Thủ tướng: Xử lý nghiêm việc chặt đào rừng về chơi Tết
(Dân trí) - Trước hiện tượng chặt cây rừng, đào rừng về bán cho người dân chơi Tết, ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường, Thủ tướng cho rằng đây là hành vi vi phạm, cần xử lý nghiêm.
Chiều 24/12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm 2020 là một thiên tai, nhân tai, dịch bệnh kể cả Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành nông nghiệp vô cùng nặng nề.
"Tuy nhiên, 2020 cũng là một năm thành công, có nhiều điểm sáng, toàn diện và ngành Nông nghiệp trong khó khăn, một lần nữa thể hiện vai trò sống còn, là bệ đỡ, là cứu cánh của nền kinh tế quốc dân", Thủ tướng khẳng định.
Về kế hoạch năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần, biến nguy cơ thành thời cơ, nguy cơ là sự cực đoan của khí hậu, nhưng chúng ta có kinh nghiệm chống chọi lại với thiên nhiên và đặc biệt thời cơ rất lớn, đó là thị trường được mở ra với việc tham gia 14 hiệp định tự do (FTA), trong đó, có 3 hiệp định ký trong nhiệm kỳ này là CPTPP, EVFTA, RCEP.
Đối với các mục tiêu ngành nông nghiệp năm 2021, Thủ tướng nhấn mạnh, phải đạt tăng trưởng khoảng 3%, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản hơn 3%. Thủ tướng mong muốn toàn ngành phấn đấu làm sao đạt kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 44 tỷ USD.
Tỷ lệ che phủ rừng ổn định mức 42% và tập trung nâng cao chất lượng rừng. Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 70%; ít nhất 200 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh 91%. Thành lập mới 2.000 HTX nông nghiệp; cả nước có gần 20.00 HTX nông nghiệp, trong đó trên 16.500 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả.
Đặc biệt, Thủ tướng nhắc lại phát động và triển khai kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh ở đô thị và nông thôn.
Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, trong đó ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông tin trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị, kết nối đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành nền sản xuất nông nghiệp thông minh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, giải phóng lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng.
Phát triển thị trường, cần coi trọng cả xuất khẩu và thị trường trong nước, triển khai chương trình "Đưa hàng hóa từ nông thôn vào thành thị". Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai để chủ động chỉ đạo sản xuất.
Với truyền thống vượt khó của nông nghiệp, nông thôn, nông dân, Thủ tướng tin rằng chúng ta sẽ xây dựng một nước có nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Nông dân sẽ ngày càng giàu có hơn. Nông thôn sẽ ngày càng văn minh, phồn vinh, thân thiện và đáng sống hơn.
Kết thúc bài phát biểu, đặt ra câu hỏi mang tính thời sự là Tết này người dân sẽ ăn gì, hoa gì, cây gì, giá cả nào, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tích cực chuẩn bị vấn đề này từ bây giờ. Trong đó, phải bảo đảm nguồn cung thịt lợn, không để giá lợn tăng cao.
Trước hiện tượng chặt cây rừng, đào rừng về bán ở trong dịp Tết, ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường, Thủ tướng cho rằng, đây là hành vi vi phạm, cần xử lý nghiêm túc.