
Trở lại với những ứng phó của Bình Thuận trong bối cảnh nhiều thách thức như vừa qua, tỉnh đã tận dụng tối đa lợi thế mới, đón đầu cơ hội khi cao tốc Bắc - Nam được đưa vào sử dụng; những dư địa phát triển, nhất là về tiềm năng đất đai, năng lượng, du lịch,… sau khi các quy hoạch đã được phê duyệt.
Những "đặt hàng" mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra cho Bình Thuận sau 30 năm tái lập tỉnh, như phát triển kinh tế xanh, nhanh, bền vững; sớm trở thành trung tâm năng lượng lớn của cả nước, trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia, tự chủ ngân sách vào năm 2025, đẩy nhanh tiến độ xây dựng Cảng Hàng không Phan Thiết để "mở cửa bầu trời", phát huy vai trò cửa ngõ kết nối giao lưu kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội giữa các tỉnh Nam Trung bộ với tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ và Nam Tây Nguyên… là những bài toán mà địa phương cần đi tìm lời giải.
Bằng những nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh có rất nhiều điểm sáng, đã thực hiện đạt và vượt 14/17 chỉ tiêu chủ yếu. Các ngành công nghiệp, nông nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng.
Đặc biệt, ngành du lịch có sức tăng trưởng mạnh với lượng du khách 8,35 triệu, doanh thu 22.300 tỷ đồng, đưa Bình Thuận thành một trong 10 tỉnh, thành phố có du khách và doanh thu du lịch cao nhất nước.
Tăng trưởng GRDP 8,1%, đứng thứ 14/63 tỉnh, thành và 4/14 tỉnh, thành phố trong khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ (trong khi năm 2022 chỉ xếp thứ 45/63 trong cả nước và thứ 10/14 trong vùng).
Trong bối cảnh GDP cả nước là 5,05%, kế hoạch đặt ra của tỉnh là 7,0-7,2%, kết quả trên rất ấn tượng. Với tốc độ tăng trưởng khá trong hai năm 2022-2023, quy mô kinh tế của tỉnh lần đầu tiên đạt hơn 100.000 tỷ đồng. Cùng với đó, dù Nhà nước có chính sách giảm thuế suất một số sắc thuế, giảm tiền thuê đất, làm nguồn thu suy giảm, thu ngân sách vẫn đạt hơn 10.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, an sinh, phúc lợi xã hội được thực hiện tốt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm; thu nhập bình quân đầu người tăng 5,1% so với năm 2022; GRDP bình quân đầu người đứng thứ 4/14 tỉnh, thành phố trong khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ…
Dù còn nhiều khó khăn và nhiều việc phải làm, song những kết quả trên với Bình Thuận là rất có ý nghĩa, nhằm tạo đà phát triển mạnh hơn cho các năm tiếp theo.
Trước đây, Bình Thuận được ví là vùng đất "khô, khó, khổ", nhưng nếu nhìn nhận từ hướng tích cực, những yếu tố bất lợi như thời tiết khô hạn, nắng gió quanh năm đang trở thành "kho báu" của địa phương. Vậy tỉnh đã tận dụng và khai thác "kho báu" này như thế nào để chuyển mình phát triển?
- Nhiều nhiệm kỳ qua, các thế hệ lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã tập trung nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng hồ chứa nước, kênh mương thủy lợi để trị hạn, biến nhiều vùng đất khô cằn, hoang hóa thành những cánh đồng xanh mướt.
Nông nghiệp Bình Thuận nhờ vậy đã phát triển mạnh mẽ với nhiều sản phẩm có giá trị, nhất là trái thanh long. Đặc điểm thời tiết, thổ nhưỡng đã tạo ra những trái thanh long mang thương hiệu "Bình Thuận" với chất lượng được đánh giá "ngon nhất Việt Nam".
