Thanh Hóa:
Dân mất ăn mất ngủ lo giữ rừng
(Dân trí) - Trong khi hàng trăm hộ dân thôn Xuân Lai, xã Hải Vân (Như Thanh - Thanh Hóa) lo lắng trước tình trạng 50 héc ta rừng đầu nguồn đứng trước nguy cơ bị chặt phá để chuyển đổi sang mục đích khác, thì người được giao rừng lại tìm cách “triệt hạ” rừng.
Theo phản ánh của nhiều người dân thôn Xuân Lai, xã Hải Vân, thời gian gần đây, một số hộ gia đình được giao khoán bảo vệ rừng đầu nguồn trên địa bàn thôn đã tự ý thuê người vào phát rừng, phá rừng để tìm cách chuyển đổi rừng tự nhiên sang mục đích khác. Người dân đã nhiều lần có ý kiến lên cơ quan cấp trên nhưng tình trạng trên vẫn tái diễn. Hiện thôn Xuân Lai có hơn 150 hộ dân với 650 nhân khẩu ngày đêm mất ăn mất ngủ vì lo mất rừng.
Ông Nguyễn Hữu Tư, Trưởng thôn Xuân Lai, bức xúc: “Cánh rừng đầu nguồn khoảng 50 ha của thôn chúng tôi rất quan trọng, nó không những tạo ra nguồn sinh thủy cung cấp nguồn nước sinh hoạt và đặc biệt là nguồn nước tưới cho 17 ha lúa nước của cả thôn, mà nó còn là khu vùng đệm bảo vệ Vườn quốc gia Bến En, nên người dân chúng tôi kiên quyết giữ bằng được”.
Nhưng khoảng hơn 1 năm trở lại đây, một số hộ dân được giao đất rừng ở khu vực trên đã tự ý vào chặt phá rừng để chuyển đổi sang trồng keo, dứa… Trong đó có hộ gia đình ông Lê Đăng Toàn đã nhiều lần tự ý vào chặt phá rừng. Người dân đã báo cáo sự việc lên cơ quan cấp trên; kiểm lâm, lâm trường và chính quyền địa phương cũng đã xử phạt gia đình ông Toàn 2 lần với số tiền phạt hơn 7 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Hữu Tư, ông Toàn là người được giao rừng nhưng thực chất người đang quản lý bảo vệ khoảng 12 ha rừng trên lại là ông Dùng, một cán bộ huyện Như Thanh. “Nhiều lần ông Dùng thuê người vào chặt cây, chúng tôi vào ngăn cản nhưng ông ấy vẫn cứ làm, đến khi bà con báo cáo lên cấp trên về lập biên bản xử lý thì ông này mới chịu dừng lại” - ông Tư bức xúc.
Cũng theo ông Tư và Bí thư chi bộ thôn Xuân Lai Bùi Văn Xuyến, diện tích 50 ha rừng đầu nguồn của thôn chủ yếu giao cho những người ở nơi khác chứ người dân không được hưởng. Trong số đó có rất nhiều cán bộ lâm trường, UBND xã và thậm chí cả cán bộ huyện như hộ ông Lê Đăng Toàn - cán bộ Ban quản lý Rừng phòng hộ Như Xuân 12,5 ha. Ông Nguyễn Trọng Thiện - Bí thư Đảng ủy xã Hải Vân 5 ha. Ông Nguyễn Ngọc Thuật - cán bộ BQL Rừng phòng hộ Như Xuân (có vợ là Phó giám đốc) 5,6 ha. Ông Nguyễn Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã 3 ha. Ông Phạm Ngọc Nam - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Như Xuân 5ha...
“Chính vì rừng không được giao cho người dân chăm sóc bảo vệ nên bà con ngay ngáy lo mất rừng. Đã nhiều lần Ban quan lý Rừng phòng hộ Như Xuân có ý định chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên trên sang mục đích khác, nhưng bà con chúng tôi không đồng ý, kiên quyết bảo vệ đến cùng. Nguyện vọng của bà con chúng tôi là giữ lại số rừng trên để tạo nguồn sinh thủy cung cấp nước cho 2 đập Khe Bai để đảm bảo nguồn nước cho cánh đồng 17 ha của thôn” – bà Nguyễn Thị Xuân, thôn Xuân Lai cho biết.
Bà Bùi Thị Hoa, Phó Giám đốc Ban quản lý Rừng phòng hộ Như Xuân, cho biết: “Rừng ở thôn xuân lai là rừng tự nhiên nghèo kiệt, chúng tôi đã giao khoán cho các hộ dân theo Nghị định 35 của Chính phủ. Hiện diện tích rừng trên đã có chủ, việc người dân phán ảnh hộ gia đình ông Toàn vào phát rừng là có, gia đình ông ấy chỉ phát luông cho quang rừng. Tuy nhiên chưa báo cáo Ban quản lý, kiểm lâm là sai, chúng tôi đã cho người vào kiểm tra vào có phạt gia đình anh 2 lần với tổng số tiền là 7,6 triệu đồng.
Cũng theo bà Hoa thì diện tích rừng ở thôn Xuân Lai cũng giao cho bà con địa phương và cán bộ Ban quan lý khoang nuôi bảo vệ. “Tuy nhiên diện tích rừng trên đã nghèo kiệt, BQL cũng đang có ý định chuyển đổi, nhưng hiện nay chưa làm phương án, nên chúng tôi chưa làm gì cả” – bà Hoa cho hay.
Còn ông Lê Thanh Ngợi, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Như Thanh, cho biết BQL rừng phòng hộ Như Xuân cũng đã nhiều lần xin chuyển đổi diện tích đất rừng ở thôn Xuân Lai. “Khu vực rừng trên tuy không còn giá trị về mặt kinh tế, nhưng về mặt sinh thái thì nó rất quan trọng tạo nguồn sinh thủy và đảm bảo môi trường cho bà con trong khu vực. Ngoài ra nó còn là “tấm lá chắn” bảo vệ vùng lõi Vườn quốc gia Bến En” - ông Ngợi nhận định.
Bên cạnh đó, theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Như Thanh, ông rất đồng tình với việc giữ rừng của người dân thôn Xuân Lai, nên nhiều lần báo cáo ra Chi cục và Sở NN-PTNT Thanh Hóa, ông cũng có ý kiến không nên chuyển đổi số rừng trên. “Đã có một số cán bộ lớn ở huyện xuống “xin” kiểm lâm cho họ chuyển đổi sang trồng cây khác nhưng chúng tôi kiên quyết không đồng ý” – ông Ngợi cho biết thêm.
Nguyễn Thùy