1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nam Định:

Dân tố công trình móng cột điện cao thế 220kV đổ bê tông… bằng đất

(Dân trí) - Được nhà thầu thi công thuê máy trộn bê tông cùng công nhân để đổ bê tông cho 2 móng cột điện cao thế 220kV chạy qua địa bàn xã Đại An, huyện Vụ Bản, anh Hồi đã phát hiện phần bê tông đổ móng chỉ có một ít xi măng trộn đá sỏi, còn lại là đất trộn qua loa...

Sau một thời gian được nhà thầu thi công phần móng cột điện của đường dây 220kV chạy qua địa bàn xã Đại An, huyện Vụ Bản, thuê máy trộn bê tông và mình làm cho công trình này với giá 1,2 triệu/1 ngày. Anh Vũ Ngọc Hồi (SN 1974), trú tại thôn An Hưng, xã Đại An, huyện Vụ Bản đã phát hiện ra nhiều khuất tất trong việc thi công. Cụ thể, phần móng đổ bê tông chỉ bỏ một phần xi măng vào trộn cùng đá sỏi, phần còn lại là đất cho xuống phần đế móng.

Bỏ việc vì phát hiện bê tông trộn đất trong công trình

Sau khi phát hiện sự việc “động trời” trên, anh Hồi cùng em trai mình là anh Vũ Đức Thuận (SN 1970) đã bỏ việc ở công trình này vì cảm thấy đây là việc làm “thất đức, bất lương”.

Sau một thời gian bỏ việc tại đây, hai anh em anh Hồi vô tình gặp tốp thợ đang thi công làm móng cột điện thứ 2. Quá bức xúc với cách làm khuất tất trên, hai anh em anh Hồi đã tố cáo sự việc này.

Khu vực thi công cột móng đường dây 220KV ở xã Đại An, huyện Vụ Bản
Khu vực thi công cột móng đường dây 220KV ở xã Đại An, huyện Vụ Bản

Theo như tố cáo của anh Hồi, vào cuối tháng 3/2016, anh Hồi được ông Nguyễn Văn Toán, Đội trưởng Đội thi công của Chi nhánh Công ty Cổ phần Sông Đà 11 đang thi công trình “đường dây 220kV Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình - Nam Định" thuê chiếc máy trộn bê tông của gia đình anh Hồi (có công suất khoảng 30m3/ngày) cùng nhân công để đổ bê tông cho 2 móng cột với khối lượng khoảng trên 600m3.

Đang trong thời gian rảnh rỗi, nên khi có người đến thuê mình cùng máy trộn bê tông làm việc, anh Hồi rủ anh trai mình nhận lời đồng ý đến làm việc. Đến ngày 19/4, khi được gọi đến trộn bê tông đổ vào khoang móng, 2 anh em anh Hồi mới phát hiện sự việc khuất tất, khi phần bê tông đổ xuống khoang móng chỉ có một chút xi-măng trộn cùng đá sỏi, còn lại hầu hết là đất trộn qua loa rồi đổ thẳng xuống phần đế móng.


Phần móng đổ bê tông chỉ bỏ một phần xi măng vào trộn cùng đá sỏi, phần còn lại là đất cho xuống phần đế móng (ảnh cắt từ clip)

Phần móng đổ bê tông chỉ bỏ một phần xi măng vào trộn cùng đá sỏi, phần còn lại là đất cho xuống phần đế móng (ảnh cắt từ clip)

Anh Hồi bức xúc cho biết: “Tôi đã đi đổ bê tông nhiều năm, nhiều công trình khác nhau, nhưng chưa từng thấy kiểu làm nào lạ đời như thế này. Đổ bê tông còn pha đất thì làm sao mà chắc chắn, vững vàng được?”.

Sau khi đổ xong phần móng cột của trụ thứ nhất, thấy kiểu đổ bê tông “lạ đời” này nên anh Hồi đã đề nghị với ông Toán không nên làm theo kiểu “gian dối” thế nữa. Tuy nhiên, phía đội thi công đã “phớt lờ” đề nghị của anh em anh Hồi.

Cảm thấy nếu cứ làm việc tại đây thì mình sẽ tiếp tay cho việc xây dựng “gian dối” nên anh Hồi cùng anh trai mình đã xin nghỉ việc ở đây.

Đứng ra tố cáo vì lo sợ… cột điện sẽ đổ bất cứ lúc nào (!)

Sau khi nghỉ làm, vào khoảng tháng 5/2016, tình cờ anh Hồi cùng anh trai mình phát hiện đội thi công vẫn làm theo cách cũ khi đổ cột móng thứ 2. Quá bức xúc, 2 anh em anh Hồi đã bí mật quay video lại làm bằng chứng rồi gửi đến các cơ quan báo chí để tố cáo việc làm sai trái trên.

