Sẽ trình Quốc hội 2 phương án xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực

(Dân trí) - Ngày 14/3, Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã họp lấy ý kiến các thành viên về một số nội dung đang còn có ý kiến khác nhau, trong đó quy định tại Điều 59 về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực và tài sản thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý.

Điều 59 dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực; tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý theo 2 phương án. Thứ nhất, xử lý tài sản, thu nhập thông qua việc thu thuế và xử lý vi phạm hành chính về thuế (nếu có). Thứ hai, xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không hợp lý.

Phó Tổng Thanh Nguyễn Văn Thanh cho rằng, nếu dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng không có giải pháp về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực và tài sản thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý thì không được. Tuy nhiên hiện nay quy định tại Điều 59 còn nhiều ý kiến khác nhau. Mặc dù vậy, các cơ quan tham gia soạn thảo đánh giá đây là giải pháp răn đe, phòng ngừa.

Thông tin từ Thanh tra Chính phủ cho biết, sau khi thảo luận, cho ý kiến, Ban soạn thảo đã thống nhất để Chính phủ trình 2 phương án nêu trên ra Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tới đây.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Trước đó, tại phiên họp thẩm tra dự án luật do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức, nhóm nghiên cứu của Ủy ban này cho rằng, hiện nay chưa có quy định xử lý tài sản mà người sở hữu có được một cách bất thường, không giải trình được hoặc giải trình không hợp lý về nguồn gốc hợp pháp, trong khi đây là những tài sản tiềm ẩn nguy cơ có nguồn gốc từ tham nhũng, vi phạm pháp luật.

Nếu luật định chung một hình thức xử lý cho tất cả các trường hợp kê khai không trung thực và tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý là chưa phù hợp.

Tài sản, thu nhập không trung thực nhưng chứng minh được nguồn gốc hợp pháp; tài sản, thu nhập kê khai không trung thực và không giải trình được, giải trình không hợp lý về nguồn gốc; tài sản, thu nhập có kê khai nhưng không giải trình được, giải trình không hợp lý về nguồn gốc… ứng với cách phân loại tài sản, thu nhập là cách xử lý khác nhau.

Theo nhóm nghiên cứu, nếu có xử lý về tài sản thì mức độ xử lý cũng phải thấp hơn so với tài sản không giải trình được nguồn gốc hợp lý. Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng phải bổ sung quy định về giá trị tối thiểu của tài sản không trung thực sẽ bị xử lý để bảo đảm tính phù hợp trong thực hiện.

Với cách thức xử lý cụ thể về tài sản, thu nhập không giải trình được, nhóm nghiên cứu có hai 2 loại ý kiến. Loại thứ nhất, nhiều ý kiến tán thành với quan điểm của Chính phủ là xử lý thông qua thu thuế thu nhập cá nhân với mức thuế suất 45%. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, có thể áp dụng chế tài xử phạt của Nhà nước theo hướng tài sản này sẽ bị tịch thu một phần.

Nhóm nghiên cứu cho rằng việc truy thu thuế thu nhập cá nhân là không đúng với bản chất của sắc thuế này; đồng thời sẽ không rõ là trong trường hợp này có tiếp tục xử lý về hành vi trốn thuế hay không.

Việc xử phạt sẽ do cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thực hiện không phải thực hiện thông qua cơ quan thuế. Trình tự, thủ tục xử phạt được thực hiện theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Nhóm nghiên cứu tán thành với đề xuất trường hợp không đồng ý với việc xử lý của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập thì có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, để tòa án giải quyết được các trường hợp này thì cần phải sửa đổi pháp luật về tố tụng theo hướng quy định cán bộ, công chức, viên chức, có nghĩa vụ chứng minh tính hợp lý trong việc giải trình nguồn gốc tài sản của mình.

Thế Kha