“Đất công cộng cũng không được khoanh làm khách sạn”
(Dân trí) - Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN MT, đất công cộng khác hẳn đất làm mặt bằng sản xuất kinh doanh, xây khách sạn. Chưa hết, xét trên nhiều phương diện, dự án khách sạn “gần công viên” Thống Nhất cũng “vênh” với pháp luật đất đai.
Thưa ông, dự án khách sạn “cạnh công viên” Thống Nhất có mục đích ban đầu là phục vụ khách quốc tế, trong bối cảnh khách quốc tế chỉ ở trong các khách sạn nhà nước. Sau 17 năm dài nằm trên giấy, đến giữa năm 2008 khi mà điều kiện hoàn cảnh đã thay đổi rất nhiều so với ban đầu, dự án mới bắt đầu khởi công?
Tôi được biết dự án xây dựng khách sạn ở trong công viên Thống Nhất được khởi thủy khi mà các khách sạn 5 sao ở Hà Nội rất rất ít. Nhưng cho đến nay, trải qua rất nhiều năm dự án mới được đưa vào triển khai.
Pháp luật đất đai của chúng ta có một qui định rất rõ: những dự án đã có đất mà sau 12 tháng không đưa đất vào sử dụng hoặc sau 24 tháng sử dụng đất không đúng tiến độ thì Nhà nước sẽ tiến hành thu hồi đất, trừ trường hợp được UBND cấp tỉnh gia hạn vì những lý do bất khả kháng theo quy định của pháp luật. Trước đây pháp luật giao cho UBND cấp tỉnh xem xét tự quyết định gia hạn hay không gia hạn cho các dự án chậm sử dụng đất, sau này Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/05/2007 đã chỉ rõ tiêu chí bình đẳng để UBND cấp tỉnh được xem xét gia hạn là nhà đầu tư gặp phải những khó khăn ngoại cảnh có tính chất bất khả kháng như khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh... Tôi đã được đọc những giải trình liên quan đến dự án này, thuyết minh rất kỹ về lịch sử dự án và theo tôi thì lịch sử đó chỉ là các lí do thiếu thuyết phục.
Có nghĩa là dự án này lẽ ra đã phải dừng?
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn. |
Trước hết, thông tin về dự án chưa được công bố thật đầy đủ như chưa đủ thông tin về quy hoạch sử dụng đất được Chính phủ phê duyệt, ngày UBND ký quyết định cho thuê đất, thời gian ký hợp đồng thuê đất, v.v. Dự án đã được triển khai với một lịch sử quá dài (từ năm 1991) mà lý do chậm triển khai không thuộc những trường hợp bất khả kháng. Đối tác liên doanh phía Việt Nam không được góp vốn bằng đất thuê của Nhà nước theo pháp luật hiện hành về đất đai. Đối tác liên doanh phía nước ngoài cũng không ổn định. Các nhà đầu tư đang có biểu hiện thiếu năng lực thực thi. Theo tôi, UBND thành phố nên dừng lại việc thực hiện dự án này vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do về quy hoạch và lý do về thực thi pháp luật đất đai.
Ngoài vấn đề tiến độ, những vấn đề khác của dự án cũng rất đáng bàn. Theo lí giải của Tp Hà Nội, tại qui hoạch quận Hai Bà Trưng năm 2.000 đã được Tp phê duyệt, lô đất xây dựng khách sạn hiện nay đã chuyển thành đất công cộng. Cứ cho đó là đất công cộng, nhưng nếu dùng để xây dựng khách sạn liệu có phù hợp?
Nếu đất công cộng chuyển sang xây dựng khách sạn?
Như tôi đã nói trên, việc chuyển đất công cộng sang sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp phải được phê duyệt trong qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Hà Nội. Trong trường hợp chưa có qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt thì cũng phải được phê duyệt trong qui hoạch xây dựng chung của thành phố Hà Nội. Các quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất phải căn cứ vào qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong trường hợp này, cấp có thẩm quyền phê duyệt là Chính phủ.
Tóm lại, cho dù qui hoạch xây dựng chi tiết của quận đã được UBND thành phố phê duyệt là đất công cộng thì cũng không hề là căn cứ pháp lý để chuyển mục đích sử dụng sang làm mặt bằng sản xuất kinh doanh (làm khách sạn).
Tổng Cty Du lịch Hà Nội tham gia dự án này bằng việc góp đất và giá đất thuê tính ra là hơn 17USD/m2/năm. Ông có đánh giá gì về giá đất như vậy?
Theo quy định của Nghị định số 142/2005/NĐ-CP về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước, tiền thuê đất thường được tính bằng khoảng 30% tiền sử dụng đất nhằm mục đích không làm tăng chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp, và UBND cấp tỉnh sẽ quyết định cụ thể tiền thuê đất phù hợp cho từng trường hợp. Vậy thì ở đây, cần xem giá đất tại khu vực này được UBND thành phố quyết định là bao nhiêu mới có thể nói là giá thuê đất 17 USD/m2/năm có phù hợp hay không phù hợp. Nhưng theo tôi, bàn về giá thuê đất như vậy chưa phải là bản chất kinh tế trong trường hợp này.
Nhưng dự án này có từ năm 1991, có nghĩa là TCty du lịch Hà Nội và đối tác của họ đang là người sử dụng đất ở đây?
Theo giải thích của chủ đầu tư trong nước và Văn phòng UBND Hà Nội thì dự án này được xem xét từ năm 1991. Không rõ là Hà Nội ban hành các quyết định giao đất hoặc cho thuê đất bao nhiêu lần rồi hoặc có thu hồi quyết định nào chưa. Có một điều quan trọng là dù quyết định giao đất, cho thuê đất có ban hành từ nhiều năm trước mà dự án chưa triển khai thì cũng phải xem xét để áp dụng các quy định mới của pháp luật khi dự án bắt đầu triển khai, nếu không thì cần áp dụng quy định thu hồi đất vì lý do dự án đưa đất vào sử dụng quá chậm. Hơn nữa, dự án này chẳng quan trọng gì mà Nhà nước ta phải thực hiện bằng mọi giá, có lợi cho nhân dân Hà Nội thì làm, không có lợi thì thôi.
Phó Chánh văn phòng UBND TP Nguyễn Văn Thịnh thừa nhận, do bối cảnh trước đây mới đặt khách sạn tại vị trí đó, còn nếu bây giờ sẽ không như vậy . Theo ông, liệu Thành phố có còn cơ hội để thay đổi việc này?
Tôi cho đây là một nhận xét rất đúng đắn, Văn phòng UBND đã thấy rõ bản chất câu chuyện này. Đã thấy thì cần phải chỉnh đốn lại dự án vì dự án cũng mới được triển khai gần đây. Hơn nữa, cơ hội thay đổi lúc này còn nhiều hơn trước đây vì qui hoạch cho Hà Nội mới đang được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện rất cụ thể. Mạng lưới công viên, mạng lưới khách sạn cao cấp cho Hà Nội mới phải là một hạng mục cần cân nhắc, sắp đặt thật hợp lý. Dự án này dừng thêm chút nữa để chờ đợi quy hoạch Hà Nội mới là việc cần phải làm. Tất cả những ngữ cảnh này đều là lý do hợp lý để trao đổi với đối tác nước ngoài, nhất là lịch sử dự án đã có tới 19 năm thu xếp.
Xin cảm ơn ông!
Cấn Cường - Phương Thảo (thực hiện)