Theo một báo cáo điều tra, xuất khẩu thanh long của Việt Nam (cả chính ngạch và tiểu ngạch) đạt trên 1 tỷ USD, trong đó Bình Thuận chiếm hơn 60%. Từ "cây xóa đói, giảm nghèo", thanh long đã trở thành một trong những sản phẩm lợi thế của tỉnh, giúp người nông dân Bình Thuận đổi đời, vươn lên khá giả, một bộ phận giàu có.
Hiện nay, Bình Thuận đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu với 3 tiêu chí: Hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao.
Dựa vào đặc điểm nhiều nắng, nhiều gió và lợi thế về những bờ biển đẹp, trong lành, những cồn cát trải dài ngút ngàn như những tiểu sa mạc, tỉnh đã phát triển hình thức du lịch thể thao biển với nhiều môn thể thao đặc sắc như lướt sóng, lướt ván buồm, lướt ván diều và các trò chơi, môn thể thao trên đồi cát hấp dẫn du khách. Giờ đây, du lịch Bình Thuận đã mạnh lên rất nhiều và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Nắng và gió cũng giúp Bình Thuận phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh những dự án thủy điện, nhiệt điện, với tổng công suất lắp đặt là hơn 5.000MW, tỉnh đã phát triển thêm 26 nhà máy điện mặt trời và 9 nhà máy điện gió công suất lắp đặt 1.400MW, sản lượng năm 2023 đạt 2,969 tỷ KWh, góp phần đưa Bình Thuận trở thành Trung tâm năng lượng lớn của Việt Nam.
Về phát triển điện gió ngoài khơi, trong chuyến công tác tới UAE đầu tháng 12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp xúc với những tập đoàn lớn trên thế giới, nghe họ chia sẻ về những dự án trị giá hàng chục tỷ USD ở Bình Thuận. Bình Thuận có kế hoạch gì trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực này?
- Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
Tại Hội nghị COP28 diễn ra vào đầu tháng 12/2023 tại UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định ngay sau Hội nghị COP26, Việt Nam đã ban hành Quy hoạch điện VIII, tập trung phát triển năng lượng tái tạo và hệ sinh thái năng lượng tái tạo.
Theo khảo sát của chuyên gia, vùng biển thuộc địa bàn quản lý của tỉnh Bình Thuận có tiềm năng rất lớn, có thể xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất 20.000GW.
Do đó, rất nhiều nhà đầu tư lớn, có uy tín trong và ngoài nước, trong đó có những nước đi đầu về điện tái tạo, điện gió (như Anh, Đan Mạch, Na Uy…) đã đăng ký khảo sát và lập dự án điện gió ngoài khơi trên vùng biển Bình Thuận.
Điện gió ngoài khơi là lĩnh vực mới, phù hợp với chuyển đổi năng lượng xanh. Việc này đã được tỉnh đưa vào các định hướng phát triển, theo đó, giảm dần tỷ trọng năng lượng truyền thống, không chấp thuận đầu tư các dự án điện than mới, tập trung phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió ngoài khơi.
Tuy nhiên, hiện nay, khung khổ pháp lý cho hình thức này chưa đầy đủ. Về phía tỉnh, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất xây dựng khung khổ pháp lý, tháo gỡ vướng mắc; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai, mặt biển, đề xuất dự án đầu tư.
Bình Thuận phấn đấu trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước được Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện gió ngoài khơi.
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh hồi tháng 3/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng chia sẻ kỳ vọng Bình Thuận sẽ "cất cánh" khi có sân bay và cao tốc. Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đã đưa vào khai thác, sân bay Phan Thiết kỳ vọng được khai thác năm 2025. Vậy "đường băng cất cánh" của Bình Thuận đã khác xưa thế nào, thưa ông?
- Hai đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đưa vào sử dụng giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Bình Thuận đi các địa phương khác, nhất là TPHCM và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tạo ra cơ hội mới cho tỉnh Bình Thuận.
