Lâm Đồng:
Dân lập rào chắn đường phản đối mức đền bù không thỏa đáng
(Dân trí) - Hơn một tuần qua, tại đoạn đường tránh sạt lở của đèo Phú Hiệp- Di Linh (Lâm Đồng), nhiều hộ dân tại thôn Phú Hiệp 1, xã Gia Hiệp đã lập hàng rào ờ 2 đầu đường, ngăn không cho các phương tiện qua lại.
Theo tìm hiểu, người dân cho biết, họ rào đường lại vì không thống nhất với mức giá đền bù của huyện đưa ra.
Cho rằng mức đền bù chưa thỏa đáng, dân lập rào chắn đường
Được biết, đầu năm 2015, đoạn đường từ KM 172+800 đến KM 172+880 đèo Phú Hiệp của quốc lộ 20 bỗng dưng bị sạt lở. Để đảm bảo an toàn giao thông cho người và phương tiện qua lại, huyện phải thu hồi đất của một số hộ dân để xây dựng một đoạn đường tránh.
Trong đó 7 hộ dân thôn Phú Hiệp 1, xã Gia Hiệp có đất trong khu vực xây dựng đường tránh đều nhất trí nhận tiền đền bù cây trồng, vật kiến trúc và bàn giao mặt bằng cho công ty cổ phần BOT quốc lộ 20 thi công, trước khi có phương án tính toán đền bù đất thu hồi.
Đến ngày 17/2/2015, đoạn đường tránh sạt lở đèo Phú hiệp đã được thông tuyến. Khi nhận được phương án đền bù đất từ Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Di Linh áp giá theo giá của QĐ 69/2014 của UBND tỉnh Lâm Đồng và tính theo hệ số, không tính yếu tố thị trường, có 5 hộ dân cho rằng việc tính toán đền bù đất chỉ dựa theo giá của Nhà nước là quá thấp, không thỏa đáng, nên không nhận tiền bồi thường.
Nhiều lần kiến nghị điều chỉnh giá bồi thường với ngành chức năng, chính quyền xã và huyện nhưng chưa được giải quyết, nên các hộ dân đã lập rào chắn đoạn đường tránh không cho các phương tiện lưu thông qua lại.
Bà Lê Thị Hường, thôn Phú Hiệp 1, xã Gia Hiệp, huyện Di Linh cho biết: “Đền bù thì chưa có đồng nào, có hơn chục triệu tiền cây không thôi, đất thì chưa nói gì hết. Tụi tôi không biết đòi ai nên phải làm cái rào chắn, cái bảng đó để đi đòi nợ, chứ giờ không biết đòi ai”.
Cũng theo các hộ dân, việc thi công đoạn đường tránh đèo sạt lở đã làm ảnh hưởng lớn tới việc đi lại của các hộ. Bởi hầu hết người dân phải tự mở đường đi từ đường tránh đèo vào nhà và gặp rất nhiều khó khăn như: độ dốc cao, đường trơn trượt, khó khăn trong việc đi lại. Nhiều hộ đã phải mở chung đường đi xa hơn trước đây.
Bên cạnh đó, do bị thu hồi đất nên nhiều nhà dân hiện phải nằm cheo leo cạnh bờ taluy chưa được đơn vị thi công xử lý tránh sói lở, trong khi mùa mưa đang đến.
“Bà con kiến nghị bây giờ trả y cái đường cũ, trả tiền làm đường cũ như trước cho chúng tôi, xây bờ kè cho tụi tôi chứ đường nó lở ra thì tụi tôi biết kêu ai. Nhà tôi thì đang có triệu chứng nứt rồi, mấy bữa nữa đi đường này còn nứt nhiều hơn”, bà Hường bức xúc nói thêm.
“Áp giá đền bù như vậy là chưa thỏa đáng, đất của tôi thuộc diện quốc lộ 20, thà là đất nông nghiệp vùng sâu vùng xa, nhà nước mở đường đền bù như vậy thì dân chúng tôi vui vẻ chấp nhận, đằng này…”, bà Lê Thị Vân, thôn Phú Hiệp 1, không kém phần bức xúc nói.
Dân cấm các phương tiện đi qua đường tránh sạt lở.
Theo biên bản làm việc ngày 20/5/2015 của các ngành chức năng với các hộ dân tại đoạn đường tránh này, Ban quản lý dự án 7 đề nghị UBND huyện Di Linh tính toán lại đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời yêu cầu công ty cổ phần BOT quốc lộ 20 – đơn vị thi công đoạn đường cần hỗ trợ làm đường đi vào nhà cho các hộ dân và có phương án tránh sói lở bờ taluy bên đường.
Cũng theo ông Đoàn Ngọc Tuyền, Chủ tịch UBND xã Gia Hiệp (Di Linh), UBND xã đã kịp thời báo cáo và Cục Đường bộ đã vào cuộc. Đầu tháng 5 UBND xã đã làm việc với các hộ, đã có biên bản thống nhất với UBND huyện để giải quyết cho dân trong thời gian nhanh nhất, tính lại giá đền bù thỏa đáng, đảm bảo quyền lời cho nhân dân.
Đoạn đường đèo bị sạt lở nguy cơ mất an toàn giao thông rất cao.
Được biết, đoạn đèo Phú Hiệp (Di Linh) vẫn đang tiếp tục bị sạt lở ngày một nặng, các phương tiện vẫn phải lưu thông trên đoạn đường này, có nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao.
Tiến Dũng - Ngọc Hà