1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đánh giá công tác phòng chống tham nhũng năm 2017

(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ đang tổ chức hội nghị tập huấn đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2017.

(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

Theo kế hoạch của Thanh tra Chính phủ, trên cơ sở kết quả của năm 2016 sẽ tiếp tục triển khai thí điểm áp dụng Bộ công cụ đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng tại UBND các cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017 nhằm hoàn thiện bộ chỉ số, phục vụ việc xây dựng quy định đối với đánh giá công tác phòng chống tham nhũng.

Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh năm 2017 được Thanh tra Chính phủ ban hành mới đây có tổng thang điểm 100 với 4 nội dung đánh giá.

Chỉ số đầu tiên là Quản lý nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng (20 điểm), bao gồm đánh giá các nội dung: Lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng chống tham nhũng; nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế về công tác quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống tham nhũng...). 3 chỉ số còn lại là Kết quả thực hiện các biện pháp phòng ngừa (30 điểm); Phát hiện các hành vi tham nhũng (25 điểm) và Xử lý các hành vi tham nhũng (25 điểm).

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam, thông qua việc đánh giá sẽ tăng cường phối hợp công tác giữa Thanh tra Chính phủ và UBND cấp tỉnh về công tác phòng chống tham nhũng trên cơ sở phối hợp đánh giá, chia sẻ và nhân rộng những thực tiễn tốt, hỗ trợ các hoạt động trong công tác này. Đồng thời nâng cao hiệu quả, chất lượng thông tin, báo cáo công tác và từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác phòng chống tham nhũng.

Trước đó, báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh năm 2016 chỉ đạt được 58,11% yêu cầu. Điều này cho thấy còn có khoảng cách rất xa để đáp ứng được mục tiêu phi tham nhũng mà Đảng, Chính phủ cũng như người dân đã đề ra.

Thanh tra Chính phủ nhận định, điểm công tác phòng chống tham nhũng giữa các địa phương không đồng đều và có khoảng cách khá xa.

“Khoảng cách điểm giữa các tỉnh phân tán cho thấy rằng cần phải có sự quan tâm thực sự tới công tác phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh với chính sách có phân loại và một chương trình hỗ trợ thỏa đáng từ Trung ương”- báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Trên cả nước, tỷ lệ xác minh tài sản thu nhập đối với tổng số bản kê khai trong cả nước là 0,057% tức là cứ 12.000 người thực hiện kê khai chỉ có 6 người được xác minh tài sản thu nhập. Việc triển khai, thực hiện xác minh còn bị động, thủ công, thiếu thống nhất, lãng phí nguồn lực cho cả các cơ quan quản lý công tác kê khai cũng như người có nghĩa vụ phải kê khai, trong khi đó việc kê khai tài sản thu nhập chưa giúp cơ quan nhà nước kiểm soát được tính trung thực của bản kê khai.

Mới đây nhất, Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) 2017, xếp hạng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên ý kiến đánh giá của các chuyên gia và doanh nhân về tham nhũng trong khu vực công. Trong đó, Việt Nam đạt 35/100 điểm, xếp hạng 107/180 toàn cầu.

Tổ chức này cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, củng cố và xây dựng các thể chế hiệu quả, gắn với trách nhiệm giải trình và có sự tham gia của toàn xã hội.

T.K