Bên cạnh đó, tỉnh đã xin chủ trương của Trung ương để nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 28B kết nối Bình Thuận với Lâm Đồng, Đắk Nông và tuyến quốc lộ 55 kết nối Bình Thuận với Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng; trong đó, tuyến quốc lộ 28B đã được Bộ GTVT phê duyệt dự án. Hiện nay, tỉnh đang rốt ráo giải phóng mặt bằng để chủ đầu tư sớm khởi công dự án.
Như vậy, giao thông đường bộ có tính kết nối liên vùng cơ bản thuận lợi.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chúng tôi đang tích cực hoàn thiện các thủ tục để báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh Cảng Hàng không Phan Thiết từ 4C lên 4E; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Phan Thiết, phấn đấu khai thác trong năm 2025.
Lúc đó, tỉnh sẽ có hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại đồng bộ, hoàn thiện với đầy đủ các loại hình đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không.
Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt với nhiều định hướng lớn. Bình Thuận sẽ hiện thực hóa quy hoạch này thế nào để tạo ra các động lực phát triển mạnh mẽ, thưa ông?
- Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp tỉnh định hình được tầm nhìn, không gian phát triển, mở ra những tiềm năng mới, cơ hội mới để thu hút đầu tư, thúc đẩy sự phát triển nhanh, mạnh, bền vững của Bình Thuận.
Quy hoạch tỉnh đề ra mục tiêu chung đến năm 2030, Bình Thuận trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững; mạnh, giàu từ biển, có thu nhập bình quân đầu người cao hơn mức bình quân của vùng và của cả nước.
Bình Thuận cũng được định hướng là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển mang tầm quốc gia, quốc tế; một trong những trung tâm năng lượng xanh của cả nước.
Những yếu tố này là nền tảng để đến năm 2050, Bình Thuận trở thành cực phát triển quan trọng của khu vực duyên hải Trung bộ, có kinh tế biển phát triển mạnh, bền vững, cơ cấu kinh tế hiện đại; là trung tâm năng lượng sạch, trung tâm cung cấp dịch vụ du lịch quốc gia.
Để đạt được mục tiêu đó, Quy hoạch tỉnh đã xác định một số định hướng lớn.
Trong lĩnh vực kinh tế, tỉnh tập trung phát triển mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp sản xuất điện; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung; phát triển mạnh du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và xây dựng tỉnh Bình Thuận trở thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia - quốc tế.
Tỉnh cũng ưu tiên phát triển dịch vụ vận tải, logistics trở thành ngành kinh tế quan trọng, đưa Bình Thuận trở thành một trong những trung tâm logistics của khu vực Nam Trung bộ và Nam Tây Nguyên.
Trong việc bố trí không gian phát triển mới, Bình Thuận thực hiện theo nguyên tắc "Một trục động lực - Hai trục liên kết - Ba trung tâm - Ba hành lang phát triển". Cụ thể:
- Trục động lực là trục Đông Bắc - Tây Nam gắn với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường sắt tốc độ cao, đường sắt quốc gia và Quốc lộ 1A.
- Hai trục liên kết là liên kết du lịch, gắn du lịch biển của Bình Thuận với du lịch núi rừng của vùng Tây Nguyên và liên kết sản xuất, gắn với nguồn tài nguyên khoáng sản, nông lâm sản vùng Tây Nguyên kết hợp với tài nguyên khoáng sản, nông lâm, thủy sản tại chỗ.
- Ba trung tâm là trung tâm tỉnh (khu vực thành phố Phan Thiết và phụ cận), trung tâm phía Nam (hạt nhân là đô thị La Gi) và trung tâm phía Bắc (hạt nhân là đô thị Liên Hương).
- Ba hành lang phát triển gồm: Hành lang phát triển gắn với trục động lực; hành lang ven biển gắn với việc hình thành tuyến giao thông đường bộ ven biển và hành lang hỗ trợ phát triển kết nối các khu vực phía Tây, Tây Bắc, hướng tới mục tiêu "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Xin cảm ơn ông!