1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

"Đào rừng có vài cái hoa mà chặt cả cây về chơi Tết rất lãng phí"

Nguyễn Dương

(Dân trí) - GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng cho rằng "đào rừng có vài cái hoa mà chặt cả cây về chơi Tết thì rất lãng phí".

Mới đây, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021, do Bộ NN&PTNT tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tuyệt đối không được chặt cây rừng, như đào rừng, mai rừng và các loại cây khác ở núi rừng chở về các thành phố lớn để buôn bán vào mỗi dịp Tết.

"Hôm nay Thủ tướng tuyên bố, ai mà mua - bán, vận chuyển, tiêu thụ những cây rừng, chặt phá như vậy là vi phạm. Trên các bờ đê, đường phố họ chặt cây đào đẹp như thế chở về la liệt, bán không được thành củi luôn...", Thủ tướng nhấn mạnh.

Đào rừng có vài cái hoa mà chặt cả cây về chơi Tết rất lãng phí - 1

Trong vài năm gần đây, đào rừng được nhiều người quan tâm, chọn chơi ngày Tết vì mang vẻ đẹp khác lạ so với đào trồng truyền thống của vùng đồng bằng. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng trào lưu này đã để lại hệ lụy xấu đến môi trường, cảnh quan.

Liên quan đến nội dung trên, trao đổi với phóng viên Dân trí, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng - cho rằng, đào rừng hay còn gọi là đào tự nhiên rất ít hoa so với đào trồng (đào nhà). Do đó, khi chơi đào rừng vào dịp Tết người dân phải chặt cả cây cao to, rất lãng phí.

"Đào rừng cũng có tác dụng giữ đất để tránh xói mòn khi có mưa lũ. Đào rừng rất ít và thưa hoa. Đào mình trồng chỉ cao được 1-2m, nhưng đào rừng có thể cao đến 3-4m, thậm chí là 4-5m, mà chặt cả cây về chơi Tết thì rất lãng phí", GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung nói.

Cũng liên quan đến nội dung trên, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, cần thiết phải kiểm soát chặt việc chặt phá đào rừng, đào cổ thụ mang về xuôi phục vụ thú chơi cây cảnh ngày Tết của một bộ phận người dân để bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên của nhiều địa phương, để những cây đào rừng quý, có tuổi đời lâu năm không bị chặt phá.

"Yêu cầu này của Thủ tướng hướng đến lưu giữ nét đẹp của tập quán hái lộc đầu năm của dân tộc ta, không chặt phá cây rừng, tổ chức Tết Trồng cây Tân Sửu hiệu quả, thiết thực. Nội dung yêu cầu này của Thủ tướng nhằm triển khai một bước việc trồng mới 1 tỷ cây xanh, tăng cường bảo vệ rừng, trong đó có nội dung nghiêm cấm chặt phá đào rừng, cây rừng, vận động người dân hái lộc có văn hóa, hái lá không hái cành" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Cũng theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, thực tế, trong luật đã quy định việc cấm chặt phá cây rừng, trong đó có đào rừng. Tuy nhiên, ông Tuấn thừa nhận việc bảo vệ, quản lý những cây đào rừng còn chưa được quan tâm đúng mức. 

Vài năm gần đây, do nhiều người dân có thú chơi đào rừng vào ngày Tết, không ngần ngại trả mức giá rất cao để được sở hữu một gốc đào rừng nên đào rừng ở nhiều địa phương vùng Tây Bắc có nguy cơ bị tận diệt.

Để hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng chặt phá đào rừng mỗi dịp Tết đến Xuân về, theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, phải có sự vào cuộc của cả chính quyền địa phương, quản lý thị trường, lực lượng công an chứ không phải chỉ là việc của lực lượng kiểm lâm. 

"Một việc khó như cấm đốt pháo chúng ta còn thực hiện được và rất hiệu quả thì tôi nghĩ với việc cấm chặt phá đào rừng cổ thụ, nếu chính quyền vào cuộc sát sao, tuyên truyền, vận động người dân không chặt phá bừa bãi, người dân nâng cao nhận thức, từ bỏ thói quen chơi đào rừng ngày Tết thì tôi tin những cây đào rừng sẽ được bảo vệ, tỏa sắc làm đẹp cho núi rừng" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh. 

Ngày 26/12, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giải thích, chỉ đạo của Thủ tướng nhằm cấm chặt phá đào rừng tự nhiên mang về thành phố chơi tết. Còn người dân miền núi hay miền xuôi trồng được đào để bán dịp tết thì cần khuyến khích, vì vừa để người dân có cây đẹp chơi tết, vừa góp phần tăng thu nhập cho người trồng.