Anh Hồi cho biết: “Tôi là một người dân, hơn nữa cũng từng đổ bê tông nhiều năm và nhiều công trình khác nhau, nên tôi biết bê tông mà trộn đất thì chẳng bao giờ được bền vững cả. Làm kiểu này không sớm thì muộn cột điện cũng đổ gây hậu quả khôn lường, thiệt hại đến kinh tế nhà nước”.

Phía công trình cột móng đang thi công hiện nay cũng đã tạm dừng để làm rõ.
Phía công trình cột móng đang thi công hiện nay cũng đã tạm dừng để làm rõ.

Anh Hồi cũng cho biết, sáng ngày 25/5, anh nhận được tin lãnh đạo Công ty CP Sông Đà 11 nói rằng có thể vì do anh Hồi bị dừng hợp đồng, không được tiếp tục thi công nên dựng hiện trường giả, bôi nhọ họ. “Tôi xin khẳng định là tự tôi bỏ thi công vì thấy công trình làm gian dối chứ không phải bị đuổi”, anh Hồi bức xúc.

Cũng theo trình bày của anh Hồi, tối 24/4 vừa qua, có một số người nói là người của Công ty CP Sông Đà 11 đã đến nhà nói chuyện với anh Hồi về việc anh hồi tố cáo.

“Lúc 4h chiều có một nhóm đến, sau đó 11h đêm họ lại đến nói chuyện đến gần 12h với ý rằng bằng chứng và video tôi quay không phải là tại trụ móng của cột cao thế mà họ đang thi công nhưng tôi đều từ chối. Mọi việc có các thành viên trong gia đình tôi chứng kiến”. Anh Hồi cho hay.

Đến 10h sáng ngày 26/5, một đoàn cán bộ do ông Nguyễn Văn Đương, tự nhận là Chỉ huy trưởng công trình thi công cột cao thế 220kV nói trên đến nói chuyện với anh Hồi và gia đình. Ông Đương để đề nghị anh Hồi “giải quyết" sự việc trên bằng cách thừa nhận là ảnh và các video quay lại của anh Hồi là mô tả cảnh công nhân để các xe chở đất ở cạnh trụ, móng cột cao thế chứ không phải là dùng để đổ bê tông.

Anh Hồi cho biết thêm: "Họ có ghi rõ trong biên bản lập sẵn là sẽ bồi thường cho tôi nhưng tôi đã không đồng ý ký vào biên bản này!”.

Biên bản được cho là của ông Đương lập để anh Hồi ký
Biên bản được cho là của ông Đương lập để anh Hồi ký

Liên quan đến sự việc trên, vào chiều ngày 25/5, phía cán bộ thuộc Phòng An ninh Kinh tế, Công an tỉnh Nam Định đã đến nhà anh Hồi để làm việc.

Anh Hồi khẳng định: “Nếu tôi tố cáo sai tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật!”. Anh Hồi cũng cho biết thêm sẽ sẵn sàng bỏ tiền túi ra để thuê kiểm nghiệm chất lượng công trình móng cột cao thế 220kV này.

Được biết đường dây 220 kV Trực Ninh cắt đường dây 220 kV Ninh Bình - Nam Định là đường dây 2 mạch, có tổng chiều dài 29,437 km đi qua địa bàn các huyện Vụ Bản, Nam Trực, Trực Ninh thuộc tỉnh Nam Định. Điểm đầu của đường dây là cột đấu nối (cột số 1) đặt trong khoảng cột 65 - 66 của đường dây 220 kV Ninh Bình - Nam Định 1 mạch hiện hữu, điểm cuối là thanh cái 220 kV Trạm biến áp 220 kV Trực Ninh. Công trình này được đầu tư xây dựng với mục tiêu khai thác công suất cụm Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình và đáp ứng nhu cầu phụ tải tỉnh Nam Định, tăng cường liên kết hệ thống điện Quốc gia. Công trình do Ban quản lý dự án các công trình điện miền Bắc (NPMB) thay mặt chủ đầu tư quản lý điều hành dự án, Công ty Sông Đà 11 là đơn vị thi công. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành đóng điện vào quý I năm 2017.

Sau khi báo chí đăng tải về sự việc trên, phía công ty CP Sông Đà 11 cũng đã thành lập đoàn kiểm tra xem xét lại toàn bộ quy trình thi công móng trụ cột điện cao thế, tiến hành kiểm tra lại từng bước quy trình để làm rõ. Đồng thời, phía chủ đầu tư là Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cũng đã đến khu vực thi công để kiểm tra và mời cơ quan công an vào điều tra xác minh để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!

Đức Văn

Dân tố công trình móng cột điện cao thế 220kV đổ bê tông… bằng đất - 5