TP Huế:
Đặt bản đồ chủ quyền biển đảo Việt Nam tại các điểm du lịch
(Dân trí) - Ngày 25/1, tin từ Sở VH-TT&DL tỉnh TT-Huế, tỉnh này đã triển khai đặt 4 bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa - Trường Sa tại 4 điểm di tích du lịch, nơi đông người qua lại tại TP Huế.
Theo đó, 2 điểm đã đặt bản đồ là Phòng chờ tàu của Ga Huế (số 2 đường Bùi Thị Xuân), Tiền sảnh Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh (số 41 đường Hùng Vương). 2 điểm còn lại sẽ đặt bản đồ vào trước Tết Nguyên đán dự kiến sẽ là Điện Thái Hòa (Đại Nội Huế) và Di Luân Đường thuộc Bảo tàng Lịch sử cách mạng tỉnh Thừa Thiên – Huế (cùng đường đường 23 tháng 8).
Mỗi điểm trưng bày 4 tấm bản đồ gồm: Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ (xuất bản năm 1904, dưới thời nhà Thanh); An Nam đại quốc họa đồ (Jean-Louis Taberd, năm 1838); Đại Nam nhất thống toàn đồ (xuất bản 1834, dưới triều Minh Mạng) và Bản đồ các đài khí tượng Đông Dương (năm 1940).
Phía trên cả 4 bản đồ đều có ghi dòng chữ màu đỏ “Bản đồ khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam”. Mỗi bản đồ đều có chú thích phía dưới theo thứ tự 3 thứ tiếng: Việt Nam – Anh và Trung Quốc. Riêng 2 bản đồ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ và An Nam đại quốc họa đồ có khổ lớn cao hơn 1,5m.
Bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” đã chỉ ra: “Trên bản đồ có ghi điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc lúc đó chỉ đến đảo Hải Nam. Bản đồ không đề cập đến hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa - tức là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (nguồn: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam)”.
Trên bản đồ thứ hai “An Nam đại quốc họa đồ” ghi rõ: “Trên bản đồ vẽ quần đảo ‘Paracel seu Cát Vàng’ (Quần đảo Hoàng Sa) thuộc lãnh thổ Việt Nam (nguồn: trung tâm dữ liệu Hoàng Sa).
Bản đồ “Đại Nam nhất thống toàn đồ”, trên bản đồ có ghi Hoàng Sa và Vạn Lý Trường Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam (nguồn: trung tâm dữ liệu Hoàng Sa).
Cuối cùng, tại bản đồ các đài khí tượng Đông Dương thì đài khí tượng Pattie (Hoàng Sa) và đài khí tượng Itu Aba (Trường Sa) là hai đài khí tượng cấp quan trọng nhất ở Đông Dương (nguồn: trung tâm dữ liệu Hoàng Sa).
Có mặt tại Ga Huế chiều 25/1 ở phòng chờ tàu, PV chứng kiến khá đông du khách cả Việt Nam lẫn nước ngoài đều rất quan tâm đến những tấm bản đồ này. Một cán bộ phòng Hành chính của Ga Huế cho biết, sau khoảng nửa tháng được đặt tại đây, bản đồ đã thu hút sự chú ý của nhiều du khách các nước. “Họ dừng lại khá lâu trước các bản đồ để tìm vị trí các đảo cũng như chụp ảnh lưu lại”, người cán bộ này nói.
4 bản đồ nằm ở 2 tường vuông góc bao quanh các hàng ghế ngồi của khách chờ tàu
1 người đang chăm chú tìm các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam trên bản đồ.
Đại Dương