Quảng Bình:
Dân sợ cá nhiễm độc, ngư trường ảm đạm, tiểu thương lao đao
(Dân trí) - Tình trạng cá biển chết hàng loạt ở nhiều tỉnh miền Trung thời gian gần đây đang khiến người dân vùng biển điêu đứng; hầu như không còn ai dám ăn hải sản, đặc biệt là cá. Ngư dân và thương lái đứng trước nguy cơ bắt được cá mà không bán được.
Tại nhiều khu chợ ở Quảng Bình, trước tình trạng cá chết hàng loạt trôi dạt vào bờ biển từ gần nửa tháng nay khiến nhu cầu tiêu thụ cá biển của người dân nơi đây ít dần. Mặt hàng cá biển trước đây luôn được người dân ưa chuộng thì nay trở nên ế ẩm và rớt giá liên tục. Các tiểu thương kinh doanh mặt hàng thực phẩm này cũng vì thế mà điêu đứng. Nguyên nhân là do người dân không phân biệt được cá chết vì độc tố và cá thường nên không dám mua liều, sợ ăn phải cá nhiễm độc.
Có mặt tại chợ Đồng Hới - Quảng Bình những ngày này, cảnh mua bán cá diễn ra rất đìu hiu. “Bình thường hàng cá khi nào cũng nhộn nhịp, đông đúc. Vậy mà nhưng ngày gần đây không khí ấy vắng hẳn, người mua cũng hoang mang trước thông tin cá bị chết hàng loạt nên chẳng ai dám mua, ngư dân đánh bắt về rồi cũng không ai mua nữa”, chị Phạm Thị Huế - một tiểu thương tại chợ Đồng Hới buồn bã nói.
Còn những khu như chợ Ba Đồn, chợ Hoàn Lão, chợ Nhân Trạch… mấy ngày nay tiểu thương chỉ bán các loại cá nuôi hồ, thịt và rau. Cá biển trước đây là món ăn luôn được nhiều người tin tưởng vì không bị nuôi bằng các chất công nghiệp, chất kích thích độc hại, thì nay cũng bị người tiêu dùng dửng dưng.
Chị Kiều (một tiểu thương chợ Ba Đồn) cho biết: “Tôi vừa nhập cá từ các chủ tàu ngày hôm qua, nhưng cả buổi sáng nay chỉ bán được hơn 1kg, dân sợ cá có độc nên không ai dám mua về ăn, nhà tôi sẽ lỗ khoảng hơn 10 triệu đồng nếu không bán được số cá này. Các tiểu thương như chúng tôi thật sự đang lâm nguy”.
Không chỉ ở các khu chợ mà theo tìm hiểu của chúng tôi, tại các nhà hàng chuyên phục vụ những món hải sản “thượng hạng” ở Quảng Bình như tôm, cua, mực, ghẹ… cũng đang rơi vào cảnh ế ẩm tương tự.
Nhiều ngư trường tại Quảng Bình hiện tại không khác gì đang trong mùa mưa bão, bởi trước đây tại các bến cảng luôn tấp nập tàu thuyền, thương lái hoạt động thì nay lại đìu hiu, buồn bã. Trong khi đó, phía cửa biển, hàng chục chiếc thuyền nối đuôi nhau vào bờ, trên bến nhiều chủ tàu thuyền bất đắc dĩ phải “niêm phong” lại đợi ngày biển hết độc, còn trên bờ hàng trăm ngư dân bơ vơ vì thất nghiệp.
Các tiểu thương bán cá buồn rầu bởi không có ai dòm ngó mua hàng.
Ngư dân Trần Quang Dương (xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch) buồn rầu chia sẻ: “Bọn tui sống bằng nghề đi biển, giờ cá biển chết nhan nhản, nếu tình trạng ni kéo dài thì không biết làm gì để sống nữa đây. Ngư trường đánh bắt gần bờ mấy hôm nay vắng bóng ngư dân. Trước đây, không khí đánh bắt ngoài biển rất sôi động, thì giờ lại ảm đạm với xác cá chết ngổn ngang trôi dạt vào bờ”.
Dọc theo bờ biển từ xã Cảnh Dương, Quảng Phú, Quảng Đông… huyện Quảng Trạch, chúng tôi bắt gặp hình ảnh nhiều ngư dân, họ không ra biển đánh cá mà đi lượm cá chết về cho heo ăn.
Đang cầm mớ cá biển chết trên tay, bà Lê Thị Cẩn (người dân ở xã Quảng Phú) cho hay, có ngày bà nhặt được hơn 1 yến cá chết nhưng về nấu cho heo ăn chứ người không dám dùng đến. “Hôm rồi trong xã có cháu bé bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn cá chết mà gia đình nó nhặt về. Bởi rứa giờ bà con nơi đây đến cá biển còn sống cũng chẳng ai dám ăn vì nghe đâu nguyên nhân cá chết là bị nhiễm độc gì đó từ nước thải khu công nghiệp”, bà Cẩn chua xót.
Theo nhiều ngư dân ở Quảng Bình, khoảng 10 ngày trở lại đây họ không dám đi ra biển đánh bắt cá, còn các lái buôn không may lấy nguồn hàng đã nhập giờ cũng chẳng biết bán cho ai vì người dân hoang mang trước thông tin cá nhiễm độc nên không dám mua về dùng.
Để có kết luận sớm nhất về nguyên nhân sự việc, ngày 21/4, Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã lập đoàn công tác, đi dọc các tỉnh miền Trung để điều tra tổng thể nguyên nhân, trong đó lưu ý về độc tố, môi trường.
Trong khi chờ kết luận cuối cùng về nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo xuống các Sở địa phương, yêu cầu người nuôi trồng thủy sản kiểm tra chặt chẽ các yếu tố môi trường nước, tạm dừng lấy nước vào ao nuôi cho đến khi không còn hiện tượng cá chết ven biển; yêu cầu người dân không lấy cá trong vùng cá chết để ăn, đề phòng hiện tượng ngộ độc có thể xảy ra.
Tiến Thành – Đặng Tài