“Đánh cược” tính mạng trên cầu phao dài hàng trăm mét
(Dân trí) - Cây cầu phao cũ kỹ dài hàng trăm mét bắc qua sông Chu, hàng ngày không ít người dân từ các xã lân cận phải chấp nhận “đánh cược” tính mạng của mình khi đi qua chiếc cầu phao đầy hiểm nguy này.
Theo phản ánh của người dân sống gần khu vực cầu phao Vồm, bắc qua sông Chu, nối liền hai xã Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) và xã Thiệu Hợp (huyện Thiệu Hóa) rất nguy hiểm đối với người và phương tiện mỗi khi qua lại do công tác quản lý lỏng lẻo.
Cây cầu được thiết kế thô sơ dài gần 200m, rộng khoảng 2m, mặt cầu lát bằng ván, hai bên là những cây luồng và phía đưới là các thùng phi dùng làm phao, cầu không có dây văng hay lan can rất nguy hiểm. Đặc biệt là những đoạn nối chỉ có một đến hai tấm ván nhỏ, người và phương tiện khi qua đây chỉ cần sơ suất nhỏ là rơi ngay xuống sông. Hơn nữa, những đoạn nối lại nằm giữa sông, nơi nước chảy mạnh và sâu, lực lượng cứu hộ, và phương tiện cứu hộ khi có người gặp nạn là không có.
Đường dẫn từ cả hai đầu cầu có độ dốc cao, lại chỉ được bắc bằng những tấm ván không cố định rất nguy hiểm. Ngay phía đầu cầu hướng Thiệu Hợp qua có đặt một biển cấm chạy xe trên cầu. Tuy nhiên, thực tế qua sát của phóng viên, hầu như mọi người đi xe máy qua đây đều không xuống dắt bộ mà đi thẳng qua cầu.
Ông Quản Hữu Vinh, xã Thiệu Hợp cho biết: “Cầu rất nguy hiểm, khi tuyên truyền, ý thức của người dân cũng kém nên cứ đi bừa. Hôm nào có công an xã thì xuống dắt, còn không thì mặc kệ. Ngày trước cầu được làm rất thô sơ, mới đây sửa chữa lại bằng thùng phi. Người dân chúng tôi mơ ước có một cây cầu cứng để đi lại cho thuận tiện và an toàn hơn”.
Chính quyền địa phương hai xã Thiệu Khánh và Thiệu Hợp cũng công nhận nhiều năm gần đây, gần như năm nào cũng có người chết và bị thương do rơi xuống sông khi qua cầu. Đáng thương nhất là vào đầu năm có một nữ sinh viên trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa đi qua đây bị rơi cả người và xe máy xuống sông, mất mạng.
Cây cầu phao này do hai xã Thiệu Khánh và Thiệu Hợp cùng quản lý khai thác theo hình thức chia đôi, mỗi xã quản lý một nửa cầu. Nửa bên xã Thiệu Khánh do công ty Tuấn Minh thầu, mỗi năm đóng cho xã 70 triệu đồng.
Theo khảo sát của phóng viên, giá mỗi lượt qua cầu đối với người đi bộ là 1.000đ, xe đạp là 2.000đ và xe máy là 5.000đ, nếu đi xe máy chở thêm một người là 7.000đ. Cả chiều đi và về đều phải đóng tiền.
Ông Hoàng Huy Chung, Chủ tịch UBND xã Thiệu Khánh cho biết: “Địa phương hợp đồng với công ty Tuấn Minh theo hình thức giao thầu thu phí một năm 70 triệu đồng. Hư hỏng nhỏ thì công ty sửa chữa, hư hỏng lớn thì địa phương đầu tư”.
Trước việc nhiều vụ tai nạn xảy ra đối với người dân khi qua cầu, ông Chung khẳng định: “Nếu sự cố xảy ra bên nào thì bên đó phải chịu trách nhiệm. Bên Thiệu Khánh chưa xảy ra vụ tai nạn nào cả. Ở đầu cầu có cấp áo phao và chỉ sử dụng vào mùa mưa. Qua cầu phải dắt xe, nếu ngồi xe đi, công an xã phát hiện sẽ xử lý”.
Tuy nhiên, khi phóng viên chỉ ra trường hợp có người bị nạn thì ông Chung cho rằng cái đó chưa nghe ai báo cáo nên chưa biết và ông này cũng công nhận năm nào cũng có người bị nạn khi qua cầu này, còn vấn đề trách nhiệm thì vị Chủ tịch xã không đề cập.
Không chỉ thu phí đối với người và phương tiện qua cầu, ở giữa cầu có một đoạn được cắt ra để cho thuyền, bè và xà lan qua, mỗi lần mở cầu thì đều phải đóng phí. Chiếc cầu này là nơi đi lại, giao lưu của người dân các xã: Thiệu Duy, Thiệu Hợp, Thiệu Thịnh, Thiệu Nguyên và xã Thiệu Khánh cũng như người dân Thiệu Hóa với thành phố Thanh Hóa. Ngoài ra còn có các thầy cô giáo qua sông đi dạy. Nếu không muốn qua cầu thì người dân phải đi đường vòng xa gần chục km nữa.
Ông Lê Hồng Lan, Chủ tịch UBND xã Thiệu Hợp cũng khẳng định: “Cả cụm dân cư ở đây trước cũng có đề nghị làm cầu cứng và có dự án nhưng bây giờ vẫn tồn tại như vậy, dự án không thực hiện được. Nhận thức của người tham gia giao thông hơi kém, có cấm đi xe trên cầu thực tế thì xe cộ cũng lao như thế. Mấy năm gần đây cũng có người rơi xuống sông”.
Trao đổi với Dân trí, ông Trịnh Văn Bản, Chánh văn phòng UBND thành phố Thanh Hóa cho biết: “Địa bàn rộng nên có rất nhiều cầu phao, mà nhiều cầu phao không bài bản rồi thì quản lý sẽ không bài bản. Đa phần các xã chịu trách nhiệm. Dự án cầu Thiệu Khánh nằm trong chương trình phát triển giao thông quốc gia. Nếu làm cầu phao chất lượng thì cần phải đầu tư tiền tỷ”.
“Chúng tôi sẽ báo cáo thường trực qua phòng đô thị để xuống kiểm tra thực tế xem trách nhiệm quản lý đến đâu. Việc thu phí là đúng, nhưng cần phải tu sửa, bảo dưỡng, chăm sóc cầu, đảm bảo đi lại an toàn, có đoạn nào cần bổ sung lan can thì bổ sung. Về mùa lũ thì kiên quyết cắt không cho đi”, ông Bản nói.
Duy Tuyên