Nỗi niềm nhân sự tuổi 40 "đi không được, ở cũng không xong"
(Dân trí) - Ở tuổi lẽ ra phải ổn định, nhiều nhân sự "tuổi đương xoan" lại sống trong nỗi bất an bị ép nghỉ, khó xin việc, tụt hậu trước công nghệ và đứng bên lề các đợt tuyển dụng trẻ hóa.
Còn 20 năm làm việc mà khó trụ vì tốc độ đào thải
"Bạn bè cùng lứa với tôi, cứ 10 người thì chỉ 1-2 người tạm ổn, còn lại đều khó khăn, căng thẳng như tôi", anh Vũ Thắng (42 tuổi, nhân viên ngành công nghệ) thở dài khi nói về công việc hiện tại.
Dù có chuyên môn tốt, anh vẫn cảm thấy chật vật trong một ngành thay đổi quá nhanh.
"Nhìn lớp trẻ ngày càng năng động, tài năng, tôi phải thừa nhận mình đang tụt lại. Còn đến 20 năm nữa mới nghỉ hưu, nhưng tốc độ đào thải trong ngành khiến tôi lo ngại. Tự kinh doanh cũng không phải lựa chọn phù hợp với tất cả", anh nói.

Nhiều nhân sự trung niên đứng trước nỗi lo bị đào thải vì các doanh nghiệp đặt mục tiêu trẻ hóa nhân sự (Ảnh minh họa: DT).
Trước đó, anh từng trải qua những năm tháng làm việc không nghỉ trưa, ôm thêm nhiều việc để tăng thu nhập. Cũng có những giai đoạn anh nghỉ việc để tự đầu tư, kinh doanh riêng nhưng thất bại trong quá khứ khiến anh chùn chân. Khi bước sang tuổi 40, tương lai nghề nghiệp của anh trở nên mong manh hơn bao giờ hết.
"Sếp tôi đã có xu hướng trẻ hóa đội ngũ. Ở ngành này, đâu đâu cũng vậy. Tôi ở giữa lưng chừng, ở lại cũng khó mà ra đi cũng không đành", anh thở dài.
Cùng cảnh ngộ, chị Lương Thúy Vi (40 tuổi, kế toán tại TPHCM) cho biết bị công ty gây áp lực bằng cách giao thêm việc, đổi nơi làm xa, cắt lương ngoài giờ.
"Tôi hiểu đó là cách ép tôi tự nghỉ việc. Dù đã gắn bó 10 năm và nỗ lực học cái mới để không bị tụt lại nhưng tuổi tác dường như là một "án phạt" đối với những lao động như tôi", chị nói.
Chị quyết định nghỉ tạm một tháng rồi quay lại thị trường lao động nhưng mọi thứ không dễ dàng.
"Hồ sơ ghi 40 tuổi, tôi biết mình khó qua nổi "vòng gửi xe". Tôi nộp hơn 30 công ty, nhưng hầu hết đều không phản hồi", chị kể.
Trong một hội thảo về ngành công nghệ gần đây, lãnh đạo một tập đoàn lớn thẳng thắn thừa nhận doanh nghiệp đang ưu tiên tuyển nhân sự dưới 28 tuổi. Điều này cho thấy một thực tế về cuộc cạnh tranh khốc liệt trong thị trường lao động, khi tuổi tác là một rào cản không thể chối bỏ.
Cạnh tranh khốc liệt với AI
Với nhiều người, mối đe dọa lớn không còn là bị sa thải công khai mà là bị công nghệ thay thế âm thầm.
Chị Phan Thanh Hoài, 35 tuổi, nhân viên hành chính nhân sự ở Hà Nội, kể: "Trước đây tôi khá yên tâm với công việc văn phòng và cho rằng nó là một công việc đủ ổn định để làm lâu dài. Nhưng từ khi công ty khuyến khích dùng AI, mọi thứ thay đổi. Mỗi lần sếp nói "ChatGPT làm cái này nhanh lắm", tôi lại cảm thấy hụt hẫng".

Người lao động đang phải chạy đua với tốc độ phát triển của AI (Ảnh minh họa được tạo bởi AI).
Những việc chị từng mất nhiều giờ để hoàn thành, giờ chỉ cần một cú nhấp chuột. Chị bắt đầu học cách sử dụng công cụ mới nhưng không theo kịp tốc độ của đồng nghiệp trẻ.
"Đầu óc tôi không còn nhanh nhạy như hồi trẻ. Khi vừa học được một phần mềm mới, đồng nghiệp tôi lại đã giới thiệu các AI mới với tính năng vượt trội. Càng học tôi càng thấy lo lắng. Nhưng tôi không thể đứng yên chờ bị thay thế nên vẫn cố học lại từ đầu, từng chút một", chị nói.
Lao động trung niên đối mặt làn sóng đào thải
Tại Việt Nam, năm 2023, số lao động trung niên bị sa thải tăng gấp 1,6 lần so với 2021. Riêng tại TPHCM, người lao động trên 40 tuổi chiếm gần 30% trong tổng số người mất việc.
Theo bản tin thị trường lao động quý I/2025 do Viện Khoa học Tổ chức nhà nước và Lao động thuộc Bộ Nội vụ tổng hợp, gần 43% lao động tìm việc độ tuổi 30-39.
Trên thế giới, lao động từ 45 đến 64 tuổi hiện chiếm tới 44% trong nhóm thất nghiệp dài hạn tại 8 quốc gia được khảo sát - tăng mạnh so với mức 36% vào năm 2000. Tại các nước đang phát triển như Việt Nam, tới 75% việc làm trong ngành điện - điện tử có nguy cơ bị tự động hóa.
Không chỉ bị loại khỏi vòng tuyển dụng vì tuổi tác hay chi phí, lao động trung niên còn phải cạnh tranh với trí tuệ nhân tạo - một đối thủ không ngơi nghỉ.

Lao động trung niên phải đối mặt với làn sóng đào thải (Ảnh: K.H).
Chuyên gia nhân sự khuyến cáo, thay vì lo sợ bị thay thế, người lao động trung niên nên chủ động học kỹ năng mới, đặc biệt là kỹ năng số và linh hoạt hơn trong tư duy nghề nghiệp. Thị trường vẫn cần người có kinh nghiệm, nhưng cần chứng minh mình còn phù hợp với sự thay đổi.