1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Đánh đu” mạng sống cho cầu treo xuống cấp

(Dân trí) - Bao nhiêu năm qua, hàng trăm con người các làng bên kia sông huyện Đông Giang (Quảng Nam) vẫn “đu” mạng sống của mình khi đi qua cầu treo đã xuống cấp trầm trọng.

Khó khăn đủ bề

 

Cây cầu Tà Vạt (thị trấn P’rao, huyện Đông Giang) là cây cầu treo duy nhất nối thôn Tà Vạt với thôn Ka Deh và là lối đi duy nhất để lên được thị trấn P’rao, có chiều dài 90m, cách mặt nước sông Tà Lu khoảng 10m.

 

Tuy nhiên cây cầu này đã xuống cấp trầm trọng và hiện nay vẫn chưa được sửa chữa, dầm cầu được ghép lại bằng cách lót ván, thanh lan can đã bị hỏng và đứt, bề rộng cầu chỉ khoảng 1m, vừa đủ qua lại từng người một.
 
Người đi cầu chỉ có thể đi bộ theo hàng một

Người đi cầu chỉ có thể đi bộ theo hàng một

 

Đây là con đường “độc đạo” của 193 người dân Tà Vạt. Hằng ngày có đến hàng trăm lượt người qua lại, nhất là thời điểm học sinh đi học về, người và xe đạp nối đuôi nhau từ đầu cầu đến cuối cầu, khi xe máy chạy ngang qua cầu cùng lúc, có thể diễn ra cảnh “tắc nghẽn” giao thông… Trong khi chính quyền khuyến cáo chỉ nên đi từng người một.

 

Em A Rất Thị Hé (lớp 12/4, trường THPT Quang Trung) cho biết: “Mỗi lần đi học em phải đi qua cầu. Mùa nắng thì còn đỡ, mưa xuống, cầu trơn rất dễ trượt. Nhiều bạn phải bỏ học vì không thể đi lại vào mùa mưa”.

 

Bên cạnh đó, việc giao lưu buôn bán cũng gặp không ít khó khăn, chúng tôi tìm đến nhà trưởng thôn A Rất Khô, và lắng nghe câu chuyện “giao thương” của thôn cách sông, cách cầu.

 

Trưởng thôn A Rất Khô nói: “Việc trao đổi hàng hóa thật ra là không đi được, vì thương lái không vô được, có chuối có mì không biết bán đi đâu”.

 

Ông kể, những mùa nước lên, người dân thôn Tà Vạt làm bè, vận chuyển vật liệu, trâu bò đi qua sông để buôn bán, ông nói: “Con người đi qua cầu còn sợ, huống chi trâu bò, nên mỗi lần bán trâu bò là dân lại đưa thuyền bè xuống sông hoặc dắt bò lội nước”.

 

Theo đó, mỗi năm, thôn Tà Vạt sản xuất 441 gốc chuối, hơn 9 sào sắn, 750 gốc mía và hơn 262 gia súc gia cầm, thêm đó là 10,4 ha keo rừng…Tất cả đều phải vận chuyển bằng đường sông, ngay cả vật liệu xây nhà.

 

Chính vì khó khăn nên nhiều người dân thôn Tà Vạt dù sản xuất được loại “đặc sản” lúa nếp thơm, một loại lúa rất khó trồng mà chỉ vùng núi mới có, dù không phun thuốc, sản xuất tự nhiên vẫn phải chẳng thể tiêu thụ.

 

Bi hài câu chuyện “rơi” cầu
 
Người đi cầu chỉ có thể đi bộ theo hàng một

 

Nhắc đến chuyện cây cầu treo, trưởng thôn Tà Vạt kể, có lần anh A Rất Nhin và A Rất Blờ, đi qua cầu vào buổi tối, chẳng may lọt cả người xuống cầu, ông nói: “Giờ người nó toàn đinh, lỗ lỗ trên người, chủ yếu là dân say rượu đi choạng vạng nên bị lọt kẽ cầu”.

 

Tìm đến cây cầu K8, thôn K8, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, nơi 152 con người đi chung 1 cây cầu treo, nghe trưởng thôn kể chuyện rớt cầu ở độ cao tận 10m mà vẫn thoát chết.

 

Trưởng thôn K8, A Rất Binh kể: “Cách đây khoảng 3 năm, sau cuộc họp dân tại nhà Rông, làng có đãi rượu. Sau khi tan, nhiều người đi về, riêng anh A Lăng Việt và Briu Ní lại qua cầu để sang đường lớn. Tuy nhiên cây cầu có lan can rất thấp, chưa đầy 50cm. Nên hai người đã bị rơi xuống cầu, rất may nhờ con nước sông lớn, nên không chết. Sau đó được người dân đưa đi trạm xá xã Sông Kôn”. Theo trưởng thôn, đã có nhiều người rớt mà không chết vì gặp nước sông dâng, ông cũng khuyên nhiều người hạn chế đi lại trên cầu khi đã uống rượu.

 

Để đảm bảo an toàn dân sinh, các trưởng thôn cũng vận động người dân mang ván lót cầu. Hiện nay toàn huyện Đông Giang có 17/18 cây cầu đang xuống cấp trầm trọng, trong đó thì có đến 3 cây cầu là không đi được, và bắt buộc phải tháo dỡ, là cầu treo thôn K8 (xã Sông Kôn) không đi được, cầu dân sinh A Dinh 2 (Thị trấn P’rao) đã tháo dỡ và cầu Ra Vã (xã A Ting) không đi được. Tuy nhiên trên thực tế dân vẫn đi qua cầu hằng ngày, vì nếu tháo dỡ phải đi đường vòng rất xa, nên nhiều thôn vẫn…quyết tâm giữ cầu.

 

Nguyễn Trang