1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

Dân nghèo “gánh” các khoản thu vô lý

(Dân trí) - “Các anh, chị chẳng hiểu gì cả, tiền đó thu để chi trả cho chủ nhiệm, kế toán, thủ quỹ… nếu không thu người ta uống nước lã mà làm hay sao”. Đó là trả lời của Chủ tịch UBND xã Hoằng Lương về các khoản thu đang "đè đầu" người dân bao năm nay.

Không những phải đóng nhiều khoản thu đã được Nhà nước bãi bỏ, người dân xã Hoằng Lương, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa còn phải đóng cả tiền phụ cấp cán bộ.

Gần chục khoản thu của HTX.
Gần chục khoản thu của HTX.

Đóng tiền phụ cấp cán bộ

Người nông dân xã Hoằng Lương “một nắng hai sương” chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng để trang trải cuộc sống, nhưng sau mỗi vụ thu hoạch, người dân lại phải è cổ đóng góp hàng chục khoản thu vô lý mà họ không thể từ chối.

Chị H.T.K, thôn 5, cho biết: “Cả năm chỉ trông chờ vào mấy sào lúa, thế nhưng cứ mỗi vụ phải đóng vô số các khoản thu, mang tiếng là làm ruộng đấy nhưng qua mùa được vài tháng là trong nhà chẳng còn lúa mà ăn vì vừa gặt xong đã phải bán rẻ mà đóng thuế rồi. Chậm trễ vài hôm thì sáng chưa mở mắt đã nghe tên mình phát trên loa truyền thanh của xã”.

Cầm trên tay tờ giấy thông báo các khoản thu vụ 5/2012 của HTX Đại An phát xuống cho các hộ dân thôn 7, chị K. tính sơ sơ cũng có tới trên chục khoản thu. Nực cười hơn là trong đó có cả khoản “phụ cấp cán bộ”. Theo những phiếu thu mà người dân còn giữ từ năm 2006 đến nay, khoản thu này không vụ nào cán bộ xã không thu của dân.

Các khoản thu tại thôn.
Các khoản thu tại thôn.

Cụ thể, hộ gia đình bà L.T.H. có hơn 3 sào lúa nhưng vụ nào gia đình bà cũng phải đóng ngót ghét gần 1,5 triệu đồng, tính trung bình mỗi sào lúa, dù được mùa hay mất mùa gia đình cũng phải đóng đến 350.000đ.

Các khoản thu được liệt kê khá rõ ràng, rành mạch gồm: Phụ cấp cán bộ 1,0 kg/sào; công dẫn nước 1kg/sào; bảo vệ 1,2 kg/sào; thủy lợi nội đồng 4kg/sào; khuyến nông 0,5 kg/sào; tiền cày lồng 100.000đ/sào; kênh mương bê tông 7kg/sào; kênh mương Điện Ngọc 55.000đ/sào.

Chưa hết, cứ mỗi lần thu sản, trưởng thôn lại liệt kê thêm một loạt các khoản thu được viết ở mặt sau của tờ giấy thông báo của HTX, mà không nói rõ đây là các khoản thu của xã hay thôn, gồm: Quỹ làng, người cao tuổi, đền ơn đáp nghĩa, đổ rác, quỹ phòng chống lụt bão, quỹ ngân sách, xây nhà văn hóa xóm…

Các loại quỹ trên được người đứng đầu các thôn liệt kê tùm lum với các mức thu cao thấp khác nhau. Ngay cả gia đình được xem là hộ nghèo, đã được miễn giảm một số khoản, như gia đình chị B. ở thôn 7, có vài sào ruộng mà cũng phải đóng gần 1 triệu đồng tiền thuế cho HTX.

Công sở UBND xã Hoằng Lương.
Công sở UBND xã Hoằng Lương.

Hiện nay xã Hoằng Lương có 6 thôn với hơn 800 hộ dân, gần 3.200 nhân khẩu. Hơn 800 hộ dân này bao nhiêu năm qua oằn mình đóng hàng chục khoản thuế vô lý nhưng không dám phản đối bởi không đóng thì “họ trù cho, lên xin cái dấu cũng khó khăn”.

Chính quyền “giải mã” các khoản thu!

Trao đổi với PV Dân trí, ông Hoàng Xuân Thu - Chủ tịch UBND xã Hoằng Lương - cho biết: “Ủy ban chỉ thu duy nhất 1 khoản thu là Quỹ đền ơn đáp nghĩa, còn lại xã giao hết cho HTX và thôn đứng ra thu. Các anh, chị muốn hỏi về các khoản đó thì xuống HTX mà hỏi. Bây giờ đang huy động xây dựng nông thôn mới, không thu thì lấy gì mà làm”.

Công dẫn nước, thủy lợi nội đồng, khuyến nông, đều nhà những khoản thu liên quan đến thủy lợi nhưng ông Thu khẳng định: “Công dẫn nước khác bảo vệ, khác với thủy lợi nội đồng… Không có cái nào giống cái nào nên dân đều phải đóng góp hết. HTX thu thế này là hoàn toàn đúng, không sai”.

“Kênh mương Điện Ngọc và kênh mương bê tông là hai dạng kênh mương khác nhau nên phân ra cho dân đóng rạch ròi từng khoản. Giờ xây dựng kênh mương hết hàng chục tỷ đồng, trong khi đó huyện, tỉnh hỗ trợ cho mỗi một cây số có hơn 100 triệu, không huy động dân đóng góp thì trông chờ vào đâu?”, ông Thu cho biết thêm.

Liên quan đến các khoản như: Thủy lợi, quỹ phòng chống bão lụt đã được nhà nước bãi bỏ từ năm 2007, nhưng địa phương vẫn thu, ông Thu lớn tiếng: “Bây giờ trên giao xuống cho xã phải chuẩn bị vật tư, xã không huy động nhân dân thì lấy gì mà phòng chống? Trên không cho, ngân sách địa phương thì làm gì có!”.

Chủ tịch xã Hoằng Lương Hoàng Xuân Thu đứng chống nạnh khi làm việc với PV.
Chủ tịch xã Hoằng Lương Hoàng Xuân Thu đứng chống nạnh khi làm việc với PV.

Chưa dừng lại ở đó, trong lúc chúng tôi đề cập đến khoản thu “lạ đời” ở địa phương này là khoản “phụ cấp cán bộ”, thì ông Thu tỏ thái độ: “Các anh chị chẳng hiểu gì cả. Tiền đó thu để chi trả cho chủ nhiệm, kế toán, thủ quỹ… nếu không thu người ta uống nước lã mà làm à” (!?).

Với cách trả lời của vị Chủ tịch xã Hoằng Lương, có lẽ niềm mong mỏi được “giải phóng” khỏi các khoản thu vô lý của dân còn lâu mới thành hiện thực. Có lẽ dân chỉ còn biết trông chờ vào cấp huyện!

Nguyễn Thùy - Duy Tuyên