1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hòa Bình:

Đập phá mộ lấy sắt thép bán sắt vụn

Đến nghĩa trang TP Hòa Bình, người ta dễ lầm tưởng đây là một công trình xây dựng đang được cải tạo lại, tuy nhiên qua tìm hiểu, mới vỡ ra, những đống đổ nát đó là hậu quả của việc người dân địa phương vào nghĩa trang đập phá các ngôi mộ, để lấy sắt vụn đem bán.

Chết cũng không yên

Rộng khoảng 6 ha, nghĩa trang thành phố Hoà Bình, thuộc địa bàn của phường Chăm Mát, là nơi toạ lạc của hàng chục nghìn ngôi mộ. Thế nhưng từ đầu năm 2007 đến nay, nạn đập phá các ngôi mộ lấy sắt vụn và cậy các bát hương bán lấy tiền, đã làm cho khu nghĩa trang nay không còn yên tĩnh như tên gọi vốn có của nó.

Theo tính toán sơ bộ, có hơn 6.000 ngôi mộ đã bị đập phá để lấy sắt thép. Những ngôi mộ được xây khang trang, tốn kém của các gia đình nay trở nên nham nhở bởi các vết đập phá của “mộ tặc”.

Ông Nguyễn Văn Liểu, người quản trang đã gắn bó hơn 50 năm ở đây, chua xót nói: “Ngày xưa, mọi người đói thì chỉ lấy xôi, đồ cúng của các mộ vừa mới chôn xong để ăn. Bây giờ, họ lấy tất, từ hàng rào bằng cọc tre, cổng sắt, đến cột trụ bê tông hoặc những bát hương thờ ở những ngôi mộ được xây kiên cố. Nói chung cứ trên mộ có cái gì liên quan đến sắt thép, là họ đập phá”.

Với vẻ bất lực, ông Liểu cho biết thêm: “Chúng tôi thực sự bất lực trước hiện tượng này, nên đã báo cáo công an phường và công ty môi trường đô thị thành phố cùng phối hợp để ngăn chặn, nhưng tình hình vẫn không giảm. Bọn chúng toàn lấy vào ban đêm, lúc nghỉ trưa, hoặc những lúc mà mọi người nghỉ ăn cơm nên rất khó kiểm soát”.

Cơ quan chức năng bất lực

Tình cờ chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Hoà, ở phường Phương Lâm, TP Hoà Bình, đang hì hục trùng tu lại khu mộ của gia đình, vừa bị bọn đạo tặc lẻn vào đập phá mấy hôm trước.

Không giấu nổi sự bức xúc, anh Hoà nói: “Tôi không thể hiểu nổi tại sao tình trạng này xảy ra liên tục mà các cơ quan chức năng địa phương lại không có biện pháp ngăn chặn. “Nghĩa tử là nghĩa tận” vậy mà bọn chúng vẫn không tha cho người đã khuất được yên nghỉ.

Tôi mong rằng các cơ quan, các ngành cần có những biện pháp tích cực để kiểm soát được tình hình này. Các anh thấy đấy, khu mộ tổ của ông bà chúng tôi tan hoang thế này, nhưng không phải là lần đầu đâu, mà đây là lần tu sửa thứ 3 rồi đấy.

Hai lần trước, chúng đập phá các cột bê tông và cậy bát hương. Sau đó, gia đình tôi tu sửa lại và làm cổng sắt khoá chắc chắn. Thế mà bọn chúng vẫn bẻ khoá và bê luôn cả chiếc cổng sắt rộng 1m, cao 1m80 mà gia đình vừa mới làm mất hơn 1 triệu đồng. Cứ cái đà này chẳng biết gia đình chúng tôi còn phải sửa chữa thêm bao nhiêu lần nữa”.

Một cán bộ Công an phường Chăm Mát cho biết: “Hiện tại, chúng tôi cũng tăng cường lực lượng tuần tra vào ban đêm, nhưng khu nghĩa trang quá rộng không thể kiểm soát được. Tháng trước chúng tôi phối hợp với công an phường Thái Bình (TP Hoà Bình) bắt giữ được ba đối tượng đập phá mộ đang trên đường mang sắt vụn đi bán. Do không bắt được tận tay, nên chúng tôi cũng chỉ xử lý hành chính”.

Khi đề cập đến trách nhiệm của đơn vị chủ quản nghĩa trang, ông Liểu nói: “Công ty môi trường đô thị thành phố Hoà Bình không có bất kỳ động thái nào nhằm ngăn chặn tình trạng trên. Nhiều khi tôi báo cáo thì họ cho rằng do sự việc xảy ra ngoài giờ hành chính, nên không có người mà trông coi”.

Theo Gia đình & xã hội