Đảo Phú Quý tan hoang vì bão
7 giờ sáng nay (5/12), bão số 9 đã đi sâu về phía Nam, trên vùng biển Bến Tre - Kiên Giang - Cà Mau, để lại phía sau một quang cảnh hoang tàn của đảo Phú Quý, Bình Thuận. Đã có 2 người tại Hàm Tân bị chết vì bão, 2 người bị thương.
Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quý Huỳnh Văn Hưng không giấu nổi sự bàng hoàng khi miêu tả thiệt hại sau cơn bão. 350 tàu thuyền bị chìm, hơn 400 nhà dân bị tốc mái và sập, 2 người bị chấn thương sọ não. Hiện chưa có thiệt hại cụ thể về người.
22h tối qua, phóng viên còn liên lạc được bằng điện thoại với ông Huỳnh Văn Hưng, nhưng nửa giờ sau, toàn bộ hệ thống thông tin đã bị cắt do bão mạnh lên cấp 10. Rạng sáng nay, liên lạc mới được nối lại. “4 giờ sáng, khi gió bão bắt đầu ngớt đi, nhìn ra bến cảng đang neo đậu tàu thuyền thì hết sạch, không còn một chiếc nào”, Chủ tịch Hưng thảng thốt.
Đây là điểm đầu tiên của đất liền bị cơn bão số 9 đổ bộ trực tiếp với sức gió mạnh cấp 9, giật cấp 10.
5 giờ sáng nay, bão Durian đã trực tiếp ảnh hưởng đến TPHCM. Mưa nhẹ, gió khoảng cấp 4 khiến lá cây rụng đầy đường. Theo ảnh mây vệ tinh cập nhật lúc 4 giờ của Khí tượng thủy văn Việt Nam, bão sẽ không đổ bộ trực tiếp vào TPHCM mà chỉ tác động bởi hoàn lưu bão.
Thiệt hại nặng ở huyện đảo Phú Quý
Tin điện mới nhất từ đảo Phú Quý cho biết, gió lớn giật trên cấp 12 với những đợt sóng cao trên 8m đã gây thiệt hại lớn cho huyện đảo này. Tính đến 9 giờ sáng nay 5/12, đã có 820 tàu thuyền tránh bão ở đây bị đánh chìm và gần 2.000 căn nhà bị giật sập, 400 phòng học đổ nát. Thiệt hại ước tính trên 350 tỷ đồng.
Đến 7 giờ sáng nay, UBND Tỉnh Bình Thuận và đại diện ban công tác chính phủ họp bàn biện pháp khắc phục chi viện cho Phú Quý, tuy nhiên trong điều kiện thời tiết hiện thời không có tàu thuyền nào ra đảo được.
Theo đại tá Nguyễn Văn Mạnh, Phó tham mưu trưởng Quân Khu 7, trong ngày hôm nay trực thăng chưa thể bay ra đảo. Nhu cầu hiện tại của huyện đảo Phú Quý là nhà bạt cho 1.112 hộ không có chỗ ở và lương thực cho người dân tại đây.
Tại một số địa bàn khác ở Bình Thuận như thị xã La Gi, có 178 căn nhà bị tốc mái và 2 chiếc tàu bị chìm, 2 người tử vong, đó là hai mẹ con trú bão trong gác chuông nhà thờ Đồng Tiếng thì bị gác chuông sập đè chết.
Đoạn quốc lộ 1 qua eo Cà Ná nối liền 2 tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận bị sóng đánh sạt lở đến mép đường. Hiện tại, ở huyện Tuy Phong có 24 căn nhà bị tốc mái. |
Theo Vnexpress, Tuổi Trẻ