1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

TPHCM:

Dân phòng có nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy

(Dân trí) - UBND TPHCM vừa ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của lực lượng dân phòng tại thành phố. Theo đó, dân phòng có chức năng, nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy (PCCC) và bảo đảm an ninh trật tự xã hội tại địa phương.

Cụ thể, lực lượng dân phòng có chức năng thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các nguy cơ xảy ra cháy, nổ và tổ chức cứu chữa kịp thời các vụ cháy, nổ và cứu nạn - cứu hộ tại địa phương. Ngoài ra, dân phòng còn có chức năng phối hợp thực hiện phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, phong trào toàn dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Nhiệm vụ chính của dân phòng ở TPHCM là tham gia PCCC và bảo đảm an ninh trật tự
Nhiệm vụ chính của dân phòng ở TPHCM là tham gia PCCC và bảo đảm an ninh trật tự

Tại mỗi ấp, khu phố được thành lập một đội dân phòng. Trong trường hợp ấp, khu phố có địa bàn rộng thì đội dân phòng có thể chia thành nhiều tổ dân phòng. Mỗi đội dân phòng có từ 10 đến 30 đội viên hoặc nhiều hơn khi cần thiết. Trường hợp đội dân phòng gồm nhiều tổ dân phòng thì mỗi tổ có từ 5 đến 10 người hoặc nhiều hơn khi cần thiết.

Chủ tịch UBND xã-phường có quyên bổ nhiệm hoặc miễn nhiệm Đội trưởng, Đội phó đội dân phòng, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phòng. Công an xã-phường có trách nhiệm trực tiếp quản lý, chỉ đạo hoạt động của các đội dân phòng.

Để thực hiện chức năng của mình, quy chế nêu rõ quyền hạn của đội dân phòng là tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC cho nhân dân; xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC trong địa bàn dân cư; kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định, nội quy an toàn về PCCC trong khu vực dân cư; kịp thời phát hiện, đề xuất xử lý các hành vi vi phạm quy định an toàn PCCC…

Nhiệm vụ của đội dân phòng địa phương là phải xây dựng phương án chữa cháy và thường xuyên tổ chức thực tập cứu nạn - cứu hộ; chuẩn bị lực lượng, phương tiện và thực hiện nhiệm vụ chữa cháy khi có cháy xảy ra; tham gia chữa cháy ở địa phương khác khi có yêu cầu. Một nhiệm vụ khác của đội dân phòng là bảo vệ hiện trường, tham gia giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống các loại tội phạm tại địa phương.

Quy chế cũng nêu rõ người có trách nhiệm thành lập, quản lý, duy trì hoạt động của đội dân phòng mà thiếu trách nhiệm, không thành lập đội dân phòng; địa bàn có cháy mà không có lực lượng dân phòng cứu chữa thì tùy tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Tùng Nguyên