1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thanh Hóa:

Dân "khát" điện bên nhà máy thủy điện

Bình Minh

(Dân trí) - Dù nằm ngay gần nhà máy thủy điện với lượng điện cung cấp mỗi năm 1 tỷ kWh, nhưng điều khó tin là hàng chục hộ dân của bản Pượn (xã Trung Sơn, Quan Hóa) vẫn chưa được sử dụng lưới điện quốc gia.

Thiếu điện, khổ trăm bề!

Bản Pượn, xã Trung Sơn là một trong những thôn bản khó khăn nhất của huyện Quan Hóa (Thanh Hóa) với 31 hộ dân, 156 nhân khẩu. Dù bản nằm bên nhà máy thủy điện Trung Sơn với lượng điện cung cấp 1 tỷ kWh/năm nhưng bao năm qua, bà con nơi đây vẫn mơ ước được sinh hoạt dưới ánh sáng từ điện lưới quốc gia.

Dân khát điện bên nhà máy thủy điện - 1

Nhà máy thủy điện nằm ngay trên địa bàn xã Trung Sơn nhưng hàng chục hộ dân trong xã vẫn chưa thể có điện.

Buổi tối, từ trên cao nhìn xuống, bản Pượn như một hố sâu đen đặc, bà con thu mình trong không gian tối tăm, tĩnh mịch. Không có điện sinh hoạt, việc tiếp cận những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các thông tin khoa học, kỹ thuật... của người dân bản còn nhiều hạn chế, đời sống lạc hậu, khó khăn. Với họ, những thứ như ti vi, điện thoại vẫn là những vật dụng vô cùng xa lạ.

"Không có điện, bà con không được xem ti vi, không được tiếp cận thông tin; các cháu buổi tối không thể học bài. Mùa hè nóng cũng không thể sử dụng quạt, mùa đông học sinh đến trường không thể học được vì ngày cũng như đêm… Chúng tôi đã kiến nghị lên các cấp chính quyền địa phương nhưng đến nay nguyện vọng vẫn chưa được đáp ứng", ông Vi Văn Huyên, bản Pượn nói.

Dân khát điện bên nhà máy thủy điện - 2

Ông Nhất cho biết chiếc máy xay xát của gia đình nếu dùng điện thì chỉ hết 4.000 đồng để xay 1 tạ lúa nhưng dùng xăng thì mất 15.000 đồng.

Gia đình ông Vi Xuân Nhất (ở bản Pượn) có một chiếc máy xay xát lúa phục vụ cả bản. Do không có điện nên ông phải dùng xăng để chạy máy. Ông Nhất cho biết, loại máy xát này nếu dùng xăng thì xay 1 tạ lúa hết 15.000 đồng, còn dùng điện thì chỉ hết 4.000 đồng. Chính vì thế, khi bà con đến nhờ xay xát, ông cũng phải lấy giá cao để bù vào tiền xăng.

Cũng theo ông Nhất, không có điện khiến nhiều năm qua cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám người dân bản. Theo những người già trong bản Pượn, họ sống không có điện khổ quen rồi, nhưng chỉ mong thế hệ con cháu được sống dưới ánh điện để bớt cơ cực, có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

"Khi nào có đường thì mới có điện"

Theo ông Phạm Bá Tuế - Phó Chủ tịch UBND xã Trung Sơn, dù có nhiều diện tích đất để canh tác, trồng trọt, chăn nuôi, người dân chăm chỉ nhưng vì thiếu điện mà cuộc sống bà con vẫn còn rất khó khăn. Không có điện đồng nghĩa với việc bà con khó tiếp cận thông tin, văn hóa… Đặc biệt, trong thời gian qua, khi dịch Covid-19 bùng phát, người dân cũng thiếu thông tin để phòng, tránh.

Dân khát điện bên nhà máy thủy điện - 3

Trẻ con bản Pượn đến lớp không có điện thắp sáng, không được sử dụng quạt dù mùa hè nóng bức.

Từ lâu, bà con đã đề xuất và mong ngóng điện lưới quốc gia được kéo về bản. Tuy nhiên, bản cách trung tâm hành chính xã Trung Sơn khá xa, giao thông đi lại rất khó khăn, trong khi phải có đường giao thông thì mới có điện. Chính vì vậy, dù bà con mong ngóng đã lâu, nhưng việc đưa điện lưới quốc gia vào bản chưa được triển khai nhanh như kỳ vọng.

"Hiện UBND xã Trung Sơn đã có những đề xuất với cấp trên, nhưng do một số thôn bản nằm xa khu trung tâm nên chưa được đầu tư xây dựng. Sớm nhất cũng phải khoảng 2-3 năm nữa, khi mà đầu tư xong đường thì may ra mới có điện lưới", ông Tuế cho biết.

Theo ông Trần Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, thời gian tới, UBND huyện sẽ kiến nghị Trung ương, UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục hỗ trợ, đầu tư các công trình điện lưới tại các bản chưa có điện. Có điện mới có thể giúp dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Được biết, trên địa bàn toàn huyện Quan Hóa hiện có 5 bản và 3 điểm dân cư với khoảng 200 hộ dân chưa hòa điện lưới quốc gia tại các xã: Nam Tiến, Nam Động, Trung Sơn.

Thống kê của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho thấy, Thanh Hóa hiện còn 37 thôn, bản với hơn 2.000 hộ dân thuộc các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát… chưa được sử dụng điện lưới quốc gia.